(Tổ Quốc) - Giới chuyên gia quốc tế vô cùng lo ngại về tác động lâu dài của đợt nắng nóng đối với Ấn Độ và thế giới.
Người dân khu vực Bắc và Trung Ấn Độ đang phải chống chọi với đợt nắng nóng khủng khiếp với mức nhiệt được cho là có thể lên tới 50 độ C hồi cuối tuần qua. Quốc gia tỷ dân này đã sống trong điều kiện khắc nghiệt như vậy từ cuối tháng Ba, khi nhiệt độ ghi nhận được phá vỡ kỷ lục sau 122 năm.
Tình trạng này được cho là có thể tiếp tục kéo dài trong nhiều tuần khi sự gia tăng của lượng khí nhà kính đẩy mức nhiệt trong bầu khí quyển lên cao, đặc biệt tại những thành phố đông đúc.
Ngoài Ấn Độ, nước láng giềng Pakistan cũng đang phải đối mặt với một "cuộc khủng hoảng hiện hữu" do điều kiện thời tiết cực đoan ở mức báo động. Bộ trưởng phụ trách biến đổi khí hậu nước này cảnh báo đợt nắng nóng đang khiến các sông băng phía bắc tan chảy với tốc độ chưa từng có và hàng nghìn người có thể sẽ phải sớm đối mặt với lũ lụt.
“Các vấn đề khí hậu vẫn đang diễn ra và sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu các nhà lãnh đạo toàn cầu không sớm hành động”, bà Sherry Rehman nói. "Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Pakistan trải qua một năm không có mùa xuân".
Theo Bloomberg, đợt nắng nóng khắc nghiệt trên khắp Nam Á, đặc biệt tại các quốc gia nghèo nằm gần xích đạo, chính là hệ lụy khó tránh của việc Trái đất nóng lên. Các chuyên gia thậm chí còn cảnh báo đây có thể sẽ là viễn cảnh mà toàn thế giới phải đối mặt trong tương lai khi nhiệt độ Trái Đất tăng lên không ngừng.
“Những đợt nắng nóng khắc nghiệt, thường xuyên và kéo dài không còn được coi là nguy cơ nữa. Nó đã xảy ra rồi và điều này là khó tránh khỏi ”, Giáo sư Abhiyant Tiwari thuộc Viện Quản lý Thảm họa Gujarat cho biết.
DÂN NHẬP CƯ KHỐN ĐỐN
Đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt nắng nóng kỷ lục là dân nhập cư. Trong khi tầng lớp trung lưu có thể làm việc trong văn phòng máy lạnh, tới trung tâm mua sắm hay di chuyển bằng ô tô để tránh nắng, hàng triệu lao động thu nhập thấp vẫn đang phải tự mình chống chọi với cái nóng. Ngay cả đối với những gia đình đủ điều kiện mua các thiết bị làm mát, nỗi lo mất điện do nhu cầu sử dụng tăng cao vẫn luôn thường trực.
Tờ Bloomberg mới đây đã ghi lại chân thực tình cảnh khốn khổ những lao động nhập cư trong một ngày, ở các mốc thời gian khác nhau. Nắng nóng kỷ lục đến vào đúng thời điểm người dân Ấn Độ và Pakistan đang phải chịu cảnh cắt điện liên miên. Tình trạng diễn ra tại rất nhiều bang, bao gồm Jharkhand, Haryana, Bihar, Punjab và cả Maharashtra.
9 giờ sáng, mức nhiệt ghi nhận được rơi vào khoảng 36 độ C. Anh Darshan Mukhiya, một lao động kiếm sống bằng nghề bán rau, đi chân trần dọc bờ sông Yamuna. Bằng chiếc xe đẩy cũ kỹ, anh chở cha mình 83 tuổi tới văn phòng chính sách địa phương cách đó chừng hai dặm để đòi quyền lợi. Anh tâm sự mình phải đi từ sớm, trước khi nhiệt độ ngoài trời tăng lên vượt sức chịu đựng con người.
