6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản TP.HCM "giảm tốc", trầm lắng

(Tổ Quốc) - Từ cuối quý II/2022, thị trường bất động sản TP.HCM có dấu hiệu “giảm tốc”, phát triển chậm lại, trầm lắng, nhất là trên thị trường bất động sản thứ cấp.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 36.000 doanh nghiệp xây dựng, với số vốn đăng ký khoảng hơn 855.000 tỷ đồng và khoảng hơn 11.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, với số vốn đăng ký khoảng hơn 1.211.000 tỷ đồng.

Về nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng trưởng âm, giảm 5,82% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 17 dự án với tổng số 9.456 căn nhà với tổng diện tích sàn là 860.205m2, trong đó căn hộ chung cư: 8.937 căn, diện tích sàn: 668.644m2; nhà ở thấp tầng 519 căn, diện tích sàn: 191.561m2; tổng giá trị cần huy động vốn: 77.591 tỷ đồng. 

Xét về phân khúc, phân khúc cao cấp có 7.577 căn, chiếm 80,13%; phân khúc trung cấp: 1.879 căn, chiếm 19,87%; phân khúc bình dân: 0 căn, chiếm 0%.

So sánh kết quả 6 tháng đầu năm 2022 với 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy số dự án huy động vốn tăng 8,3%; tổng số nhà ở (căn) tăng 46,58%; tổng giá trị cần huy động vốn tăng 434,26%; phân khúc căn hộ cao cấp tăng 111,29%; phân khúc căn hộ trung cấp giảm 34,41%; phân khúc căn hộ bình dân bằng 0%.

Theo nhận định của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và cũng là chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững. Để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển bền vững, cân bằng thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền của đại bộ phận khách hàng có nhu cầu phải giữ ở tỷ lệ cao nhất; tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp; còn phân khúc cao cấp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất.

Về chuyển nhượng dự án, từ đầu năm 2021 đến nay, TP.HCM chỉ có 1 dự án được xem xét đủ điều kiện chuyển nhượng.

Sở Xây dựng nhận xét, việc chuyển nhượng dự án là một trong các biện pháp giải quyết những khó khăn cho từng dự án, góp phần khôi phục dự án, tiếp tục khởi công xây dựng lại đối với các dự án ngưng thi công, hoàn thiện công trình, đưa sản phẩm vào thị trường, giải quyết được hàng tồn kho. Tuy nhiên, tình hình chuyển nhượng dự án nhà ở trong thời gian qua giảm mạnh do chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý, đồng thời cũng do thiếu hụt nguồn cung quỹ đất, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung dự án mới, đặc biệt là những dự án phân khúc nhà ở bình dân.

HoREA cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại TP.HCM là ngành duy nhất tăng trưởng âm, giảm 5,82% so với cùng kỳ năm 2021. Từ cuối quý 2/2022, thị trường bất động sản có dấu hiệu “giảm tốc”, phát triển chậm lại, trầm lắng, nhất là trên thị trường bất động sản thứ cấp.

Linh Phong

Tin mới