(Tổ Quốc) - Mới đây, HĐXX toà án nhân dân cấp cao Hà Nội đã tuyên y án tử hình với cựu giám đốc Oceanbank Hải Phòng. Qua đó, yêu cầu ngân hàng và bị can hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt của khách hàng. Để lại cho chúng ta trong câu chuyện này là bài học không bao giờ cũ về việc cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch tiền gửi có giá trị lớn.
Năm 2019, hẳn dư luận chưa quên 4 bị can nguyên là cán bộ OceanBank gồm: Trần Thị Kim Chi (nguyên giám đốc chi nhánh); Nguyễn Thị Minh Huệ (nguyên trưởng phòng kế toán kho quỹ); Lê Vương Hoàng (nguyên giao dịch viên, kiểm soát viên) và Chu Văn Nha (nguyên thủ quỹ) bị khởi tố vì hành vi chiếm đoạt tiền trong sổ tiết kiệm của khách hàng, số tiền lên tới 400 tỷ đồng.
Mới đây, kết quả phiên xử phúc thẩm vụ án này tại Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội đã chính thức được Hội đồng xét xử đưa ra.
Chiều 5.4.22, HĐXX toà án nhân dân cấp cao Hà Nội nhận định, từ năm 2012 đến tháng 8-2019, Trần Thị Kim Chi đã cấu kết, chỉ đạo các nhân viên là kiểm soát viên, kế toán, thủ quỹ thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của người gửi tiền, của ngân hàng tại chi nhánh bằng hình thức sử dụng thông tin cá nhân của người thân, nhân viên chi nhánh, khách hàng lập 109 thẻ tiết kiệm với tổng giá trị hơn 2,5 tỉ đồng (mỗi thẻ tiết kiệm từ 5 – 50 triệu đồng).
Sau khi có được những thẻ tiết kiệm trị giá thấp, những đối tượng này đã thực hiện tất toán, lập khống hồ sơ vay cầm cố thẻ tiết kiệm của khách hàng đã gửi trước đó để mở thẻ tiết kiệm mới. Dùng phôi thẻ tiết kiệm đã mở in nội dung giao dịch tiền gửi cho khách hàng để nhận tiền của khách hàng không đưa vào hệ thống ngân hàng.
Theo đó, nhóm này đã lập hồ sơ tất toán khống thẻ tiết kiệm của 14 khách hàng để rút hơn 110 tỉ đồng tiền gửi tại Chi nhánh ngân hàng để Chi quản lý, chi tiêu; nhận 242 tỉ đồng và gần 2,8 triệu USD của các khách hàng nhưng không hạch toán về hệ thống ngân hàng mà giao lại cho cựu Giám đốc Chi nhánh tự chi, tiêu. Để che giấu khách hàng khoản tiền này, nhóm bị cáo lập 79 thẻ tiết kiệm khách hàng để ngoài hệ thống ngân hàng rồi giao lại cho khách hàng thẻ khống.
Theo đánh giá của HĐXX tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội, các bị cáo là cán bộ ngân hàng, có chức vụ, quyền hạn tại ngân hàng, đã dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tiền là phạm tội "Tham ô tài sản". Do đó, HĐXX phúc thẩm đã tuyên bác kháng cáo của Ngân hàng OcenanBank, tuyên y án sơ thẩm đối với cựu Giám đốc Ngân hàng OcenanBank chi nhánh Hải Phòng và các đồng phạm về tội tham ô tài sản.
Trong đó, bị cáo Trần Thị Kim Chi bị tuyên án tử hình; Lê Vương Hoàng, Nguyễn Thị Minh Huệ bị tuyên án phạt tù chung thân; Chu Văn Nha bị tuyên phạt mức án 20 năm tù cùng về tội tham ô tài sản.
Bản án phúc thẩm cũng tuyên buộc Ngân hàng OceanBank phải bồi thường toàn bộ số tiền gốc và lãi cho 27 khách hàng đã gửi tiền tại Chi nhánh Hải Phòng. Bị cáo Trần Thị Kim Chi phải bồi thường 353,3 tỉ đồng và 2,7 triệu USD cùng số tiền lãi phát sinh cho Ngân hàng OceanBank.
Nguồn ảnh: Tuổi trẻ online
Không bàn đến cái kết của bản án dành cho những người có tội, điều mà chúng ta rút ra cho bản thân với vai trò là người gửi tiền qua vụ án này là gì?
Từ tình tiết vụ án được báo chí đăng tải, có thể rút ra 2 thủ đoạn chính của nhóm bị cáo:
Một là nhận tiền gửi của khách hàng, cho khách hàng ký chứng từ nhưng sau đó tiêu huỷ, không hạch toán số tiền này vào hệ thống, trả cho khách hàng sổ tiết kiệm giả (phôi sổ thật nhưng thông tin đã được thay đổi).
Hai là tự ý tất toán sổ tiết kiệm dù khách hàng không yêu cầu. Đến kỳ hạn tất toán sổ tiết kiệm, chủ động liên hệ khách hàng, đặt lịch đón tiếp, vận động khách hàng tiếp tục gửi tiền tiết kiệm. Khi khách hàng đồng ý gửi tiếp, hướng dẫn làm các thủ tục tất toán nộp lại sổ tiết kiệm cũ, ký khống (không điền nội dung ngày, tháng, năm) vào phiếu rút tiền.
Sau đó, mở sổ tiết kiệm mới nhưng không hạch toán vào hệ thống, đồng thời tiêu hủy các sổ tiết kiệm mới, mà chỉ giữ lại các chứng từ tất toán sổ tiết kiệm cũ để hợp thức hóa cho việc tất toán khống trước đó.
Nhằm tránh rủi ro bị kẻ xấu lợi dụng khi gửi tiền tại nhà băng, khách hàng có thể lưu ý những điểm sau:
Thứ nhất, việc giao nhận tiền phải được thực hiện ở Ngân hàng, trước mặt nhân viên, có kiểm đếm, bảng kê và giấy nộp tiền. Thông thường ở quầy giao dịch của các NHTM đều có camera, là một căn cứ đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Thứ hai, nhận sổ tiết kiệm ngay sau khi nộp tiền. Hệ thống công nghệ các Ngân hàng hiện nay đều cho phép in sổ và trả khách hàng ngay tại chỗ, vì vậy không nên lấy sổ sau khi đã rời khỏi trụ sở Ngân hàng, tạo điều kiện để kẻ xấu có thời gian xử lý làm giả sổ.
Thứ ba, tuyệt đối không ký khống chứng từ. Đây chính là cơ sở để rất nhiều kẻ xấu lợi dụng hợp thức chứng từ nhằm chiếm đoạt tài sản. Khách hàng lưu ý chỉ ký trên chứng từ đã điền đầy đủ nội dung, số tiền, ngày tháng năm,...
Thứ tư, với những số tiền lớn, khách hàng có thể chủ động "kiểm tra chéo" về thông tin sổ tiết kiệm của mình trên hệ thống Ngân hàng bằng nhiều cách như liên hệ qua Chi nhánh, Phòng giao dịch khác của cùng Ngân hàng hoặc gọi điện đến tổng đài của các Ngân hàng.
Hãy sử dụng quyền lợi của khách hàng trong trường hợp này, khi bạn là chính chủ, bạn có quyền yêu cầu Ngân hàng cung cấp thông tin về số dư tiền gửi tiết kiệm của mình.
Trọng Nghĩa