Khi cơ hội việc làm ngày càng là cuộc cạnh tranh gay gắt thì một sai sót nhỏ trong quá trình tìm kiếm công việc cũng khiến bạn "trượt khỏi tầm tay" vị trí mơ ước, chẳng hạn như 5 điều sau đây.
Không có tiêu đề email
Nhiều ứng viên thường rất đầu tư để có một CV hoàn hảo nhưng lại quên, để gửi CV, họ cần một email thu hút. Để email thu hút thì nhất thiết phải có tiêu đề email.
Không ít người chỉ viết "Gửi CV hoặc CV của tôi", thậm chí là không có tiêu đề email. Điều này cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, không chỉn chu, thiếu văn minh khi viết email. Quan trọng hơn, rất có thể email của bạn sẽ bị bỏ qua hoặc để lại ấn tượng xấu.
Trong khi đó, có tiêu đề rõ ràng giúp nhà tuyển dụng nhận ra đó là email ứng tuyển giữa vô vàn email khác. Dù chưa thể xem ngay nhưng ít nhất, họ cũng sẽ xếp email của bạn vào trong nhóm email ứng tuyển. Vì thế, trước khi bấm gửi, bạn đừng quên viết tiêu đề email ngắn gọn và rõ ràng, bao gồm tên họ và vị trí công việc hoặc theo cấu trúc hướng dẫn của nhà tuyển dụng trên các website tìm việc làm mới.
Bỏ trống phần xưng hô trong email
Phần nhiều ứng viên ít kinh nghiệm không biết phải xưng hô như thế nào khi viết email. Lý do được đưa ra là bởi bạn không biết người đọc email là nam hay nữ, là già hay trẻ, càng không biết tên, tuổi của họ. Do đó, bạn sẽ lựa chọn phương án bỏ trống phần xưng hô, nhưng với những ứng viên khôn ngoan và có kinh nghiệm, họ sẽ không làm vậy.
Thay vào đó, họ sẽ tiến thêm một bước trong quá trình tìm kiếm công việc, đó là "lục tìm" thông tin về nhà tuyển dụng, đặc biệt người quản lý trực tiếp công việc ứng tuyển. Thực tế với thời đại công nghệ thông tin hiện nay, không khó để bạn có thể tìm ra được thông tin đó.
Khi có được thông tin, hãy sử dụng tên hoặc chức vụ cụ thể đó. Đây là cách hiệu quả để CV bạn đến đúng nơi một cách nhanh nhất và email của bạn cũng sẽ được chú ý hơn, từ đó cơ hội được phỏng vấn sớm hơn.
Tất nhiên không chắc chắn 100% thông tin bạn tìm hiểu là đúng. Tuy nhiên nó chứng tỏ với nhà tuyển dụng, bạn rất coi trọng vị trí ứng tuyển này.
Viết CV quá dài
Tâm lý ứng viên luôn sợ CV chưa đủ thông tin, chưa kể hết quá trình làm việc trước đó của họ nên phải viết thật dài. Tuy nhiên, CV dài chưa bao giờ được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Tối đa cho một CV ứng tuyển kể cả vị trí quản lý cũng chỉ 2 trang với những người có kinh nghiệm từ 5-10 năm. Chỉ khi trên 10 năm, ứng tuyển ở vị trí cấp cao hoặc được nhà tuyển dụng yêu cầu chi tiết thì CV của bạn có thể dài hơn.
Còn lại, CV chỉ nên dừng ở 1 trang được trình bày khoa học, có chiến lược, có điểm nhấn, chắt lọc nội dung liên quan đến vị trí công việc đang ứng tuyển. Nếu đạt được tiêu chí đó thì có đến 80-90% CV sẽ được chọn vào vòng phỏng vấn tiếp theo.
Thiếu sự thuyết phục
Nhiều ứng viên muốn được đánh giá cao nên liệt kê nhiều kinh nghiệm và kỹ năng, thậm chí thổi phồng chúng nhưng thực tế điều đó không thuyết phục được nhà tuyển dụng. Bạn có quyền nhấn mạnh kỹ năng liên quan vào CV và cần phải có dẫn chứng cụ thể, có chủ đích.
Thay vì tự đánh giá: kỹ năng lãnh đạo 5 sao, kỹ năng giải quyết vấn đề 5 sao... hãy đưa ra dẫn chứng, với kỹ năng đó, bạn đã đạt được thành tích gì, giúp công ty tăng doanh thu ra sao, tăng bao nhiêu khách hàng mới... Vì thế, điều bạn cần lưu ý khi nói về giá trị, năng lực bản thân là sự thuyết phục chứ không phải là liệt kê nhiều và dàn trải.
Không chú ý tới người tham chiếu
Nhiều ứng viên nghĩ rằng, người tham chiếu chỉ là mục "ghi vào cho đủ" trong CV hoặc khi được hỏi thì nhớ ai nói người đó. Thực tế người tham chiếu có thể quyết định tới sự thành bại của ứng viên. Họ sẽ đưa ra nhận xét về năng lực, phẩm chất, khả năng làm việc của bạn trong quá khứ với nhà tuyển dụng mới.
Vì thế, đừng bỏ qua vai trò của người tham chiếu. Điều quan trọng hơn, khi đã chọn người tham chiếu, bạn cần thông báo và xin phép họ. Đó là phép lịch sự đồng thời giúp họ không rơi vào tình huống "không biết nói gì về bạn". Hơn nữa khi thông báo trước, rất có thể người tham chiếu sẽ cho bạn những lời góp ý, kinh nghiệm quý giá. Ngược lại nếu không thông báo chứng tỏ bạn thiếu chuyên nghiệp thậm chí phá vỡ mối quan hệ đó.
Trên đây là 5 lỗi ứng viên thiếu kinh nghiệm thường gặp khi tìm kiếm công việc. Những lỗi tưởng nhỏ nhưng lại khá nghiêm trọng khiến bạn bị mất cơ hội việc làm. Do đó, hãy lưu ý và đừng để xảy ra những lỗi trên bạn nhé.