Ảnh báo chí là một trong những hình thức thông tin của báo chí bên cạnh những bài viết, video – clip. Trong xu hướng độc giả xem báo trực quan như hiện nay, hình ảnh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mỗi bài viết.
Bức ảnh vừa phải mang vai trò cung cấp thông tin, vừa lột tả cảm xúc chân thật của bối cảnh, nhiều hơn phải truyền được cảm hứng cho người xem.Ảnh báo chí là một trong những hình thức thông tin của báo chí bên cạnh những bài viết, video – clip. Trong xu hướng độc giả xem báo trực quan như hiện nay, hình ảnh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mỗi bài viết. Bức ảnh vừa phải mang vai trò cung cấp thông tin, vừa lột tả cảm xúc chân thật của bối cảnh, nhiều hơn phải truyền được cảm hứng cho người xem.
Về bản chất, ảnh báo chí là quá trình chuyển tải câu chuyện bằng hình ảnh, sử dụng thiết bị chụp ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đắt giá của một sự kiện.
Nhiếp ảnh báo chí cá biệt hơn so với những thể loại ảnh khác bởi nó phải tuân theo một khuôn khổ chặt chẽ các quy tắc và đạo đức. Bạn có thể cắt, cúp xung quanh bức ảnh để làm chủ đề nổi bật, rõ ràng hơn nhưng không được dùng bất cứ thủ thuật, kỹ thuật nào để can thiệp vào nội dung bức ảnh. Giống như bạn có thể cắt cúp một con gà ra khỏi tấm ảnh, nhưng nếu dùng photoshop để xóa con gà ra khỏi khung hình thì không, bản chất 2 việc này hoàn toàn khác nhau.
Sau hơn 10 năm cầm máy để làm công việc của một phóng viên ảnh, cho đến nay, tôi vẫn quan niệm tất cả những ảnh được xuất bản, xuất hiện trên mặt báo là ảnh báo chí, không phân biệt ảnh Thời sự - Xã hội - Văn hóa – Văn nghệ - Thể thao… tất cả đều phải mang thông điệp của ảnh báo chí.
Để chụp được những tấm ảnh báo chí tốt, chứa đựng nhiều thông tin, trước hết bạn cần có kỹ năng quan sát, đâu là điểm nhấn của sự việc, sự kiện. Việc tự học hỏi tìm tòi và thể hiện theo kinh nghiệm, góc nhìn của mình, sáng tạo nắm bắt khoảnh khắc; những khóa học hay hình ảnh của những người đi trước chỉ mang tính chất tham khảo là cần thiết. Nếu bạn quan tâm hơn về các "bí thuật" thì dưới đây là kinh nghiệm quý báu, góc nhìn của tôi sau hơn 10 năm gắn bó với nghề phóng viên ảnh.
Điều kiện tiên quyết: Thiết bị phù hợp
Bạn sở hữu 1 chiếc máy ảnh có tốc độ cao, khả năng lấy nét nhanh… là một lợi thế. Ảnh báo chí khác với ảnh phong cảnh, ảnh nghệ thuật...Khi đi sáng tác ảnh nghệ thuật có những chủ đề bạn có thể chụp đi chụp lại chụp tới khi nào ưng ý thì thôi, bạn không cần máy ảnh phải có tốc độ chụp nhanh. Lúc này, bạn sẽ ưu tiên cho máy có độ phân giải tốt. Nhưng để đi tác nghiệp 1 trận đấu bóng đá chẳng hạn, nếu bạn bỏ lỡ khoảnh khắc nào đó trên sân thì chắc chắn bạn đã mất nó mãi mãi, tôi sẽ ưu tiên chọn máy ảnh có tốc độ cao và độ phân giải vừa đủ đáp ứng được nhu cầu của tòa soạn.
Thiết bị phù hợp hỗ trợ nhiều cho quá trình tác nghiệp của nhiếp ảnh. Ở mỗi sự kiện, mỗi hiện trường cần thiết bị tương thích khác nhau để tác nghiệp hiệu quả nhất. Đây chính là lý do nhiều nhà sản xuất nổi tiếng thế giới không ngừng sáng tạo nhiều loại tiêu cự ống kính. Họ đã phải tính toán những tiêu cự nào sẽ đáp ứng nhu cầu nào tốt nhất.
Việc chọn thiết bị phù hợp, làm chủ và hiểu rõ nó sẽ giúp phóng viên ảnh tối ưu công việc trong từng loại hiện trường tác nghiệp. Nhiều trường hợp do không có bước chuẩn bị tốt, khi tác nghiệp liên tục từ sáng tới đêm thì đến trưa pin đã cạn và thẻ nhớ thì sắp đầy. Hay một ví dụ khác là tôi không thể cầm ống kính độ dài tiêu cự 400mm để tác nghiệp trong không gian của một phiên tòa xử án, ngoại trừ phải chụp lén từ xa. Hay chỉ sử dụng ống kính 24-70mm mà mong muốn có ảnh đầy đủ diễn biến của trận đấu bóng đá là không thể. Không hẳn cứ vác ống kính 400mm mà nghĩ đây chắc là phóng viên ảnh thể thao xịn xò, có những môn thể thao bạn sử dụng ống kính 70-200mm sẽ hiệu quả cao hơn, quan trọng vẫn là chuẩn bị thiết bị gì cho hiệu quả nhất với từng loại hiện trường bạn chuẩn bị tác nghiệp.
