Bà Trương Thị Thanh Thanh: Muốn có chương trình thiện nguyện phát triển bền vững, phải kết hợp tốt sức mạnh của địa phương và tài chính

(Tổ Quốc) - Làm thiện nguyện phát triển (CSV) với quy mô lớn không đơn giản, nó có thể khiến một ‘nữ cường nhân’ như bà Trương Thị Thanh Thanh loay hoay không biết làm gì trong 1 năm. Nhận tiền của nhiều người tín nhiệm không đơn giản – ngay cả 500.000 đồng, cho dù người đứng ra kêu gọi là quỹ Hy Vọng - FPT. Nhưng muốn ‘làm những điều lớn lao hơn khả năng của bản thân’, thì chúng ta buộc phải dấn thân…

"Hồi xưa, khi FPT có những đồng tiền lời đầu tiên, cả Ban lãnh đạo của Tập đoàn đã nghĩ đến việc mình phải làm gì đó cho xã hội. Trong quá trình trưởng thành, chúng tôi đã được cả xã hội cưu mang – nuôi nấng, còn được cấp Học bổng cho đi học nước ngoài.

Nên kể từ khi đi làm và thành lập doanh nghiệp, mong mỏi muốn quay trở lại đóng góp cho xã hội trong chúng tôi lớn dần theo năm tháng", bà Trương Thị Thanh Thanh - Chủ tịch quỹ Hy Vọng chia sẻ trong buổi ra mắt Báo cáo Khảo sát thực tiễn về Hệ sinh thái Thiện nguyện tại Việt Nam do quỹ Hòa Bình và Phát triển tổ chức.

Bà Trương Thị Thanh Thanh là chị gái của ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT; bà cũng là gương mặt nữ duy nhất trong Ban sáng lập doanh nghiệp. Hiện tại, ở tuổi ‘thất thập cổ lai hy’, bà Thanh chỉ chuyên tâm làm thiện nguyện – điều hành quỹ Hy Vọng và không tham gia vào hoạt động kinh doanh của Tập đoàn FPT nữa.

Theo bà Thanh, kể từ năm 2010, Tập đoàn FPT đã định hướng chiến lược mới: mảng CSR phải được phát triển mạnh mẽ song song với sự phát triển của doanh nghiệp. Vậy nên, có thể xem Tập đoàn FPT đã có hơn 20 năm làm CSR (Corporate Social Responsibility) và vài năm gần đây chuyển dần sang làm CSV (Creating Shared Value) – Tạo lập giá trị chia sẻ, bằng cách thành lập quỹ Hy Vọng vào năm 2017.

"Trong 30 năm qua, Ban lãnh đạo của FPT luôn cho rằng: một công ty hùng mạnh hay cá nhân hùng mạnh là chưa đủ. Để khiến tất cả mọi người đều hạnh phúc thì phải có một xã hội hùng mạnh; nên trách nhiệm của Ban lãnh đạo cũng như cả Tập đoàn là làm sao phải góp phần thay đổi xã hội.

Mà muốn vậy, thì phải chuyển dần từ CSR sang CSV. Đó là nguyên do mà quỹ Hy Vọng ra đời. Quỹ Hy Vọng được Bộ Nội vụ cấp phép vào tháng 2/2017 và là cách để FPT trả ơn cuộc đời", bà Trương Thị Thanh Thanh bày tỏ.

Bà Trương Thị Thanh Thanh: Muốn có chương trình thiện nguyện phát triển bền vững, phải kết hợp tốt sức mạnh của địa phương và tài chính - Ảnh 1.

Bà Trương Thị Thanh Thanh - Chủ tịch quỹ Hy Vọng.

Tuy nhiên, kể cả sau khi có quỹ Hy Vọng, Tập đoàn FPT và 30.000 nhân viên của mình không bỏ các chương trình từ thiện hoặc CSR mà phát triển song song.

"Bằng vị thế và cái tâm của mình, thông qua quỹ Hy Vọng, FPT muốn làm cầu nối để các tổ chức – cá nhân muốn làm điều tử tế hoặc làm điều có ích cho xã hội có phương cách thực hiện dễ dàng hơn.

Dù FPT là Tập đoàn lớn ở Việt Nam và quỹ Hy Vọng là tổ chức xã hội ‘danh chính ngôn thuận’ khi được Nhà nước cấp phép, nhưng để tuyên truyền và thuyết phục cá nhân – tổ chức ủng hộ cho quỹ, không hề dễ dàng. Vẫn còn đó những nghi ngờ và ngừng ngại.

Tuy nhiên, để có thể làm điều lớn lao hơn khả năng của mình, thì dù con đường đi có khó khăn hơn nữa, tôi – quỹ Hy Vọng – FPT sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Tôi tin rằng, trong tương lai, với sự phát triển của xã hội, công cuộc kêu gọi hay làm cầu nối của chúng tôi sẽ thuận lợi hơn", Chủ tịch Quỹ Hy Vọng, nhận định.

Thật ra, năm 2017, sau nhiều năm mới xin được giấy phép thành lập quỹ thiện nguyện, FPT đã có một năm ngồi im vì "không biết nên làm cái gì". Bà Thanh tự nhủ: chẳng nhẽ mình lại tập trung đi cứu trợ bão lụt hoặc thiên tai như trước? Thật ra chuyện đi cứu trợ bão lụt rất dễ đánh động tới cảm xúc của người khác và làm tức thời – dễ kêu gọi ủng hộ, nên rất dễ cho những người quản lý quỹ như bà Thanh.

