(Tổ Quốc) - Thói quen uống nước mỗi ngày là điều đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với cơ thể của tất cả chúng ta. Tuy nhiên, nhiều người đang mắc phải những sai lầm khiến thận lâm nguy, sức khỏe giảm sút.
Một người có thể nhịn ăn 2 tuần nhưng không thể sống thiếu nước quá 3 ngày. Nước chiếm 60-70% trọng lượng cơ thể, là điều kiện sống và là môi trường diễn ra mọi hoạt động trao đổi chất của mỗi người. Dù uống nước là hoạt động cần thiết mỗi ngày, nhưng cũng cần tránh những thói quen "phản tác dụng", không những không cấp nước cho cơ thể mà còn gây hại thận.
1. Thấy khát mới uống nước
Chỉ uống nước khi cảm thấy khát sẽ khiến cơ thể bị thiếu nước, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm. Ảnh: Internet
Nhiều người không hề có thói quen uống nước mỗi ngày mà chỉ đến khi thấy khát khô cổ mới uống. Tuy nhiên, dù không thấy khát, mọi tế bào trên cơ thể bạn vẫn biểu tình được cấp nước từng phút từng giờ.
Trên thực tế, khi cơ thể cảm thấy khát tức là các tế bào đã thiếu nước đến mức phải gửi tín hiệu cảnh báo về não bộ. Không cấp đủ nước ảnh hưởng đến các hoạt động sống như đào thải chất độc ra ngoài qua mồ hôi và nước tiểu. Do đó, để cơ thể khát nước lâu dài rất dễ gây hại cho cơ thể, đặc biệt là thận. Vì thận đóng vai trò trao đổi chất chính bằng cách điều chỉnh sự cân bằng nước và chất điện giải và chuyển hóa chất thải trong cơ thể. Thận cần đủ nước để hỗ trợ và là môi trường để thực hiện các hoạt động này. Nếu uống không đủ nước, các chất thải không thể thoát ra ngoài, càng làm tăng gánh nặng cho thận. thậm chí gây sỏi thận, ứ nước thận,...
2. Uống nước ngọt, cà phê thay nước lọc
Uống cà phê không thể cấp đủ nước cho cơ thể mà ngược lại còn khiến các tế bào mất nước hơn, làm máu trong cơ thể đặc hơn.Ảnh: Internet
So với các loại nước lọc thì các loại nước có ga hay cà phê thường có hương vị thơm ngon và có khả năng làm mát, giải nhiệt tốt hơn. Vì vậy, rất nhiều người lầm tưởng rằng có thể dùng những loại đồ uống này thay cho nước lọc. Song, hành động nuông chiều vị giác này lại rất nguy hiểm và có hại cho cơ thể.
Uống nước ngọt hoặc nước có ga trong một thời gian dài có thể phá vỡ sự cân bằng axit - bazo trong cơ thể. Khi nồng độ axit lớn hơn nồng độ kiềm sẽ gián tiếp gây hại cho thận. Loại đồ uống này không chỉ chứa một lượng lớn caffeine mà còn làm mất đi một lượng lớn canxi, magie và các vi dưỡng chất khác, là một trong những nguyên nhân làm tăng huyết áp, sỏi thận, gút, loãng xương, suy giáp, lão hóa sớm. Ngoài ra, nạp nhiều nước ngọt vào cơ thể thay vì nước lọc còn làm thức ăn khó tiêu hóa, gây chứng khó tiêu và đầy hơi.
Tương tự, cà phê và những thức uống khác như rượu, bia không thể cấp đủ nước cho cơ thể mà ngược lại còn khiến các tế bào mất nước hơn, làm máu trong cơ thể đặc hơn.
3. Uống trà đặc để giải rượu
Uống trà đặc lâu ngày không có lợi cho thận, việc kết hợp với rượu sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương thận. (Ảnh: Internet)
Nhiều người cho rằng uống trà đậm có thể giúp giải rượu nhưng lại không biết rằng sự kết hợp giữa rượu và trà sẽ gây hại cho thận. Acetaldehyde (tác nhân chính làm cho những người uống rượu bia bị say với các biểu hiện như buồn nôn, chóng mặt, đau đầu…) trong rượu có độc tính mạnh mẽ sẽ làm hỏng cầu thận và tế bào ống thận cũng như ức chế chức năng thanh lọc cơ thể của bộ phận này. Trong khi đó, trà đặc có thể nhanh chóng đi qua thận và phát huy tác dụng lợi tiểu, nhưng chính điều này sẽ thúc đẩy acetaldehyde chưa oxy hóa tác động trực tiếp đến thận quá sớm dẫn đến các hậu quả nêu trên.
Mặt khác, uống quá nhiều trà có hàm lượng flo cao cũng có thể gây ngộ độc florua dẫn đến mệt mỏi, chán ăn, đau đầu. Quan trọng nhất, cơ quan bài tiết flo chính là thận, nên việc nạp flo quá đà vào cơ thể cũng có thể gây tổn thương vỏ thận và tủy thận.
Ngoài ba thói quen uống nước gây hại cho thận trên, thường xuyên uống nước máy thay vì nước đun sôi hoặc nước lọc cũng không có lợi cho cơ thể. Nghiên cứu cho thấy ngay cả khi nước được xử lý bằng clo vẫn có thể tách ra 13 chất độc hại, uống nước máy thường xuyên tức là bạn đang nạp những chất độc này vào cơ thể.
Bên cạnh đó, dù có thể sử dụng cốc dùng một lần để uống nước với nhiệt đồ bình thường hoặc nước lạnh, nhưng cần tránh đựng nước nóng bằng loại cốc này. Một số cốc giấy có chứa thuốc tẩy huỳnh quang, polyethylene tái chế,... gặp nước nóng sẽ giải phóng một số lượng lớn các hợp chất có hại, gây hại cho cơ thể.
(Theo Sohu)
Ánh Lê