(Tổ Quốc) - Cô gái thường xuyên mang cốc cà phê và đũa đến quán cà phê, nhà hàng để giảm thiểu nhựa dùng một lần.
Trong 6 năm qua, Yu Yuan đã làm mọi cách để sống một cuộc sống không thải ra chất thải khó phân hủy. Cô thường xuyên mang cốc cà phê và đũa đến quán cà phê, nhà hàng. Ngoài ra, cô hay mua quần áo cũ và không bao giờ gọi đồ ăn giao về nhà. Công việc của cô là điều hành một cửa hàng đồ gia dụng trong một con hẻm cũ ở Bắc Kinh. Tại đây không có đồ nhựa dùng một lần và khách đến mua hàng sẽ không nhận được chiếc túi nilon nào để đựng đồ.
"Điều đó không dễ chút nào nhưng không phải là không thể. Nhiều người có thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần từ nhiều năm qua nhưng tôi tin mọi thứ có thể thay đổi theo hướng tích cực hơn cho môi trường", Yu chia sẻ.
Cửa hàng của Yu (Ảnh: Internet).
Cách đây 2 năm, Trung Quốc đã đặt mục tiêu đạt mức phát thải đỉnh điểm vào năm 2030 và trung hòa khí thải carbon trước năm 2060. Đây là một trong những nhiệm vụ chính mà chính phủ nước này đưa ra để đạt "lối sống xanh cho tất cả mọi người", bao gồm nâng cao nhận thức của người dân về dấu chân carbon (lượng khí nhà kính thải vào khí quyển bởi hoạt động cụ thể của một người), khuyến khích sản xuất sản phẩm phát thải thấp, tăng cường kiến thức về khí hậu.
Ví dụ về việc mua sắm tại Trung Quốc. Do ảnh hưởng của đại dịch, hình thức này đã chuyển sang trực tuyến nhanh chóng, khiến việc giảm phát thải trở nên khó khăn hơn. Năm ngoái, thị phần bán lẻ trực tuyến chiếm hơn một nửa tổng doanh số bán lẻ của cả nước, tăng từ mức chỉ 20% vào năm 2016.
Theo Greenpeace, năm 2018, tất cả những hàng hóa được giao qua hình thức mua trực tuyến đã tạo ra 9,4 triệu tấn bao bì ở Trung Quốc và số lượng này có thể tăng lên đến 41 triệu tấn vào năm 2025, tương đương với tổng lượng rác thải hàng năm của Nhật Bản.
Hàng năm, các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm Taobao.com và JD.com, đều tìm cách thúc đẩy nỗ lực xanh của họ, khuyến khích người bán sử dụng nhiều bao bì có thể tái chế hơn và ít băng dính hơn. Tuy nhiên, nếu dùng ít băng dính để bọc hàng, người bán có nguy cơ mất tiền nếu hàng hóa bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
Trên Meituan và Ele.me, các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, khách hàng hiện có thể đặt "đơn hàng xanh" bằng cách chọn không dùng thìa, nĩa dùng một lần.
Một chuyên gia môi trường cho biết chỉ hành động nhỏ như vậy có thể dần dần đem lại thay đổi lớn. "Lựa chọn của mỗi cá nhân có thể thực sự tạo ra sự khác biệt với môi trường và khí hậu. Tất nhiên, việc thay đổi cơ sở hạ tầng năng lượng là quan trọng nhất nhưng nhận thức và hành động bảo vệ môi trường ở cấp độ cá nhân cũng quan trọng không kém", người này cho biết.
Tại Trung Quốc và nhiều quốc gia, không dễ để tìm thấy thông tin về lượng khí thải carbon của hầu hết các sản phẩm. Đất nước tỷ dân đã đưa ra một hệ thống xác minh sản phẩm xanh vào năm 2016 nhưng đến nay, nó mới bao gồm 19 danh mục. Những tiêu chuẩn chưa rõ ràng khiến người tiêu dùng có ý thức về môi trường khó kiểm tra xem công bố về khí thải của các nhà sản xuất có đúng sự thật không.
Trong một cuộc khảo sát năm 2021 ở Trung Quốc, 72% người được hỏi cho biết họ cố gắng mua hàng từ các công ty thân thiện với môi trường, nhưng 41% nhận thấy việc thiếu các lựa chọn "xanh" có sẵn là rào cản lớn nhất. Một cuộc thăm dò khác cho biết khoảng 2/3 số người cảm thấy khó phân biệt liệu một sản phẩm có thực sự "xanh" như các công ty tuyên bố hay không.
Thị trường trực tuyến đang nỗ lực thay đổi. Nền tảng Tmall của Alibaba vào tháng 4 đã thêm nhãn xanh cho một số thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng, cung cấp thông tin về lượng khí thải của một số dòng điều hòa không khí, máy giặt và các sản phẩm khác. Ngoài ra, Alibaba đã hứa sẽ cắt giảm 1,5 gigatons khí thải vào năm 2035 từ toàn bộ chuỗi cung ứng của mình. Tập đoàn cho biết các nền tảng kỹ thuật số có thể đóng "vai trò then chốt trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh".
Số rác không phân hủy được mà Yu thải ra trong 6 tháng qua (Ảnh: Internet).
Nhưng đối với những cá nhân như Yu, những thay đổi này dường như quá chậm. Cô cảm thấy lựa chọn tốt nhất của mình chỉ đơn giản là mua ít hơn. Hiện tủ quần áo của cô có không quá 50 món đồ. Cô đã ngừng mua nước đóng chai từ 6 năm trước. Cô ước tính mình đã thải ra ít hơn 0,5kg chất thải không phân hủy được trong 6 tháng qua.
Cửa hàng của Yu - The Bulk House, thu hút nhiều đối tượng khách hàng, từ những người sành điệu trẻ tuổi đến những người mua sắm lớn tuổi. Ở lối vào, Yu đăng câu chuyện của mình cùng với 6 tấm thiệp viết tay lặp lại châm ngôn của một nhà hoạt động môi trường về tái chế và tái sử dụng.
"Có rất nhiều cám dỗ để mọi người mua nhiều hơn, vì vậy lối sống của tôi giống như bơi ngược dòng nước. Nhưng tôi ổn với điều đó. Sự tiến bộ chỉ có thể xảy ra khi mỗi người tiết chế một chút", Yu chia sẻ.
Nguồn: Bloomberg
Mộc Tiên