(Tổ Quốc) - "Họ vẫn đang giữ của mình tiền hàng đợt 1, tiền hàng đợt 2, toàn bộ hàng hóa của đợt 2, với số tiền mà đối với thương hiệu của mình là lớn. Nhưng ngay khi Tết vừa kết thúc, trang TMĐT đó thông báo phá sản. Đáng nói, thông báo ấy không phải do họ gửi email cho đối tác mà là được đăng tải trên khắp các trang báo", Ngọc Mai (Sue) - cô chủ của thương hiệu thời trang Caffeine Studio - chia sẻ.
Tốt nghiệp khoa tiếng Trung, trải nghiệm từ nghề phiên dịch, dẫn tour đến trợ lý giám đốc, Ngọc Mai (Sue) quyết định rẽ ngang sang ngành thời trang, trở thành stylish và mở thương hiệu riêng ở tuổi 23. Với cô, những bài học "vỡ lòng" thời mới khởi nghiệp, dù nhỏ nhưng đều mang nhiều giá trị và ý nghĩa.
Thời trang tự thiết kế đang trở thành xu hướng được người tiêu dùng ưa chuộng. Mức giá nhỉnh hơn so với sản phẩm phổ thông nhưng thấp hơn các hãng thời trang nhanh như Zara, H&M, cùng việc được thiết kế và sản xuất số lượng có hạn, đây được coi là lựa chọn vừa túi tiền với người tiêu dùng có mức thu nhập khá trở lên.
Tuy ngày càng xuất hiện nhiều "local brand" nhưng cũng như việc kinh doanh trong bất kỳ ngành nghề nào, việc xây dựng được một thương hiệu có chỗ đứng nhất định trên thị trường không hề dễ dàng.
Với Nguyễn Ngọc Mai – cô chủ của thương hiệu thời trang Caffeine Studio, những bài học "vỡ lòng" thời mới khởi nghiệp luôn sâu sắc và có giá trị. Tốt nghiệp khoa tiếng Trung (Đại học Hà Nội), trải nghiệm từ nghề phiên dịch, dẫn tour đến trợ lý giám đốc, Ngọc Mai (Sue) quyết định rẽ ngang sang ngành thời trang, trở thành stylish và mở thương hiệu riêng ở tuổi 23.
Dưới đây là vài bài học "vỡ lòng" được cô chủ nhỏ sinh năm 1994 đúc rút được sau vài năm mở thương hiệu riêng.
Chuyện đi chợ: Phải "thần thái" để không bị "chặt chém"
Là một thương hiệu tự thiết kế, ngoài mẫu mã, chất liệu vải cũng vô cùng quan trọng. Những ngày đầu "ngu ngơ" đi chọn nguyên liệu, Ngọc Mai đã nhận ngay bài học nhớ đời.
"Do không có kinh nghiệm và chưa chọn được nhà cung cấp tin cậy, mình đi đến tận nơi để chọn vải. Lúc ấy không kiểm tra mà chỉ xem ở ngoài thôi, đến khi tiền trao cháo múc, đem về thì thấy những lô vải bị dính bẩn không thể giặt sạch. Thợ của mình lại cắt nhầm, khiến hàng không thể đổi trả.
Rồi có những lúc họ ghi cây vải dài 100 mét nhưng về đến nơi, thợ của mình đo lại chỉ 95 – 96 mét. Phần bị mất dù không nhiều, nhưng cho thấy rằng nếu không có kinh nghiệm và lơ ngơ, người ta sẽ có cơ hội gian trá."
Nguyễn Ngọc Mai - Founder Caffeine Studio.
Sau một vài lần, Mai rút ra kinh nghiệm sâu sắc: "Khi đi chợ, phải thể hiện một phong thái khác bình thường. Hồi đầu lơ ngơ hỏi "Chị ơi vải này bao nhiêu tiền?", "Em mua lẻ có bán không?" thì họ biết mình non nớt nhưng giờ thì không. Khuôn mặt phải ra dáng đi chợ, là người có kinh nghiệm, câu hỏi sẽ đổi thành "Chị ơi vải này bán như thế nào?", "Em lấy mấy mét làm mẫu đã, nếu được em sẽ gọi hàng."
Chỉ cần thay đổi một chút trong từ ngữ và thần thái, đối phương sẽ nhìn bạn với thái độ khác và câu chuyện cũng có thể sẽ khác hẳn.
