(Tổ Quốc) - Vấn đề có lẽ không phải do bạn không đủ khả năng kiếm tiền, mà là những thói quen xấu vô hình chung biến kế hoạch tài chính trở thành sai lầm chết người!
Để biết bản thân có những thói quen xấu trong chi tiêu hay không, hãy thử xem bạn có bao nhiêu đặc điểm sau đây:
- Thường tự nhủ "cứ vui đi vì cuộc đời cho phép";
- Hay nghĩ "trễ 2, 3 phút cũng không bị coi là muộn", không nhận ra rằng "thời gian là tiền bạc";
- Thường thức khuya và bỏ lỡ khung giờ vàng vào buổi sáng, dẫn đến giảm năng suất làm việc tổng thể;
- Không giỏi trong việc sắp xếp gọn gàng nên thường thất lạc đồ vật;
- Chỉ đo trọng lượng cơ thể khi kiểm tra sức khỏe, lơ là về tình trạng cơ thể;
- Mua các mặt hàng có cùng sự tương đồng khá lớn;
- Tiền lương của công ty là nguồn thu nhập duy nhất…
Nếu bạn có hơn một nửa các đặc điểm trên, hãy cẩn thận! Kế hoạch cuộc sống và tài chính hiện tại của bạn vẫn còn nhiều điều chưa thích hợp.
Có không ít người sở hữu thu nhập khá nhưng đến 30 tuổi chưa tiết kiệm nổi 100 triệu đồng. Điều này cho thấy họ đang phạm phải một số sai lầm quan trọng về tiền bạc sau đây:
Nguyên nhân 1: Đối xử không tốt với tiền bạc
Khi Giáo sư của Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải - Christina Liu mới bước ra xã hội, bà cũng từng không biết chi tiêu vào đâu cho đúng, để rồi cuối tháng nào cũng phải vay mượn khắp nơi. Điều này khiến bà cảm nhận sâu sắc rằng: Đối xử với tiền bạc “có tâm” chính là khởi nguồn của sự dư dả.
Nguyên nhân chủ yếu khiến chúng ta túng thiếu không hẳn là do thu nhập thấp, mà còn bởi chúng ta không đối xử đúng cách với số tiền mình kiếm được.
Tomotaka Taguchi, Chủ tịch Tập đoàn Độc lập Tài chính Nhật Bản, cũng từng phải gánh khoản nợ hàng triệu Yên mặc dù sở hữu thu nhập cao. Ở tuổi 28, anh ấy đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ, hành vi và thói quen của mình. Sau đó 2 năm, anh đã trả được hết nợ và đạt tự do tài chính vào 7 năm sau đó.
Sau này, khi đã trở thành cố vấn tài chính, anh đã lấy bản thân làm ví dụ. Năm 25 tuổi, tuy thu nhập hàng tháng lên tới 500.000 Yên nhưng sau giờ làm, anh luôn đi ăn uống, vui chơi cùng đồng nghiệp với suy nghĩ “Cuộc sống là phải vui vẻ!"
Khi hết tiền mặt trong tài khoản, anh lại sử dụng thẻ tín dụng của mình một cách bừa bãi. Như vậy, Tomotaka Taguchi phạm phải một sai lầm cấm kỵ đó là: Hoàn toàn không biết mình tiêu bao nhiêu.
Christina Liu cho rằng, một người quản lý tiền tốt thường nắm được trong ví của họ có bao nhiêu tiền bất cứ lúc nào. Bản thân bà không bao giờ để hơn 2.000 NDT tiền mặt trong ví. Mỗi khi chi tiêu, bà cũng trừ số tiền đó trong đầu.
Đối xử “có tâm” với tiền chính là coi nó như một người bạn. Hãy trân trọng những giờ phút ở bên nhau, không để tiền dễ dàng bỏ đi.
