3 dự án MiSmart, VPTech và GraphicsMiner lên ngôi tại cuộc thi khởi nghiệp Thử thách Đổi Mới Sáng Tạo Qualcomm Việt Nam 2022

(Tổ Quốc) - Sau nhiều tháng được cọ xát và tranh tài, MiSmart, VPTech và GraphicsMiner đã vượt qua gần 100 đối thủ để lên ngôi cao nhất của cuộc thi Thử thách Đổi Mới Sáng Tạo Qualcomm Việt Nam. Với giải nhất, MiSmart đã nhận được 100.000 USD, giải nhì VPTech nhận 75.000 USD và giải ba GraphicsMiner mang về 50.000 USD.

Năm 2019, Thử thách Đổi Mới Sáng Tạo Qualcomm Việt Nam - Qualcomm Vietnam Innovation Challenge (QVIC) được ra mắt với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhằm mục tiêu góp phần ươm tạo các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ mới đầy tiềm năng tại Việt Nam.

Chương trình QVIC tạo điều kiện phát triển Hệ sinh thái công nghệ mới nổi của Việt Nam, bằng cách phát hiện và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp sáng tạo vừa và nhỏ trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như 5G, IoT (Internet vạn vật), trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh, thiết bị đeo và công nghệ đa phương tiện…; sử dụng các công nghệ và nền tảng di động tiên tiến của Qualcomm Technologies.

Tại giải năm nay, đã có hơn 100 công ty trên khắp Việt Nam đăng ký hồ sơ trực tuyến từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022 để được lựa chọn tham gia QVIC 2022.

Rồi trong tháng 2/2022, các chuyên gia trong Hội đồng Ban giám khảo đã lựa chọn các công ty tham gia QVIC 2022 dựa trên các tiêu chí: tính đổi mới sáng tạo độc đáo, sự khác biệt và nội địa hóa trong công nghệ, cơ hội sở hữu trí tuệ và mô hình kinh doanh.

3 dự án MiSmart, VPTech và GraphicsMiner lên ngôi tại cuộc thi khởi nghiệp Thử thách Đổi Mới Sáng Tạo Qualcomm Việt Nam 2022 - Ảnh 1.

Top 10 QVIC 2022

Từ tháng 3 đến tháng 8/2022, Qualcomm Technologies đã tổ chức các hội thảo và chương trình đào tạo về Sở hữu trí tuệ - cách thức được cấp bằng sáng chế, bảo vệ sáng chế và kiếm tiền từ sáng chế của họ - cũng như phát triển kỹ năng kinh doanh thông qua các chủ đề đa dạng về mô hình kinh doanh, lập kế hoạch tài chính, lập ngân sách, kỹ năng gọi vốn...

Các dự án tham gia cũng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến các đổi mới sáng tạo của họ bao gồm: quyền truy cập vào phòng thí nghiệm của Qualcomm tại Hà Nội và các tư vấn về phát triển sản phẩm trong suốt thời gian ươm tạo. Ngoài ra, các công ty khởi nghiệp cũng nhận được khoản tài trợ lên tới 10.000 USD để hỗ trợ phát triển sản phẩm và khoản chi phí hỗ trợ lên tới 5.000 USD để nộp tối đa hai bằng sáng chế, cho mỗi công ty.

Trận chung kết QVIC 2022 là sự tranh tài giữa MiSmart, VPTech và GraphicsMiner và cuối cùng MiSmart đã lên ngôi vô địch, giải nhì thuộc về VPTech, giải 3 của GraphicsMiner.

MiSmart: là doanh nghiệp cung cấp giải pháp drone tích hợp AI giúp giám sát, phát hiện sâu bệnh và phun thuốc trừ sâu tự động nhằm tăng năng suất, hiệu quả góp phần hiện đại hoá, tự động hoá nền nông nghiệp - nhân tố thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam.

