(Tổ Quốc) - Khi tuổi đã cao, chúng ta thường uống nhiều thực phẩm chức năng, ăn nhiều đồ đắt tiền để bồi bổ cơ thể, hy vọng sống lâu trăm tuổi. Nhưng chúng ta không biết rằng cách dưỡng sinh tốt nhất là hay quên, ít oán trách, không so sánh, không nghĩ nhiều.
Người xưa thường nói: "Giận hại gan, vui hại tim, sầu hại phổi, nghĩ hại lá lách, sợ hại thận."
Lý luận y học hiện nay cũng cho rằng tâm lý có tác dụng vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Tục ngữ có câu: bách bệnh do tâm sinh, bách bệnh tòng tâm trị (bệnh từ tâm mà ra, chữa bệnh phải chữa từ tâm).
Cách dưỡng sinh tốt nhất không phải cố chăm dưỡng cơ thể mà là dưỡng tâm vui vẻ. Bài viết này sẽ mách bạn 4 bí quyết để tu tâm dưỡng tính, kéo dài tuổi thọ.
1. Hay quên
Trong bộ tài liệu viết về dưỡng sinh, Tô Thức đã kể một câu chuyện như sau:
Một lần, Trương Ngạc mời Tô Thức viết một bức thư pháp có nội dung liên quan đến dưỡng sinh. Tô Thức cười và nói: "Tôi có một phương thuốc xưa về dưỡng sinh trường thọ, chỉ cần bốn vị thuốc. Hôm nay tôi tặng ngài." Sau đó, Tô Thức viết lên giấy Tuyên Thành bốn câu:
Một, lấy vô sự làm quý
Hai, lấy ngủ sớm làm phúc
Ba, lấy hai chân làm xe
Bốn, lấy thịt làm bữa tối
Trong đó, vị thuốc đầu tiên "lấy vô sự làm quý" khuyên chúng ta khi gặp chuyện khó khăn cần biết buông bỏ, nhìn sự việc thoáng hơn.
Con người nếu hay ôm một gánh ưu sầu dễ làm cơ thể suy sụp, trong tâm một núi lo toan khó giả vờ vui vẻ; nhẹ nhàng buông bỏ chuyện cũ cơ thể mới khỏe mạnh, tinh thần mới tự do tự tại.
Bí quyết tu dưỡng tinh thần là thả vào làn khói những chuyện nghĩ không thông và vứt bỏ chuyện không vui trong lòng. Con người đắm chìm trong những nỗi đau sẽ ngày càng héo rụi, chỉ khi bình thản nhìn hoa tàn lá khô của cuộc đời, cơ thể mới luôn tràn đầy sức sống.
2. Ít oán trách
Chuyện oán hận đời thường đều ở trong tâm. Nếu con người ôm toàn sầu muộn và đau khổ sẽ trở nên già cỗi. Cơ thể sẽ tự khỏe mạnh khi chúng ta bình tĩnh đối mặt với những chuyện bất công, không than vãn cuộc sống đau khổ.
Chúng ta sẽ mắc kẹt trong năng lượng tiêu cực nếu ngày ngày than trời trách đất. Cuộc sống tốt đẹp hơn khi chúng ta không than trách bấp bênh của cuộc đời.
Đạo Phật có câu: "Phiền muộn vốn không gốc rễ, ta không nhặt lòng sẽ không lo lắng. Khó khăn vốn không có nguồn cội, ta không trói buộc tự khắc ung dung."
Tâm thái tốt chính là phương thuốc tốt. Trong phong ba bão táp của đời người, chúng ta phải biết cách thản nhiên chấp nhận mọi thăng trầm. Khi cơ thể khỏe mạnh và trái tim rộng mở, bệnh tật tự khắc sẽ tránh xa.
3. Không so sánh
So sánh mình với người khác chỉ khiến lòng mình bực tức, so sánh đời mình với đời người khác chỉ khiến mình phát bệnh. Một khi con người không vui vẻ, sức khỏe cũng suy yếu dần.
Tsuneko Nakamura là bác sĩ tâm lý của một bệnh viện ở Nara – Nhật Bản. Bà đã làm hơn 70 năm và chưa bao giờ xảy ra xung đột với ai. Mỗi ngày, bà đều ung dung tự tại, thoải mái vô lo. Khi bà được hỏi về bí quyết hạnh phúc, câu trả lời chỉ vỏn vẹn ba chữ: không so sánh.
Bà nói: "Họ có cuộc sống của họ. Mình có quỹ đạo của mình. So sánh bản thân với người khác chỉ khiến mình tuyệt vọng và đố kỵ, không có ý nghĩ, chỉ làm hại sức khỏe, hao tổn tinh thần."
Có người sống trong căn phòng 2 mét vuông vẫn tràn đầy niềm vui. Có người lấy bàn làm giường, lấy quần áo làm chăn vẫn tận hưởng những năm tháng còn lại của cuộc đời.
Hạnh phúc không phải so sánh mà có được, hạnh phúc là sống trọn từng ngày.
4. Không nghĩ nhiều
Tâm lý học hiện đại có một khái niệm là "tư lự" để chỉ sự bị động nghiền ngẫm suy nghĩ nhiều lần vấn đề phiền não, buồn bực. Một khi rơi vào tình trạng "tư lự" sẽ rất dễ sinh ra những cảm xúc tiêu cực.
Khái niệm này vừa hay kiểm chứng một câu nói trong cuốn sách "Những điều cần thiết khi dưỡng sinh": "Nghĩ nhiều làm tinh thần uể oải, ngẫm nhiều làm chí nguyện tiêu tan." Nếu trong lòng một người có quá nhiều khúc mắc, tự khắc sẽ reo rắc nguồn bệnh.
Đôi khi không phải bệnh tật chọn người bệnh, mà vì con người suy nghĩ quá mức nên tự tìm bệnh tật.
Trong phim "Vạn vật sinh trưởng", Phùng Đường từng nói: "Tôi không nghĩ nhiều nữa nên tôi hạnh phúc rồi. Nói cách khác, hạnh phúc chính là không nghĩ nhiều."
Chỉ cần chúng ta suy nghĩ thông suốt, trong lòng không còn lo ngại, cuộc sống sẽ ung dung, thong thả.
Nhà y học thời Minh - Cung Đình Hiền đã nói: "Sự đến ta thuận, sự đi tâm an mới có thể kéo dài tuổi thọ." Cảnh giới cao nhất của dưỡng sinh là dưỡng tâm.
Chúng ta nên hay quên để quên đi chuyện đau lòng; ít than vãn để loại trừ năng lượng tiêu cực; không so sánh để hóa giải ưu phiền và không nghĩ nhiều để tâm hồn thoải mái. Chỉ khi làm được 4 điều trên, cuộc sống mới thanh thản, tâm mới thanh tịnh, tuổi thọ mới dài lâu.
Lưu Ly