(Tổ Quốc) - Thói quen ăn uống có ảnh hưởng rất lớn tới tình trạng đường huyết của cơ thể. Do đó, chỉ cần sở hữu 1 trong 5 thói quen tai hại sau đây, mọi người cần thay đổi càng sớm càng tốt để điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh tiểu đường hiệu quả hơn.
Trong quá trình duy trì chế độ dinh dưỡng, có không ít bệnh nhân chủ quan, mắc phải sai lầm và dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm. Bác sĩ Dương Thị Phượng, Khoa Dinh dưỡng & Tiết Chế - BV Đại học Y Hà Nội chia sẻ một số sai lầm thường gặp nhất:
01. Quan niệm gạo lứt hoàn toàn không làm tăng đường huyết
Người bị tiểu đường được tư vấn ăn gạo lứt thay thế cho gạo trắng vì chỉ số đường huyết thấp hơn, hàm lượng chất xơ cao hơn giúp lượng đường tan chậm và từ từ trong máu, thích hợp hơn cho người bị tiểu đường.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là gạo lứt không làm tăng đường máu chút nào cả. Do đó, có người thậm chí sử dụng gạo lứt rất nhiều trong ngày, thậm chí còn rang lên sử dụng như bữa ăn phụ, món ăn vặt trong ngày.
Thực chất, gạo lứt vẫn có thể gây tăng đường máu ở một mức nhất định nên chỉ sử dụng trong bữa chính để kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Bác sĩ Dương Thị Phượng, Khoa Dinh dưỡng & Tiết Chế - BV Đại học Y Hà Nội trong chương trình tọa đàm trực tuyến "CHUYỆN KHÓ CÓ BÁC SĨ", với chủ đề "Tiểu đường – Ăn uống thế nào để sống bình thường?"
02. Ăn kiêng cực đoan
Thứ hai, có không ít người lại kiêng hoàn toàn tinh bột, hoa quả… Thói quen ăn kiêng cực đoan này có thể dẫn tới các biến chứng nguy hại cho sức khỏe như uể oải, mệt mỏi, hạ đường huyết trong ngày…
Bác sĩ Phượng khẳng định thêm rằng, ăn kiêng là cần thiết cho người đang mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, không nên ăn kiêng một cách cực đoan quá. Nên có một chế độ ăn phù hợp để đảm bảo nền tảng sức khỏe cho cơ thể.
03. Ăn miến dong thay cơm
Thói quen ăn uống sai lầm của người đái tháo đường cần thay đổi tiếp theo chính là quan niệm ăn miến thay cơm. Nhiều bệnh nhân đã hoàn toàn không ăn cơm, mà sử dụng miến.
Trong khi đó, miến làm từ bột dong có chỉ số đường huyết là 96, cao hơn so với gạo trắng thường có chỉ số từ 78 - 86 tùy từng loại gạo. Như vậy, ăn nhiều miến dong khiến tình trạng bệnh trở nên khó kiểm soát hơn.
04. Lạm dụng đường ăn kiêng hoặc thực phẩm “không đường”
Rõ ràng là người bệnh tiểu đường thường hay thèm đồ ngọt. Do không được sử dụng các loại đường tinh luyện thông thường nên họ chuyển sang thay thế bằng đường ăn kiêng, thậm chí “lạm dụng”.
Các loại thực phẩm chế biến bằng đường ăn kiêng, có vị ngọt để “giải thèm” nhưng chúng vẫn đem lại những nguy cơ nhất định về chỉ số đường huyết đối với những người đang điều trị tiểu đường. Nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan khi lạm dụng đường ăn kiêng là không hề nhỏ.
Đặc biệt, một số thực phẩm tuy có nhãn “không đường” có nghĩa là không bổ sung thêm đường vào sữa. Nhưng về bản chất ,trong thực phẩm đó đã có sẵn đường. Vì vậy, nên chú ý các thành phần bên trong thực phẩm trước khi thêm vào khẩu phần ăn cho người bị tiểu đường.
Thay đổi các quan niệm sai lầm trong chế độ dinh dưỡng để giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn. Ảnh: Yale School of Medicine
05. Tự ý bỏ bữa để giảm lượng đường huyết
Bên cạnh đó, Bs Dương Thị Phượng cũng đề cập một số quan điểm nguy hại cho sức khỏe khác như là bỏ bữa. Để giảm khẩu phần ăn, một số người đã tự ý bỏ bữa sáng hoặc bỏ bữa tối. Kết hợp với dùng thuốc, họ tự thấy chỉ số đường huyết hạ xuống thấp nên tưởng là hiệu quả tốt, áp dụng thường xuyên.
Thực tế, việc bỏ ăn khiến đường huyết trở nên khó kiểm soát hơn, thậm chí dẫn tới tình trạng hạ đường huyết. Bác sĩ đặc biệt nhấn mạnh, tình trạng này cũng nguy hiểm không kém so với nguy cơ tăng đường huyết, nên mọi người cần hết sức lưu ý.
Thông qua những chia sẻ trên, bác sĩ Phượng cho rằng, mọi người cần thay đổi những quan niệm sai lầm càng sớm càng tốt để có phương án điều chỉnh chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp. Nên tránh những thói quen ăn uống không khoa học có thể khiến đường huyết trở nên khó kiểm soát hơn. Chỉ có như vậy, cá nhân và gia đình mới có thể nâng cao hiệu quả phòng ngừa cũng như điều trị bệnh đái tháo đường tốt hơn.
Phương Thuý