Với kinh nghiệm 35 năm trong lĩnh vực da liễu tại nhiều bệnh viện ở Pháp và Anh, Trưởng khoa Da liễu Bệnh viện FV khẳng định có thể chữa sạch triệu chứng vảy nến.
Từng đảm trách vai trò bác sĩ cấp cao khoa da liễu ở các bệnh viện tại Pháp, bác sĩ Orieux Guillaume còn là bác sĩ luân phiên làm việc tại Anh và Việt Nam từ năm 2002. Sau một thời gian công tác, tình yêu với con người và đất nước Việt Nam đã khiến ông chọn gắn bó sự nghiệp của mình ở nơi đây kể từ năm 2008 đến nay.
Trong suốt thời gian công tác, bác sĩ Orieux Guillaume đã tiếp nhận điều trị hơn 300 loại bệnh ngoài da khác nhau cho hàng chục ngàn bệnh nhân tại Việt Nam. Trong đó, vảy nến là bệnh rất thường gặp nhưng hầu hết các bệnh nhân đều hiểu sai về căn bệnh cũng như cách điều trị. Bệnh biểu hiện bằng các tổn thương sần sùi trên da màu đỏ, có vảy trắng bạc, khu trú ở một số nơi (thường gặp ở đầu, ngón tay, bàn tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, mông, cẳng chân) hoặc khắp cơ thể. Căn bệnh không nguy hiểm nhưng gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân khiến họ tự ti về ngoại hình, có thể dẫn đến trầm cảm. Do đó, hầu hết bệnh nhân hy vọng tìm được cách điều trị dứt điểm.
Do đó, với bất kỳ ca bệnh vảy nến nào, việc đầu tiên là ông giải thích rõ cho bệnh nhân: đây là bệnh mạn tính, không có thuốc điều trị triệt để, bệnh có thể tái phát sau một thời gian nếu không được tiếp tục theo dõi và kiểm soát. Việc đi tìm phương pháp điều trị triệt để chỉ gây tốn kém, thậm chí nguy hiểm nếu được điều trị bằng cortisol liều cao - cách này có thể khiến bệnh nhân hết triệu chứng, song thực chất lại làm bệnh nặng hơn khi tái phát.
"Bản chất bệnh vảy nến là sự phản ứng viêm của da, mục đích của điều trị là làm giảm sự hoạt động của phản ứng viêm đó", bác sĩ Orieux giải thích.
Bệnh nhân mắc bệnh vảy nến được điều trị dựa trên hiện trạng tổn thương da. Nếu các tổn thương ít, bệnh nhân chỉ cần dùng kem bôi. Nếu các tổn thương trên khắp cơ thể thì sẽ dùng liệu pháp quang trị liệu - chiếu tia UV - hoặc dùng thuốc dạng uống. Vài năm gần đây, nhờ sự phát triển của y học, phương pháp trúng đích ra đời giúp bệnh nhân có thêm lựa chọn trong việc kiểm soát hiệu quả bệnh vảy nến.
Đây là liệu pháp sử dụng thuốc sinh học (dạng tiêm) có tác động ở mức tế bào giúp kiểm soát bệnh không bùng phát. Bệnh nhân sẽ được tiêm theo phác đồ với thời gian giãn dần tùy theo đáp ứng và tình trạng bệnh. Thuốc sẽ tác động đến các tế bào gây bệnh, làm thay đổi phản ứng miễn dịch, không để chúng biểu hiện thành các tổn thương da.
"Phương pháp điều trị miễn dịch trước đây qua đường uống sẽ làm giảm hệ miễn dịch, giảm hoạt động của phản ứng da trên toàn bộ cơ thể. Còn với phương pháp điều trị sinh học dạng thuốc tiêm sẽ làm giảm hệ miễn dịch nhưng chỉ khu trú ở một số nơi cần giảm", bác sĩ Orieux giải thích. Với liệu pháp này, bệnh nhân không cần uống hoặc bôi thuốc thường xuyên.
Tuy vậy đây là phương pháp tốn kém, cần duy trì dài lâu. Bác sĩ sẽ giãn cách thời gian tiêm duy trì ra xa nhất có thể để giảm gánh nặng chi phí cho bệnh nhân. Bác sĩ Orieux cũng lưu ý tác dụng phụ của liệu pháp tiêm: có thể làm thay đổi phản ứng miễn dịch của cơ thể, nếu trong cơ thể tiềm ẩn bệnh lao, viêm gan do virus thì khi tiêm thuốc có thể làm các vi rút đang tiềm ẩn có cơ hội gây bệnh. Do đó bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm trước khi quyết định dùng thuốc và theo dõi định kỳ trong quá trình sử dụng.
Sau một đợt điều trị, bệnh nhân vui mừng khi da sạch bong. Bác sĩ Orieux cho biết, việc chữa sạch triệu chứng vảy nến ở bệnh nhân giờ đây là chuyện rất bình thường. Tuy vậy, bác sĩ không quên tư vấn rằng bệnh có thể tái phát bất kỳ lúc nào, quan trọng là cần thích ứng và chung sống hòa bình với căn bệnh này.