Phải khởi nghiệp với số vốn 1 triệu đồng trong 5 giờ đồng hồ để mang nhiều về lợi nhuận nhất, các nữ doanh nhân đã nhận ra những kinh nghiệm kinh doanh dày dặn trước đó của họ không phát huy hiệu quả khi đặt vào một bối cảnh khác biệt.
Lập kế hoạch mà không có thực tế và tốc độ sẽ thất bại
Đó là bài học đầu tiên mà người xem rút ra khi chứng kiến đội Giấc mơ Xanh thi đấu. Đội này có 5 thành viên rất mạnh trong đó có bà Tuyết hot TikToker chủ thương hiệu "Ăn cùng bà Tuyết" với gần 2 triệu người theo dõi trên mạng xã hội.
Kết quả chung cuộc, Giấc mơ Xanh có doanh thu thấp nhất sau 5 tiếng khởi nghiệp.
Trưởng nhóm Huyền Trang là một người làm mọi thứ theo kế hoạch. Quan điểm của cô là chậm mà chắc, việc lập kế hoạch có thể mất nhiều thời gian nhưng sẽ giúp quá trình sau đó diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng. Do đó, khi các thành viên sốt ruột với việc bán cái gì, bán bao nhiêu và bán ở đâu, Huyền Trang cho rằng đó là lối tư duy không khoa học. Cô kéo mọi người tập trung vào bản kế hoạch và giữ chân nhóm ở trong bản kế hoạch đó 1 tiếng đồng hồ, trong lúc hai đội khác trong cuộc thi đã gần như hoàn tất các giai đoạn chuẩn bị.
Phương thức kinh doanh của đội Giấc mơ Xanh là Affiliate (tiếp thị liên kết). Thay vì bỏ vốn, họ sẽ thuyết phục các cửa hàng, tiệm cafe cho họ bán hàng hộ và hưởng hoa hồng từ 30-50%/sản phẩm. Nếu không bán được, số vốn vẫn được bảo toàn. Địa điểm họ lựa chọn bán hàng là Trường Đại học Ngoại thương.
Ban đầu, mục tiêu của đội là 5 triệu đồng tiền lãi. Để đạt con số nói trên, họ cần bán thành công 400-500 sản phẩm. Đó là điều gần như bất khả thi.
Thực tế chứng minh mục tiêu không thể đạt được vì sau 1 tiếng lập kế hoạch, Giấc mơ xanh mất thêm 2 tiếng để tìm kiếm và thuyết phục đối tác. Họ chỉ còn 2 tiếng để bán hàng. Việc chào mời từng vị khách ban đầu rất khó khăn. Chỉ đến khi 1 nhóm sinh viên nhận ra "bà Tuyết" và tạo nên hiệu ứng đám đông, Giấc mơ Xanh mới bán được những ly cà phê và gói snack đầu tiên.
Số tiền lãi họ thu về là 690.500 đồng, thấp hơn nhiều mục tiêu khởi điểm.
Việc bán hàng đã được cứu vãn phần nào cùng nhờ vào sức ảnh hưởng trên mạng xã hội của cái tên "bà Tuyết ăn vặt". Chứng kiến bà Tuyết kiên nhẫn đi mời chào từng sinh viên, không chán nản trước những cái lắc đầu, không từ bỏ khi hàng chục phút không mời được ai mua, các thành viên còn lại đã thấm thía về một cách bán hàng khác. Đó là cách mà họ chưa từng thử, chưa từng vạch kế hoạch, nhưng giờ sẵn sàng thử, sẵn sàng học.
Không phải cứ người đông, của rẻ là bán tốt
Đó là bài học của đội áo đỏ - đội Nhiệt huyết. Đội thi có thành viên cao tuổi nhất chương trình (Nguyễn Thị Anh Đào - 65 tuổi) và 1 thành viên khuyết tật (Đinh Thị Quỳnh Nga) song quá trình thi đấu của đội rất thuận lợi. Nếu như hai đội Xanh - Vàng gặp trở ngại khi làm việc nhóm bởi các nữ cường khó tìm được tiếng nói chung, đội Nhiệt huyết chốt phương án rất nhanh, mỗi ý kiến trưởng nhóm đưa ra đều được các thành viên đồng tình.
Đội Đỏ - Nhiệt huyết với kế hoạch bán trà tranh ở Hồ Ngọc Khánh
Họ chọn bán trà chanh, trà sữa ở khu vực hồ Ngọc Khánh, nơi gần các toà nhà văn phòng và hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Chi phí nguyên liệu thấp, giá bán tầm trung so với thị trường (20.000 đồng/ly), nguồn khách hàng dồi dào, ai cũng nghĩ Nhiệt huyết sẽ giành chiến thắng. Nhưng họ lại là đội có lợi nhuận thấp thứ nhì với hơn 1,4 triệu đồng.