Kỹ năng dự đoán khoảnh khắc
Khoảnh khắc là sức mạnh của ảnh báo chí. Khoảnh khắc sẽ đến trong thời điểm rất ngắn ngủi, bạn không bắt được nó thì bạn sẽ đánh mất nó vĩnh viễn.
Khi ra hiện trường, nếu bạn dự đoán được tình huống sẽ xảy ra và sẵn sàng để bấm máy, chụp càng nhiều càng tốt, có được nhiều ảnh để lựa chọn thì bao giờ cũng tốt hơn, chắc chắn bạn sẽ có được những khoảnh khắc đắt giá cho sự kiện đó.
Nếu khoảnh khắc đắt giá xảy ra, bạn chưa sẵn sàng vẫn đang loay hoay mở máy, điều chỉnh những thông số… bạn sẽ bất lực nhìn nó trôi qua mà không có được tấm ảnh nào.
Tìm hiểu rõ hiện trường trước khi tác nghiệp
Hiểu rõ hiện trường giúp phóng viên ảnh dễ dàng di chuyển và có được những vị trí tốt nhất. Đừng để khi đứng trước hiện trường, bạn mới định hình chủ đề câu chuyện mình sẽ kể qua những tấm ảnh của mình. Sai lầm thường thấy là chúng ta không chuẩn bị sẵn kịch bản trước khi triển khai thực hiện phóng sự ảnh, dẫn đến câu chuyện bị ngắt quãng thiếu sự xuyên suốt.
Thông tin nơi bạn sắp tới có rất nhiều trên internet, nhất là những nơi bạn đến lần đầu, nên tìm hiểu những nét đặc trưng về địa hình, con người, văn hóa, khí hậu… nơi bạn chuẩn bị đến. Tìm hiểu kỹ nơi sắp đến tác nghiệp ngoài việc có kết quả tốt nhất còn giúp bạn hạn chế được những rủi ro không lường trước.
Tập trung và kiên trì
Ở hiện trường có rất nhiều tác nhân gây phân tán, do đó tập trung 100% là điều tối quan trọng. Để có những tấm ảnh báo chí tốt là sự tập trung công thêm sự kiên trì đeo bám nhân vật, sự kiện… có những sự kiện chờ hàng giờ để chụp 1 tấm ảnh, nhưng khoảnh khắc tốt nhất đến bất ngờ nếu bạn không sẵn sàng để bấm máy thì bạn đã bỏ phí cả buổi mà không có được tấm ảnh tốt nhất. Nhiều khoảnh khắc trong sự kiện hầu như không có lại lần 2.
Sẵn sàng mọi trận chiến
Gần nhất thời gian vừa qua là khi Việt Nam khủng hoảng vì đại dịch Covid_19 bùng phát diện rộng, các phóng viên ảnh trong thời điểm đó được ví như những phóng viên chiến trường, nếu lo sợ bị nhiễm bệnh thì chắc chắn sẽ không có được những hình ảnh khốc liệt do dịch bệnh gây ra.
Để có được những hình ảnh xuất hiện hàng ngày trên mặt báo, những tấm ảnh để đời của sự nghiệp, ngày đó, tôi đã bước vào "chiến địa" tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân trong các khu cách li, bệnh viện dã chiến…
Tôi có nghe được 1 câu của người đàn anh đi trước, anh ấy nói rằng: "Trong ảnh báo chí, nếu tấm ảnh của bạn chưa đẹp, có nghĩa là bạn chưa đến gần". Và khi có mặt ở hiện trường, tôi thường cố gắng tiếp cận đối tượng, sự kiện gần nhất có thể.
Trong 1 vụ hỏa hoạn, nếu bạn chỉ đứng từ xa để bấm máy thì ảnh của bạn chỉ mang tính chung chung nói rằng ở đâu đó có đám cháy, nhưng nếu bạn cố gắng tiếp cận gần đám cháy nhất có thể, bạn sẽ có những hình ảnh rất sống động để lột tả sự khốc liệt, kinh hoàng của vụ hỏa hoạn.
Tận dụng sự phát triển của công nghệ
Ngày nay, công nghệ đã phát triển đến mức quá thông minh, điều này hỗ trợ rất lớn cho nhiếp ảnh, đặc biệt là phóng viên ảnh nếu chúng ta biết tận dụng và thường xuyên tìm tòi học hỏi, cập nhật những công nghệ mới.
Cuối cùng, để trở thành phóng viên ảnh giỏi trong thời điểm hiện nay, bạn cần phải trau dồi kỹ năng chụp ảnh ở tất cả các thể loại ảnh báo chí, đừng chỉ tập trung chụp riêng về mảng nào như chỉ chụp ảnh Thể thao, chỉ chụp ảnh Thời sự… mà cố gắng chụp tốt tất cả các mảng mà tòa soạn cần.
Chúc bạn thành công và có những trải nghiệm tuyệt vời cùng nghề phóng viên ảnh!
Ảnh: PV Nguyễn Độc Lập