3 dự án MiSmart, VPTech và GraphicsMiner lên ngôi tại cuộc thi khởi nghiệp Thử thách Đổi Mới Sáng Tạo Qualcomm Việt Nam 2022 - Ảnh 2.

VPTech: Dự án VPTech’s RAY là dự án cung cấp thiết bị DAC/AMPLIFIER di động thuộc dòng sản phẩm âm thanh cao cấp đầu tiên "sản xuất tại Việt Nam". Chất lượng âm thanh được tinh chỉnh ở mức chip bởi VPTech kết hợp với công nghệ truyền âm thanh không dây - lossless của Qualcomm đem đến âm thanh chất lượng cao nhất, mang lại cho người nghe những bản nhạc với độ chân thực, đầy đủ sắc thái và cảm xúc.

3 dự án MiSmart, VPTech và GraphicsMiner lên ngôi tại cuộc thi khởi nghiệp Thử thách Đổi Mới Sáng Tạo Qualcomm Việt Nam 2022 - Ảnh 3.

GraphicsMiner: GraphicsMiner tạo ra bộ đồ chơi rô bốt bằng giấy bìa cứng đi cùng với nền tảng tương tác thực tế ảo (AR) dành cho trẻ em trên khắp thế giới để chơi và học tập. Đây là giải pháp có giá thành rẻ, thông minh và thân thiện với môi trường, giúp học sinh tiếp cận số hóa ngay từ thời gian học tập và vui chơi của mình.

3 dự án MiSmart, VPTech và GraphicsMiner lên ngôi tại cuộc thi khởi nghiệp Thử thách Đổi Mới Sáng Tạo Qualcomm Việt Nam 2022 - Ảnh 4.

Ban Giám khảo QVIC 2022

Ngoài giải nhất trị giá 100.000 USD, giải nhì trị giá 75.000 USD và giải ba trị giá 50.000 USD; sau chương trình, tất cả các công ty tham gia QVIC sẽ trở thành thành viên trực thuộc mạng lưới toàn cầu của Qualcomm và có cơ hội tham gia vào các triển lãm thương mại, gặp gỡ khách hàng và các sự kiện khác.

3 dự án MiSmart, VPTech và GraphicsMiner lên ngôi tại cuộc thi khởi nghiệp Thử thách Đổi Mới Sáng Tạo Qualcomm Việt Nam 2022 - Ảnh 5.

Bà An Chen - Phó chủ tịch Kỹ thuật, Tập đoàn Qualcomm

"Tôi rất vui mừng khi thấy kết quả của chương trình QVIC năm nay. Thật tuyệt vời khi năm nay chúng tôi có thể trực tiếp tổ chức Vòng Chung kết tại TP.HCM. Suốt hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã chứng minh cho thế giới thấy sự cần thiết của việc kết nối thông qua nền tảng công nghệ.

Mỗi công ty khởi nghiệp này đều gây ấn tượng với chúng tôi với tinh thần đổi mới sáng tạo và sự nhạy bén trong kinh doanh của họ. Tôi mong đợi được nhìn thấy sự phát triển và thành công không ngừng của họ", bà An Chen - Phó chủ tịch Kỹ thuật, Tập đoàn Qualcomm cho biết.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Trần Văn Tùng, cũng bày tỏ: "Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới của 5G, AI, điện toán đám mây và các ứng dụng ngày càng đa dạng của công nghệ IoT (Internet vạn vật) đa dạng.

Chương trình Thử thách Đổi Mới Sáng Tạo Qualcomm Việt Nam đã mang lại những sự hỗ trợ cần thiết giúp các công ty khởi nghiệp Việt Nam trở thành thành viên của hệ sinh thái kinh doanh toàn cầu. Chúng tôi hoan nghênh ba công ty chiến thắng và khuyến khích các cộng đồng khởi nghiệp của đất nước tiếp tục thể hiện khả năng đổi mới thần tốc cho Việt Nam".

Quỳnh Như

Tin mới