Anh Darshan Mukhiya, một lao động kiếm sống bằng nghề bán rau, đi chân trần dọc bờ sông Yamuna
“Chúng tôi còn không có quạt, chứ nói đến điều hòa. Sáu đứa con tôi học cả ngày ở một trường công lập có quạt trần, nhưng khi ở nhà, cách duy nhất để giải nhiệt là ngâm mình trong dòng sông ô nhiễm’’, anh Mukhiya nói.
11 giờ 30, dưới cái nắng 39 độ C, lớp học ngoài trời của cô giáo Shyam Mahato bắt đầu nghỉ hết tiết. 50 đứa trẻ mặt ướt đẫm mồ hôi, vội đi tìm vòi nước để giải nhiệt.
“Chúng tôi phải đóng cửa trường học khi nhiệt độ lên trên 45 độ C. Tuy nhiên, điều đó thường không xảy ra cho đến cuối tháng 5 hoặc tháng 6’’, cô Mahato nói.
Được biết, lớp học tình thương miễn phí này lẽ ra có 300 học sinh, song nhiều gia đình đã chuyển đi nơi khác để tránh cái nóng của thành phố. Nhiều học sinh cũng phải nghỉ học khi dịch tiêu chảy và sốt rét ngày càng hoành hành do muỗi sinh sôi nảy nở trong điều kiện thời tiết nóng ẩm.
Lớp học ngoài trời của cô giáo Shyam Mahato
1 giờ chiều, thời điểm nóng nhất trong ngày, mức nhiệt đã tăng lên mức 43 độ C. Bhumi, 18 tuổi, đang đắp một loại mặt nạ làm từ đất để làm mát da cục bộ sau khi đi làm về. Em nói mình đã rửa mặt nhiều lần trong ngày, song cơ thể vẫn cảm thấy vô cùng khó chịu.
“Mụn nhọt và dị ứng da đã trở thành chứng bệnh phổ biến trong năm nay’’, Bhumi nói.
Được biết, gia đình 7 thành viên của Bhumi đang cùng sống với nhau trong một căn phòng rộng 24 mét vuông khu phố nghèo phía nam Delhi. Cô bé tâm sự cả nhà nấu ăn và ngủ trên sân thượng để tránh nóng bởi chiếc quạt đơn bé tí chẳng giúp ích được gì. Điện thì có thể bị cắt bất cứ lúc nào, do nhu cầu luôn ở mức cao.
4 giờ chiều, nhiệt độ giảm xuống 41 độ C. Bà Madhu 62 tuổi đang cảm thấy vô cùng bực bội. Chuyến xe cấp nước cho khu ổ chuột của bà ở tây nam Delhi cuối cùng lại bị hủy không rõ nguyên nhân. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả sẽ phải xếp hàng dài từ sáng sớm hôm sau để tranh nhau từng thùng nước cứu trợ. Khu vực này trước giờ vẫn không được chính quyền công nhận, nên người dân không có nước máy để dùng.
“Cái nóng quá khủng khiếp. Thùng rượu 20 lít giờ tăng giá từ 100 rupee (hơn 29 nghìn đồng) lên 200 rupee (gần 60 nghìn đồng)’’, bà Madhu phàn nàn.
Người dân tranh nhau nhận nước cứu trợ
6 giờ chiều, nhiệt độ 40 độ C. Anh Mahavir Singh cho biết mức nhiệt này sẽ không giảm cho tới tận nửa đêm, và rằng anh chưa bao giờ trải qua một mùa hè khắc nghiệt đến thế.
Những lao động nghèo này còn phải chịu mức nhiệt tỏa ra từ các thiết bị điều hòa làm mát của văn phòng. Vandana, một nhà hoạt động xã hội ở nam Delhi cho biết cái nóng đã tăng cao tới mức người dân trong các khu ổ chuột không thể chịu đựng nổi.
"Cái nóng này đến từ đâu?" cô ấy nói. "Có lẽ con người đang bị trừng phạt vì lòng tham của mình’’, Vandana nói.
Các chuyên gia còn lo ngại việc nhiệt độ hạ đột ngột vào ban đêm sẽ khiến người dân đối mặt với rủi ro đột quỵ cao. Các khu vực mật độ dân cư dày, đặc biệt tại các khu ổ chuột, là nơi ghi nhận nhiều trường hợp sốc nhiệt hơn cả.
