(Tổ Quốc) - Những người càng sớm hiểu về những nguyên tắc quản lý tiền bạc và áp dụng chúng vào thực tế, sẽ càng biết cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn và xây dựng khối tài sản khổng lồ trong tương lai.
Khi còn trẻ, đối với nhiều người, quản lý tiền bạc vẫn còn là một khái niệm khá mơ hồ. Họ không biết làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn; làm sao để tiêu ít hơn; phải tiết kiệm ra sao; và quản lý tiền bạc như thế nào. Đó là một vấn đề lớn.
Thực tế, những người càng sớm hiểu về những nguyên tắc quản lý tiền bạc và áp dụng chúng vào thực tế, sẽ càng biết cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn và xây dựng khối tài sản khổng lồ trong tương lai. Dưới đây là 5 điều bạn nên biết về tiền bạc trước khi bước sang tuổi 30 nếu muốn lập thân, lập nghiệp thành công trong thời hiện đại:
1. Trước 30 tuổi, tài khoản tiết kiệm ít nhất phải đủ phí sinh hoạt trong 3 tháng
Một trong những quy tắc đầu tiên bạn nên biết trước khi 30 tuổi là bạn nên có tiền tiết kiệm đủ để chi trả cho ba tháng sinh hoạt trong tài khoản tiết kiệm. Giả sử mỗi tháng bạn chi tiêu hết 3.000 USD cho các chi phí như thuê nhà, thực phẩm, đi lại... thì bạn nên tiết kiệm ít nhất 9.000 USD trong tài khoản ngân hàng trước khi nghĩ đến việc đầu tư.
Khi bạn đã tiết kiệm được 3 tháng chi phí sinh hoạt (nhóm tiền mặt), thì sau đó bạn có thể chuyển sang nhóm đầu tư dài hạn như quỹ hưu trí nếu công ty của bạn cung cấp. Ba là bỏ tiền vào quỹ đầu tư chỉ số. Đây là một nhóm mang lại lợi ích lớn qua thời gian. Do đó nếu bạn có cả tài khoản hưu trí và quỹ đầu tư chỉ số tích lũy lãi suất trên 30 năm thì bạn sẽ có một khối tài sản ổn định khi về già.
Khi đã có tiền mặt, tiền hưu trí và khoản tiết kiệm dài hạn, bạn có thể bắt đầu chơi trò chơi đầu tư rủi ro cao hơn như mua cổ phiếu, bất động sản... Mục đích việc đầu tư tiền của bạn nên tập trung vào những lợi nhuận trong dài hạn chứ không phải là lợi ích trước mắt.
2. Cách nhanh nhất để bắt đầu tiết kiệm và đầu tư tiền là "tự đánh thuế chính mình"
Khi bạn đang cố gắng xây dựng sự giàu có và kiếm nhiều tiền hơn thì thói quen quản lý tiền bạc quan trọng hơn là những khoản đầu tư nhanh chóng. Mọi người thường mắc sai lầm khi nghĩ về việc phải kiếm tiền một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, điều bạn cần làm là học cách kỷ luật với bản thân trước tiên. Trong cuốn sách Cold Hard Truth On Men, Women, and Money: 50 Common Money Mistakes and How to Fix Them, tác giả Kevin O'Leary đã chỉ ra rằng cách tốt nhất để quản lý tài chính cá nhân là "tự đánh thuế chính mình".
O'Leary giải thích rằng rất nhiều người thực sự phải đấu tranh với chính mình để tiết kiệm hoặc đầu tư tiền vì điều kiện sống khó khăn hoặc những nhu cầu cá nhân. Họ cảm thấy rằng bản thân không thể trả nổi các chi phí sinh hoạt cơ bản, và chẳng thể tiết kiệm nổi 50 USD mỗi tháng.
Nhưng quan điểm của O'Leary là nếu một ngày nào đó chính phủ quyết định đánh thuế bạn 100 USD mỗi tháng, thì bằng cách nào đó bạn sẽ tìm ra cách để trả số tiền này. Bạn có thể sẽ ít ra ngoài ăn hơn, mua sắm ít hơn, hoặc hạn chế một số nhu cầu giải trí cá nhân. Bạn sẽ tìm ra cách để dành ra số tiền đó, vì vậy hãy nghiêm khắc với bản thân và coi số tiền phải tiết kiệm là một "khoản thuế" bạn phải đóng.
3. Cuộc sống là một "trò chơi" tích lũy và sử dụng các nguồn lực - điều đó có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ muốn mạo hiểm với nhiều hơn số tiền mà bạn sẵn sàng để mất
Cách mà những người giàu có kiếm tiền thực sự là họ quan niệm về tiền khác với số đông còn lại. Họ không chỉ xem tiền là thứ mà họ có, thay vào đó, họ coi đó là nguồn lực họ sử dụng để gia tăng tài sản tích lũy. Khi bạn đã tiết kiệm được 3 tháng chi phí sinh hoạt, bạn có thể bắt đầu "trò chơi đầu tư".
