5 hạ tầng giao thông nổi bật của Tp.HCM lộ diện ngay thời điểm dịch Covid-19 hành hoành

(Tổ Quốc) - Quy hoạch Tp.Thủ Đức thành đô thị lọai I thuộc Tp.HCM, Hợp long cầu Thủ Thiêm 2, hoàn thành tuyến đường kết nối cao tốc Tp.HCM – Long Thành với Nhơn Trạch… là những thông tin hạ tầng nổi bật trong quý 3/2021 – thời điểm ghi nhận dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất tại Tp.HCM và các tỉnhh phía Nam.

Tuyến đường nối Nhơn Trạch và cao tốc Tp.HCM – Long Thành hoàn thành

Tuyến đường 319 nối dài ở huyện Nhơn Trạch đã hoàn thành trong quý 3, đang chờ các thủ tục cuối cùng để kết nối với cao tốc TpHCM – Long Thành – Dầu Giây. Dự án được khởi công năm 2017 do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO làm chủ đầu tư. Toàn tuyến dài 9.4km – rộng 16m, tổng kinh phí dự án gần 1,000 tỷ Đồng.

Theo quy hoạch giao thông, các tuyến đường Hùng Vương, 25A, 25B và 25C được coi là trục xuyên tâm của đô thị mới Nhơn Trạch thì đường 319 là trục đường huyết mạch kết nối 3 tuyến này.

5 hạ tầng giao thông nổi bật của Tp.HCM lộ diện ngay thời điểm dịch Covid-19 hành hoành - Ảnh 1.

Trong đó, dự án nút giao 319 chuẩn bị thông xe là mảnh ghép quan trọng nhất kết nối các tuyến đường với 2 tuyến cao tốc Long Thành và Bến Lức - Long Thành về Tp.HCM.

Đồng thời, đường 319 sẽ góp phần chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông cho đường cao tốc Long Thành và QL51 vốn đang bị quá tải. Bởi, các phương tiện giao thông có thể lưu thông thẳng từ Tp.HCM về huyện Nhơn Trạch và ngược lại theo đường 319 mà không cần phải di chuyển về QL51.

Quy hoạch Tp.Thủ Đức thành đô thị loại I thuộc Tp.HCM

Ngày 17/9/2021, Thủ tướng Chính phủ vừa duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung Tp.Thủ Đức thuộc Tp.HCM đến năm 2040. Dự kiến vào năm 2040, toàn Tp.Thủ Đức có khoảng 2,200,000 dân, đất xây dựng đô thị gần 20,000ha.

Theo nhiệm vụ quy hoạch chung thì Tp.Thỉ Đức là đô thị loại I trực thuộc Tp.HCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao; trung tâm phía đông của Tp.HCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo.

Thành phố Thủ Đức sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển. Phát triển đô thị tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tài chính và thương mại - dịch vụ; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của thành phố và vùng Tp.HCM.

5 hạ tầng giao thông nổi bật của Tp.HCM lộ diện ngay thời điểm dịch Covid-19 hành hoành - Ảnh 2.

Thành phố Thủ Đức cũng sẽ là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu Tp.HCM với cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía đông của vùng TP.HCM.

Với những tính chất như vậy, mục tiêu phát triển thành phố Thủ Đức được đặt ra là trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của Tp.HCM và quốc gia.

Hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước; phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Bên cạnh đó, quy hoạch chung thành phố Thủ Đức còn đặt mục tiêu tạo điều kiện để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở chuyển đổi và phát triển hạ tầng số.

7 công trình ở Tp.HCM được duy trì thi công

Ngày 18/8/2021, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hòa Bình đã có quyết định chấp thuận đề nghị của Sở Xây dựng nhằm duy trì các công trình xây dựng, giao thông trọng điểm, bám sát tiến độ khi thành phố kéo dài giãn cách đến giữa tháng 9/2021. Các công trình bao gồm: tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên); cầu Thủ Thiêm 2; cầu vượt Bến Xe Miền Đông mới; xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở 9 lô đất Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức); dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7) và 3 công trình xây dựng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Quận 10).

Tp.HCM thúc đẩy tiến độ hoàn thành hai dự án giao thông trong tháng 9/2021

Ngày 25/8/2021, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM cho biết, để đảm bảo tiến độ 2 công trình giao thông trọng điểm của Thành phố vẫn tiếp tục thi công trong giai đoạn thực hiện chủ trương giãn cách theo Chỉ thị 16. Cụ thể, 2 dự án gồm công trình xây dựng cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới trên đường Xa lộ Hà Nội và dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự kiến các đơn vị thi công sẽ hoàn tất các khối lượng thi công còn lại trong tháng/2021.

5 hạ tầng giao thông nổi bật của Tp.HCM lộ diện ngay thời điểm dịch Covid-19 hành hoành - Ảnh 3.

Cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới có tổng mức đầu tư hơn 437 tỷ đồng khởi công tháng 11/2019.

Dự án sẽ xây cầu vượt số 3 (vượt tuyến chính Quốc lộ 1) gồm 3 làn xe (sát bên cầu vượt số 2 của nút giao Đại học quốc gia) để tổ chức cho các dòng xe từ hướng Đồng Nai vào Bến xe Miền Đông.

Xây cầu vượt số 4 (vượt tuyến chính Quốc lộ 1) gồm 3 làn xe để tổ chức cho các dòng xe từ Bến xe Miền Đông mới rẽ trái quay đầu về hướng trung tâm Tp.HCM và về Bình Dương. Đồng thời, xây dựng đường chui trên phần đường song hành phải QL1 rộng 8m, dài 670m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng Đồng Nai. Dự án gồm xây dựng đường chui trên phần đường song hành trái Quốc lộ 1 rộng 8m, dài 350m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng TP.HCM. Xây dựng 1 cầu bộ hành rộng 4m vượt qua xa lộ Hà Nội tại gần vị trí ga Metro Bến xe Miền Đông.

Hợp Long cầu Thủ Thiêm 2

Ngày 2/9/2021, công trình cầu Thủ Thiêm 2 chính thức hợp long nối liền TP. Thủ Đức và Quận 1, dự kiến khai thác vào quý 2/2022. Công trình dài hơn 1.4km, phần cầu dài 886m với 6 làn xe, khởi công ngày 03/02/2015, tổng vốn đầu tư gần 3,100 tỷ Đồng.

5 hạ tầng giao thông nổi bật của Tp.HCM lộ diện ngay thời điểm dịch Covid-19 hành hoành - Ảnh 4.

Dự án thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), động thổ năm 2015. Ban đầu, thành phố dự kiến cầu hoàn thành năm 2018, song gặp nhiều vướng mắc nên lỗi hẹn.

Cầ Thủ Thiêm 2 là công trình trọng điểm, cấp bách, nên UBND TP HCM cho phép nhà đầu tư duy trì thi công trong thời gian siết chặt các biện pháp giãn cách phòng chống Covid-19. Công trường hiện tổ chức "3 tại chỗ", tất cả cán bộ, kỹ sư, công nhân phải xét nghiệm định kỳ. Việc này nhằm đảm bảo nhân lực thi công liên tục và an toàn phòng chống dịch.

Hạ Vy

Tin mới