Lý do chính là họ phân tích sai thị trường.
Suốt nửa hành trình, nhiệt huyết bế tắc trong việc tìm khách hàng. Không một ai dừng chân ở quầy nước mới mẻ của họ. Họ đi mời chào khách ở các hàng trà đá vỉa hè ven hồ, mà đa phần là người lao động, có thói quen uống trà đá 3000-4000 đồng. Do đó, tất nhiên họ bị từ chối.
Họ cũng đi tìm khách ở hai bệnh viện, nhưng bệnh nhi và sản phụ không uống được thứ nước họ bán, còn người đi chăm bệnh thường chỉ ra ngoài mua nước vào giờ cơm trưa và cơm tối, khung giờ mà đội không bán hàng.
Đối tượng duy nhất họ tiếp cận thành công là dân văn phòng. Tuy nhiên, họ bán được hàng không phải vì sản phẩm phù hợp mà vì thông điệp chia sẻ trách nhiệm xã hội được đưa ra: mỗi ly nước góp 1000 đồng vào quỹ người khuyết tật, chia sẻ lợi nhuận với người khó khăn, yếu thế. Đó là bài học kinh doanh đắt giá chắt lọc được từ trải nghiệm thực tế của 5 giờ khởi nghiệp.
Khách hàng từ chối là bình thường, quan trọng là giải quyết lời từ chối
Đó là bài học của Nguyễn Thị Thanh Hoa, bà chủ thương hiệu EUBIZ, trưởng nhóm Nắng. Nhóm Nắng có chiến lược kinh doanh thông minh khi chọn địa bàn kinh doanh là cổng Đài Truyền hình Việt Nam và chọn sản phẩm kinh doanh là hoa quả gọt sẵn.
Khách hàng tiềm năng của họ là hơn 1300 nhân viên nhà đài, tức dân văn phòng, có thói quen ăn vặt chiều và ăn đồ "healthy", có mức chi tiêu tầm trung đến cao.
Họ chỉ chọn một số loại quả nhất định như xoài, ổi, roi, dưa hấu, nhưng thức quả có độ mát và độ chua ngọt vừa vặn khi kết hợp.Họ thử đi thử lại vài lần để có được 1 đồ chấm hợp vị người Hà Nội. Họ không cốt bán cho xong để giành chiến thắng. Họ thực sự quan tâm tới trải nghiệm của khách hàng về sản phẩm.
Thay vì dùng túi bóng, đội Nắng lại chọn những loại hộp đựng đẹp mắt để tăng giá bán sản phẩm. Đó là cách họ có thể ký gửi sản phẩm của mình vào các tiệm cafe cho dân văn phòng khu vực quanh Đài Truyền hình.
Họ cũng gặp phải rất nhiều lời từ chối. Nhưng trưởng nhóm Thanh Hoa rất điềm tĩnh trước những cái lắc đầu: "Việc của khách hàng là từ chối, việc của người bán hàng là giải quyết lời từ chối".
Ứng xử với lời từ chối của khách có lẽ cũng là điều mà các nữ doanh nhân học được từ nhau nhiều nhất khi tham gia chương trình "Khi phụ nữ làm chủ" mùa 2
Với chị Thanh Hoa, đó là việc kiên nhẫn mời chào tất cả các vị khách trong tầm mắt hoặc đưa ra các điều kiện trao đổi, có lợi cho cả hai bên.
Với chị Đinh Thị Quỳnh Nga, Lê Thị Liên hay Đỗ Thị Tuyết (bà Tuyết Vlog), đó là cách nói chuyện thân mật để kéo dài câu chuyện không liên quan tới bán hàng cho đến khi khách hàng gia tăng cảm tình và chủ động mua.
Điều này cũng đồng nghĩa, họ cần phải học cách trút bỏ chiếc áo kinh nghiệm, sẵn sàng bước vào những cuộc chơi mới trên thương trường với tâm thế của một "lính mới", dám thử và dám sai để đi tìm cái đúng trong hành trình khởi nghiệp gian nan.
Khi phụ nữ làm chủ 2024 là chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất với sự đồng hành của hai nhãn hàng Sunlight và Lifebuoy với mục tiêu khuyến khích tinh thần khỏi nghiệp của các chị em trên mọi miền đất nước qua thông điệp "Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế". Chương trình còn có sự phối hợp của Trung Ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Khán giả có thể xem lại chương trình trên ứng dụng VTVGO hoặc Youtube VTV Shows.