KINH TẾ THẾ GIỚI CHỊU TÁC ĐỘNG LÂU DÀI
Theo dữ liệu chính thức của chính phủ, đợt nắng nóng kỷ lục đã khiến 25 người tử vong. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet hồi năm ngoái cũng cho thấy Ấn Độ từ năm 2000 đến năm 2019 đã ghi nhận 700.000 ca tử vong do tiếp xúc với mức nhiệt bất thường. Số ca tử vong liên quan đến mức nhiệt cao tăng lên, trong khi số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ thấp lại giảm.
Theo The Guardian, hồi đầu tháng Năm, Bikaner là khu vực nóng nhất tại Ấn Độ với mức nhiệt lên tới 47,1 độ C. Tại khu vực phía tây bắc Ấn Độ, hình ảnh vệ tinh cho thấy mức nhiệt thậm chí đã có lúc đã vượt quá 60 độ C ở một số nơi.
Đợt nắng nóng kỷ lục đã khiến Ấn Độ ghi nhận 25 trường hợp tử vong
“Nhiệt độ nóng nhất được ghi nhận là phía đông nam và tây nam Ahmedabad, với nhiệt độ bề mặt tối đa là khoảng 65 độ C”, Cơ quan Vũ trụ châu Âu thông báo.
Điều này khiến Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) nhanh chóng ban hành mức cảnh báo vàng, mức cao thứ 2 trong thang đo 4 nấc, đối với các khu vực New Delhi và cả vùng phụ cận của Bhumi. Việc nhiệt độ tại một số bang ở miền bắc và miền trung thậm chí được dự báo có thể lên tới 48,8 độ C khiến giới chuyên gia quốc tế vô cùng lo ngại về tác động lâu dài của đợt nắng nóng đối với Ấn Độ và thế giới.
Theo The Guardian, đợt nóng kỷ lục đã tàn phá nhiều loại cây trồng, từ lúa mì đến trái cây và rau củ. Tại một số khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, sản lượng lúa mì đã giảm tới 50%. Khan hiếm nguồn cung, một hệ lụy từ sau xung đột căng thẳng Nga - Ukraine theo đó lại càng thêm phần dai dẳng.
"Tháng 3 thường là quãng thời gian nhiệt độ tăng dần khi thời tiết bắt đầu vào hè, song mức nhiệt tháng 3 năm nay bất ngờ tăng vọt lên 40 độ C", Devendra Singh Chauhan, một nông dân ở huyện Etawah, bang Uttar Bradesh cho biết khi chia sẻ về năng suất vụ mùa năm nay. "Nếu diễn biến thời tiết bất thường như thế này tiếp tục kéo dài, nông dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề".
Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì
Mới đây nhất, theo tờ CNBC, sản lượng hoa màu sụt giảm do nắng nóng đã khiến Ấn Độ bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì để kiềm chế đà tăng giá trong nước. Việc cuộc xung đột Nga-Ukraine đe dọa an ninh lương thực Ấn Độ và các nước láng giềng dễ bị tổn thương được cho là một trong những nguyên nhân tạo nên xu hướng tăng giá cho nông sản này.
Trước khi có lệnh cấm, Ấn Độ đã đặt mục tiêu xuất khẩu kỷ lục 10 triệu tấn lúa mì trong năm nay như một cách tận dụng sự gián đoạn đối với nguồn cung lúa mì, đồng thời tìm kiếm thị trường mới tại châu Âu, châu Phi và châu Á.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài, sản lượng lúa mì sụt giảm. Các chuyên gia ước tính lượng lúa mì thu hoạch trong năm nay chỉ khoảng 95 triệu tấn, thấp hơn so với ước tính của chính phủ, do hoạt động thu mua giảm hơn 50%.
"Lệnh cấm của Ấn Độ sẽ nâng giá lúa mì toàn cầu, bởi ngoài Ấn Độ, hiện không có nhà cung cấp lớn nào khác trên thị trường", CNBC trích lời một chuyên gia kinh tế cho biết.
Theo: Bloomberg, CNBC, The Guardian
Huệ Anh