(Tổ Quốc) - Những cách sơ cứu bệnh nhân đột quỵ theo truyền miệng là cực kỳ sai lầm, có thể khiến tình trạng bệnh nhân tệ hơn, thậm chí mất mạng trước khi tới bệnh viện.
Đột quỵ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh, đặc biệt khả năng tử vong là rất cao. Trong thời gian chờ đợi cấp cứu, hành động của người thân/người bên cạnh bệnh nhân ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng cứu chữa người bệnh.
Theo, PGS. TS. BS Hoàng Bùi Hải - Trưởng Đơn vị đột quỵ, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, BV Đại học Y Hà Nội có những việc không nên làm vì hoàn toàn không có ích gì đối với tình trạng của người bệnh mà còn kéo dài thời gian cấp cứu, bỏ lỡ thời gian vàng của đột quỵ.
"Điều thứ nhất, không được hạ huyết áp cho bệnh nhân bằng thuốc: Chúng ta cứ nghĩ rằng đo huyết áp, thấy huyết áp cao là đổ lỗi do nguyên nhân đột quỵ là do tăng huyết áp, nhưng không phải,. Khi người bệnh vừa đột quỵ xong thì huyết áp thường tăng vì phản xạ của cơ thể là sẽ có mạch ngoại vi, tăng nhịp tim, tăng cường co bóp cơ tim để làm cho máu lên trên não nhiều hơn.
Bởi vì, vì khi bị tắc mạch thì mạch máu phía sau đệm sẽ bị thiếu khí, bị xuất huyết thì diện khối máu tụ sẽ chèn ép vào vùng máu, vùng bên cạnh làm cho não bị thiếu máu Nếu huyết áp đang là 180/190 mmHg, mà trong những giờ đầu mà chúng ta lại dùng thuốc để nhỏ dưới lưỡi để hạ huyết áp là hết sức sai lầm, cực kì sai lầm, rất rất sai lầm, vì kiến thức này cổ lắm rồi.
Nhỏ thuốc huyết áp hoặc cho uống thuốc huyết áp ở nhà để cho huyết áp tụt xuống là không tốt, có hại hơn là việc chúng ta để nguyên huyết áp như vậy. Khi đến viện thì các bác sĩ sẽ có cách để điều chỉnh huyết áp theo mong muốn, để giữ huyết áp làm sao vừa không gây ra chảy máu nhiều hơn, không gây tắc mạch nhiều hơn nhưng vẫn đảm bảo cho tưới máu lên não được tốt hơn.
Điều thứ hai, Bác sĩ Hoàng Bùi Hải nhấn mạnh là không được cho vào miệng bệnh nhân bất cứ thuốc gì, kể cả nước uống. "Nhiều người cứ cho những thuốc bột, những thuốc nhập từ nước khác về với những tiêu chí mà không rõ ràng, những hiệu quả không rõ ràng và chúng ta thường xem đó là một thần dược. Nhưng chúng tôi không đánh giá những việc đó có ích trong giai đoạn bệnh nhân đang ở nhà", ông nói.
Khi bệnh nhân không hoàn toàn tỉnh táo, người thân pha những loại thuốc, chất lỏng và đổ vào miệng người bệnh, người bệnh không thể nuốt được. Các dịch lỏng đó sẽ chui vào phổi, gây tắc đường thở. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân đột quỵ tới bệnh viện nhưng bác sĩ gần như không thể làm gì được nữa vì bệnh nhân đã tử vong do nước, thuốc người sơ cứu đổ vào miệng làm ngạt thở.
Đến nơi chúng tôi cấp cứu nhiều khi cũng đã phải cấp cứu rất nhiều trường hợp đến nơi gần như không làm gì nữa vì toàn bộ nước hoặc thuốc mà chúng ta pha đổ hết vào phổi bệnh nhân và bệnh nhân chết và không còn cơ hội sống. Nếu sống thì cũng để lại di chứng rất nặng nề. Bởi vì thiếu oxy, bởi vì đang suy hô hấp, bởi vì họ sặc rồi tăng áp lực nội sọ, vân…vân…
"Không cho bất cứ thuốc gì vào miệng bệnh nhân, kể cả những thuốc mà hàng xóm nói tốt, kể cả những thuốc mà người khác khuyên, không phải là bác sĩ khuyên, không phải là những bác sĩ chuyên khoa về đột quỵ, chuyên khoa về cấp cứu khuyên, thì đừng cho bệnh nhân".
Tiếp theo, bác sĩ Hải nhắc nhở, khi gặp bệnh nhân đột quỵ không được dùng những biện pháp dân gian như là: chích máu, ấn nhân trung, xoa dầu, bóp cao… Tất cả những động tác đó có thể nó chưa có hại ngay lập tức nhưng nó làm mất thời gian và làm cho chúng ta tin vào những điều mà không có hiệu quả. Nhưng hành động đó là không nên, không cần thiết, nó chỉ làm mất thời gian và làm trễ thời gian của bệnh nhân được đến viện, hiệu quả cấp cứu cũng sẽ bị giảm sút.
Theo bác sĩ Hải, khi gặp bệnh nhân đột quỵ, hãy gọi 115, đưa bệnh nhân vào viện càng sớm càng tốt, và trong lúc chờ đợi thì cho bệnh nhân nằm nghiêng, nếu bệnh nhân nôn thì móc đường dãi để tránh bệnh nhân bị suy hô hấp.
Trong thời gian chờ đợi cấp cứu, người thân nên làm gì và tránh làm gì để kiểm soát tình trạng đột quỵ
Hoàng Lan - Video: Kingpro