Một số người thích an toàn và chỉ mua cổ phiếu của các công ty đáng tin cậy. Trong khi một số khác bỏ tiền vào những công ty mà họ nghĩ có tiềm năng phát triển trong 3 đến 5 năm tới. Và một số thực sự muốn thử vận may với các công ty mang tính xu hướng, và sẵn sàng chấp nhận rủi ro đi kèm với những lợi ích tiềm năng đó.
Tất cả những cách tiếp cận đầu tư này đều khả thi, điều quan trọng là bạn có khả năng chịu những rủi ro đầu tư tới đâu. Các quyết định khác nhau mà bạn đưa ra sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn.
Nếu bạn muốn thay đổi cuộc sống, thì bạn phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao. Đầu tư để thu lại 100 USD lợi nhuận sẽ không thể thay đổi cuộc sống của bạn, nhưng 10.000 USD thì có thể. Bởi vậy, hãy cân nhắc liệu rằng bạn có sẵn sàng tham gia vào một trò chơi mạo hiểm hay không và bạn sẵn sàng để mất bao nhiêu tiền trong trường hợp xấu nhất.
4. Nếu muốn tăng nguồn lực đầu tư, thì hãy đa dạng nguồn thu nhập
Có hai cách để tăng nguồn lực dành cho các khoản đầu tư: Một là kiếm thêm tiền; và hai là chi tiêu ít đi. Lý tưởng nhất là tìm cách thực hiện cả hai việc này cùng một lúc. Ví dụ, mỗi tháng tôi tổng kết bảng sao kê thẻ tín dụng của mình để đánh giá các khoản chi tiêu cá nhân. Tôi tìm mọi cách để cắt giảm những khoản chi tiêu không thực sự cần thiết và tiết kiệm nhiều nhất có thể.
Nhưng thời điểm tôi bắt đầu thực sự tiết kiệm được nhiều tiền hơn là khi tôi có thêm nguồn thu nhập phụ. Tôi đã kiếm thêm 1.000 USD mỗi tháng nhờ viết bài cho các tạp chí. Trong hai năm liền, tôi đã viết hơn 400 bài báo và dành số tiền kiếm được để đầu tư vào cổ phiếu. Lời khuyên ở đây là nếu bạn muốn tăng tiền cho đầu tư, hãy nghĩ cách kiếm thêm tiền từ các nguồn thu nhập bổ sung.
5. Khi bạn có tiềm lực tài chính ổn định, hãy sẵn sàng "mạo hiểm"
Trong nhiều năm, tôi đã tự hỏi mình rằng khi nào thì tôi nên đầu tư vào bất động sản? Sự thật là, cả "trò chơi đầu tư" này đều là những cách tích lũy tài sản đòi hỏi trình độ chuyên môn rất khác nhau. Sẽ thật là ngây thơ nếu bạn nghĩ rằng mình có thể tham gia vào đầu tư bất động sản hay bỏ tiền vào các công ty khởi nghiệp với số vốn tối thiếu mà không có kiến thức chuyên môn.
Thay vào đó, bạn nên tập trung vào việc xây dựng tiềm lực tài chính mạnh mẽ cho chính mình, một nền tảng cho phép bạn chơi những trò chơi đầu tư đầy rủi ro mà không bị đuối sức.
Mọi lời khuyên tôi nhận được từ các nhà đầu tư bất động sản sở hữu danh mục tài sản cho thuê khổng lồ, cho đến các nhà đầu tư thiên thần đã tham gia vào các công ty khởi nghiệp thành công, là họ đều lường trước những rủi ro có thể xảy ra và sẵn sàng tham gia vào các trò chơi mà ranh giới giữa được và mất khá mong manh.
Họ sẵn sàng đánh cược, hoặc là mất tiền; hoặc là thu về rất nhiều tiền. Đó là sự đánh đổi. Rủi ro cao hơn, và phần thưởng sẽ cao hơn. Nếu bạn sẵn sàng cho trò chơi này, thì hãy bắt đầu. Còn nếu những thiệt hại sẽ là quá sức với bạn, vậy thì bạn không sẵn sàng chơi trò chơi đó.
*Theo chia sẻ của Nicolas Cole - nhà sáng lập công ty thương hiệu cá nhân Digital Press, cây bút chuyên nghiệp về lĩnh vực doanh nhân, năng suất làm việc và phát triển cá nhân.
Lưu Ly