(Tổ Quốc) - Mọi thói quen không lành mạnh trong cuộc sống đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và hoạt động của hệ tiêu hóa nói riêng. Vì vậy, hình thành các thói quen lành mạnh là hệ tiêu hóa khỏe mạnh là việc trước tiên bạn phải thực hiện nếu muốn khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng.
Những năm gần đây, nhận thức về việc bảo vệ sức khỏe của mọi người ngày càng được nâng cao. Ngoài các vấn đề sức khỏe về tim mạch, gan, thận thì tình trạng sức khỏe liên quan đến hệ tiêu hóa cũng ngày càng được chú ý hơn.
Có thể nói, hoạt động của hệ tiêu hóa liên quan mật thiết đến sức khỏe tổng thể của con người, là cơ quan quan trọng đóng vai trò tiêu hóa, hấp thụ, bài tiết và duy trì cân bằng dinh dưỡng, tham gia vào quá trình miễn dịch.
Mọi thói quen không lành mạnh trong cuộc sống đều có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa và dưới đây là một vài điều tiêu biểu nhất. Muốn có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh thì nhất thiết phải thay đổi những thói quen này:
1. Ăn uống không lành mạnh
Với mức sống không ngừng được nâng cao, nhiều bạn trẻ hiện nay có thể ăn bất cứ những gì mà họ muốn, áp dụng các khẩu phần ăn kiêng khác nhau nhưng lại không tốt cho cơ thể. Việc tiêu thụ các thực phẩm "rác" như đồ nướng, chiên nhiều dầu mỡ và các thực phẩm có chứa lượng đường cao, đồ ăn nhanh, đồ muối chua, các loại thịt chế biến có nhiều nitrit…. trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hóa của chúng ta.
Nếu bạn gặp vấn đề với bệnh trĩ, bạn cũng nên tránh những đồ chua cay để tránh tình trạng bệnh chuyển biến nặng.
Thói quen ăn uống như ăn quá no khi đói và ăn không đúng giờ, ăn uống thất thường và thiếu kiểm soát cũng sẽ làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể và sự cân của vi khuẩn trong đường ruột.
Do đó, hãy duy trì một chế độ ăn uống đều đặn, định lượng vừa phải chính là một trong những cách quan trọng để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
2. Dùng đồ uống có cồn
Sử dụng đồ uống có cồn trong thời gian dài dù ít hay nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Rượu kích thích trực tiếp lên hệ tiêu hóa, sau đó ảnh hưởng lớn đến gan, thận. Những người sử dụng rượu bia nhiều thường bị xơ gan hoặc ung thư gan.
Ngoài ra, đồ uống có cồn cũng làm hệ vi khuẩn đường ruột mất cân bằng, khiến các vấn đề về gan và đường tiêu hóa ngày càng trầm trọng.
Vì thế, nếu hạn chế được việc uống rượu thì hãy uống càng ít càng tốt, để không tổn thương gan và ruột.
3. Thức khuya
Thức khuya làm rối loạn nhịp sinh học của con người, dẫn đến rối loạn trao đổi chất của ruột, dễ sinh ra táo bón mãn tính, tiêu chảy và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Ngoài ra khi thức khuya, cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng hơn và thường xuyên phải ăn uống để bổ sung. Vì thế, thức khuya thường dẫn đến việc ăn đêm thường xuyên/ Nếu ăn khuya rồi đi ngủ luôn sẽ tạo gánh nặng lớn lên hệ tiêu hóa, ngủ không ngon giấc và cuối cùng sẽ khiến cơ thể bạn ngày càng mệt mỏi.
4. Ít vận động
Do công việc hoặc thói quen cá nhân khiến nhiều người ngày nay ít vận động hoặc không vận động. Việc thiếu vận động trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa, mặt khác ngồi nhiều và không vận động sẽ khiến máu lưu động kém ở khu vực hậu môn, dễ gây ra bệnh trĩ.
Hơn nữa, ngồi lâu làm nhu động ruột chậm lại, dần dần gây ra tình trạng táo bón. Bệnh táo bón nếu không được điều trị ngay sẽ trở thành bệnh mãn tính, ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu hóa của cơ thể. Nếu công việc khiến bạn phải ngồi một chỗ trong thời gian dài, hãy cố gắng đứng dậy và tập thể dục thường xuyên, đi lại và di chuyển nhiều hơn.
5. Không kiểm soát tâm trạng
Đừng bao giờ bỏ qua tác động của cảm xúc đối với cơ thể. Những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến các dây thần kinh phó giao cảm của cơ thể do đó ảnh hưởng lớn đến tiêu hóa.
Các bệnh như táo bón mãn tính và hội chứng ruột kích thích có liên quan mật thiết đến ảnh hưởng của tâm trạng. Vì vậy, nếu muốn đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe mạnh, trước tiên bạn phải học cách điều chỉnh tâm trạng. Tâm trạng thoải mái thì sức khỏe thể chất cũng sẽ được cải thiện một cách đáng kể.
Theo Sohu
Lưu Ly