"Lúc đó, chúng tôi đã trăn trở rất nhiều. Nếu cứ tiếp tục làm theo cách cũ: lũ lụt thì đi cứu trợ, lâu lâu lại đến mái ấm hoặc viện dưỡng lão nào đó thăm hỏi…; thì sáng tạo ở đâu? Trong 10 đến 20 năm nữa, quỹ Hy Vọng sẽ kỷ niệm về cái gì?

Lúc đó, nhân viên của tôi còn bảo: chị đừng nói trước, chắc gì quỹ đã tồn tại đến lúc đó", bà Thanh hồi tưởng.

Bà Trương Thị Thanh Thanh: Muốn có chương trình thiện nguyện phát triển bền vững, phải kết hợp tốt sức mạnh của địa phương và tài chính - Ảnh 2.

Bà Trương Thị Thanh Thanh: Muốn có chương trình thiện nguyện phát triển bền vững, phải kết hợp tốt sức mạnh của địa phương và tài chính - Ảnh 3.

Bà Trương Thị Thanh Thanh: Muốn có chương trình thiện nguyện phát triển bền vững, phải kết hợp tốt sức mạnh của địa phương và tài chính - Ảnh 4.

Những cây cầu được thực hiện từ quỹ của Chương trình "Nâng bước em đến trường’.

Và sau nhiều lần họp bàn, FPT và quỹ Hy Vọng đã đi đến quyết định: vẫn tiếp tục thực hiện các chiến dịch CSR có tác dụng ngay, nhưng sẽ tìm 1 con đường thiện nguyện phát triển. Tức, ngoài mang lại giá trị tức thời cho gia đình/đội ngũ/hàng xóm, họ còn muốn mang lại giá trị cho hàng triệu con người trong hàng chục năm.

Vậy nên, hiện tại, quỹ Hy Vọng đang có 2 chương trình là "Ánh sáng học đường" – xây thêm trường mới và trang bị các giáo cụ sách vở cho các học sinh miền núi; "Nâng bước em đến trường’ – xây cầu bê tông ở đồng bằng Sông Cửu Long.

Theo vị Chủ tịch này, thì sau vài năm triển khai, bà thấy 2 dự án này rất khả thi và hiệu quả, mang lại giá trị lâu dài cho xã hội. Trong khi những chiếc cầu khỉ và sắt không an toàn và chỉ có thời hạn sử dụng 3 đến 5 năm, thì cầu bê tông vừa chắc chắn lại sử dụng lâu dài - từ 15 đến 20 năm. FPT đã đi tiên phong để mọi người có thể thấy và làm theo - ủng hộ. Bởi, dù như thế nào, thì sức một mình FPT không ăn thua!

Chương trình "Nâng bước em đến trường’ được khởi động từ 2018 và đã có 200 cây cầu được khởi công nếu tính đến 12/2021; mục tiêu của quỹ Hy Vọng là sẽ có 250 cây cầu cho đến hết 2022.

Chương trình "Ánh sáng học đường" đã thực hiện 15 công trình với hơn 50 phòng học và phòng bán trú cho hàng trăm trẻ em vùng sâu, vùng xa tại Quảng Nam, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La. Năm 2022, chương trình này đặt mục tiêu xây thêm 10 công trình với khoảng 25 phòng học và các công trình phụ trợ.

Bà Trương Thị Thanh Thanh: Muốn có chương trình thiện nguyện phát triển bền vững, phải kết hợp tốt sức mạnh của địa phương và tài chính - Ảnh 5.

Bà Trương Thị Thanh Thanh: Muốn có chương trình thiện nguyện phát triển bền vững, phải kết hợp tốt sức mạnh của địa phương và tài chính - Ảnh 6.

Những ngôi trường được thực hiện từ quỹ của Chương trình "Ánh sáng học đường".

"Để 2 chương trình thiện nguyện phát triển trên có thể đi đường dài, ngoài kêu gọi đóng góp từ các cá nhân – tổ chức, chúng tôi còn phải làm việc – phối hợp với chính quyền địa phương, nhân dân và thanh niên địa phương. FPT và quỹ Hy Vọng luôn truyền thông rằng: việc xây trường hay cầu cũng là việc của địa phương và chúng thuộc sở hữu của người dân địa phương.

Đúc kết lại, muốn có một chương trình thiện nguyện phát triển bền vững, chúng ta cần kết hợp tốt sức mạnh của địa phương và tài chính, để tạo nên sức mạnh tổng hợp", bà Thanh kể tiếp.

Cũng theo tiết lộ của bà Thanh, kể từ khi thành lập đến nay, quỹ Hy Vọng đã nhận được 112 tỷ đồng tiền quyên góp và kể từ đầu năm 2022 đến tháng 5/2022, đã nhận được trên 26 tỷ đồng tiền quyên góp; nên họ mới có thể đi đường dài được. Trong năm 2021, quỹ Hy Vọng đã nhận được 64 tỷ đồng và quỹ đã dùng nó để hỗ trợ đại dịch, xây cầu và trường.

Nhìn vào danh sách quyên góp cho quỹ Hy Vọng, chúng ta có thể thấy xuất hiện rất nhiều thành phần, từ doanh nghiệp đóng góp vài tỷ vài trăm triệu cho đến cá nhân đóng góp từ 100 đến 200 đồng.

Ở khía cạnh khác, FPT và quỹ Hy Vọng sắp bước sang sứ mệnh mới: xây trường cho 1.000 cháu đã mồ côi trong đại dịch, để các con có môi trường tốt trưởng thành, vượt qua được nghịch cảnh.

Quỳnh Như

Tin mới