Thiết kế cửa hàng ra sao?
Những hạng mục nào cần quan tâm khi thiết kế một cửa hàng quần áo, làm thế nào để tiết kiệm chi phí?
Theo Ngọc Mai, với một cửa hàng thời trang, "window show" là yếu tố quan trọng bậc nhất. Do đó, cửa ra vào nên được làm bằng kính tòan bộ, vừa tạo cảm giác sang trọng, vừa giúp khách hàng từ bên ngoài có thể nhìn vào dễ dàng.
Tiếp đến là trần, tường, sàn. Để tiết kiệm chi phí nhất, bạn có thể ốp sàn gỗ công nghiệp, mức giá tầm trung, khấu hao 3 năm vẫn rất ổn định. Trần nhà nên được ốp thạch cao, lắp hệ thống đèn tạo hiệu ứng ánh sáng tốt. Ánh sáng ảnh hướng trực tiếp đến trải nghiệm và quyết định mua của khách hàng.
Về việc bố trí không gian treo đồ, để tạo sự thông thoáng và thanh lịch, nên đặt những giá treo sát tường, mật độ không quá dày. Trong khi đó, với một cửa hàng nhỏ trên dưới 30m2, khoảng trống ở trung tâm chỉ đặt một bàn, có thể trưng bày hoa hoặc kết hợp bán trang sức, nến thơm,… với thương hiệu khác.
Kinh doanh là phải rủi ro
Dù bạn đã khôn ngoan hay nhiều kinh nghiệm chinh chiến, những rủi ro trong kinh doanh vẫn thường trực và khó tránh khỏi. Ngọc Mai kể lại một sự cố mới xảy ra với cô và nhiều đối tác cùng ngành khác.
"Gần đây mình kết hợp với một kênh thương mại điện tử về thời trang khá lớn nhưng không tiện nói tên. Họ sẽ lấy hàng của những đơn vị độc quyền rồi bán với giá sale trong một khoảng thời gian rất ngắn, để khách mua được với giá hời.
Sau một thời gian tìm hiểu, thấy đây là một thương hiệu đã hoạt động ở Việt Nam 5 – 6 năm, có uy tín nên khi họ ngỏ lời mời, mình đồng ý hợp tác, có hợp đồng tử tế."
Mai cho biết đã gửi hai đợt hàng đến đơn vị này. Lần đầu tiên suôn sẻ, doanh thu khá lớn, số hàng thừa cũng được trang thương mại điện tử gửi về cẩn thận, chuyên nghiệp.
Lần hợp tác thứ hai, vào đúng Tết nguyên đán 2020. "Đến 28 Tết, nhân viên phụ trách làm việc với mình ở công ty đó gửi email thông báo hiện đã không còn làm việc tại đây, nếu cần hãy liên hệ tới số hotline.
Thời điểm ấy họ vẫn đang giữ của mình tiền hàng đợt 1, tiền hàng đợt 2, toàn bộ hàng hóa của đợt 2, với số tiền mà đối với thương hiệu của mình là lớn. Tuy nhiên, sự việc diễn ra đúng vào dịp Tết nguyên đán nên mình nghĩ mọi người cần nghỉ ngơi và quyết định nghỉ lễ xong mới liên hệ để lấy tiền.
Nhưng ngay khi Tết vừa kết thúc, trang thương mại điện tử đó thông báo phá sản. Đáng nói, thông báo ấy không phải do họ gửi email cho đối tác mà là được đăng tải trên khắp các trang báo. Họ không có lời bàn giao hay xin lỗi đối tác, thậm chí còn giam giữ tiền của khách hàng. Tất cả không một ai liên lạc được với trang thương mại điện tử đó."
Hiện cô cũng như các thương hiệu khác vẫn chưa liên lạc được với họ. Dù không tiết lộ chính xác nhưng những thông tin trên khá tương tự và khiến ta liên tưởng tới những ồn ào của Leflair thời gian gần đây.
Dẫu vậy, những khó khăn này là một phần của kinh doanh. Nếu không gặp khó khăn thì không còn là kinh doanh nữa rồi. Khi yêu thích điều gì, bạn hãy quyết liệt làm ngay đi, đẩy chính mình vào áp lực. Lúc ấy, chúng ta sẽ tự sản sinh ra sức mạnh để vượt qua, cô chủ Caffeine Studio bày tỏ.
T.D