Nguyên nhân 2: Không có kế hoạch chi tiêu thời gian hợp lý
Nhà tư vấn lập kế hoạch tài chính Hoàng Chính Huân, người được chứng nhận CFP (Certified Financial Planner), cho rằng: “Bạn dành thời gian ở đâu thì sẽ gặt hái thành tựu ở đó.”
Đối với những người thường xuyên phải làm thêm giờ, chuyên gia gợi ý rằng bạn nên nhìn lại hiệu quả công việc trước tiên.
“Đôi khi, làm thêm giờ có thể không phải vì khối lượng công việc thực sự quá tải mà nó đã trở thành thói quen. Để thay đổi thói quen này, bạn nên đặt mục tiêu cho mình. Chẳng hạn như lấy 1 ngày nào đó trong tuần làm Ngày Không Làm Thêm. Một khi mục tiêu đã được đặt ra, tốc độ làm việc thường sẽ thay đổi theo.”
Sau đó, trong trường hợp những gì đóng góp và những gì nhận về không thực sự tương xứng với nhau, bạn hãy tiếp tục xem xét: Thời gian chúng ta tiêu vào công việc có đem lại sự phát triển hay không?
Nếu đó chỉ là công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, không có bất cứ sự đổi mới hay rèn luyện nào, rất có thể thời gian của bạn đang bị chi tiêu một cách vô nghĩa. Thay vì để điều này tiếp tục kéo dài, bạn nên tìm cách nâng cao hiệu suất làm việc, dành thời gian còn lại để gia tăng giá trị cho bản thân.
Ngược lại, nếu làm việc là một quá trình “tự đầu tư” thì không sớm thì muộn, bạn cũng có thể bước xa hơn trên con đường sự nghiệp. Khi giá trị con người tăng cao, thu nhập tăng theo, các kế hoạch tài chính và khả năng tiết kiệm của bạn cũng sẽ khả quan hơn.
Thời gian là khoản đầu tư không thể thiếu dành cho bản thân, bên cạnh những nhu cầu cần thiết khác. Ảnh: Internet
Nguyên nhân 3: Không có mục tiêu khi lập kế hoạch
Tiểu San từ nhỏ đã chứng kiến cảnh cha mẹ mình thường xuyên tranh chấp, to tiếng với nhau vì vấn đề tiền bạc. Do đó, cô luôn đặt ra kỳ vọng cho bản thân rằng, sau này nhất định phải trải qua một cuộc sống không vì đồng tiền mà phiền não cả ngày.
Với mục tiêu này, Tiểu San nỗ lực vừa học vừa làm từ rất sớm. Thời kỳ đại học, cô đã bắt đầu xin làm thêm tại các đài phát thanh, đài truyền thông. Sau khi tốt nghiệp, cô đã có sẵn kinh nghiệm để trở thành MC chính thức với mức lương hàng tháng là 38.000 NDT. Trong lúc người khác vội vã đi xin việc, Tiểu San đã sớm hơn một bước, bắt đầu đặt nền móng cho việc quản lý tài chính của mình.
Năm 27 tuổi, cô ấy kết hôn với một người dẫn chương trình bản tin. Cả hai đều có mức thu nhập khá, cùng chung quan điểm về tài chính nên chung tay tích lũy tài chính, lấy việc mua nhà làm mục tiêu mới.
Tiểu San nói: “Với một mục tiêu rõ ràng, bạn có thể tìm thấy niềm vui ngay trong việc tiết kiệm tiền. Chúng tôi thường đặt ra một ngân sách mua sắm nghiêm ngặt và không bao giờ chi tiêu quá tay. Để giảm bớt chi phí ăn ngoài, tôi cũng tự nấu cơm mang đi làm.”
Có thể thấy rằng, muốn thay đổi bất cứ điều gì, dù là quản lý tài chính hay thói quen cuộc sống, phải đặt ra mục tiêu mới có thể tìm được động lực.
Có mục tiêu, có động lực, hoàn thành kế hoạch dễ dàng hơn. Ảnh: Internet
*Theo CW
Thuý Phương