Bạn sẽ đạt được gì nếu có được bốn thói quen tốt mỗi năm?

(Tổ Quốc) - Người thành lập công ty dầu mỏ Getty Oil, nhà từ thiện và được coi là người giàu nhất thế giới vào cuối thập niên 1950, J. Paul Getty từng nhấn mạnh tầm quan trọng của thói quen như sau: Những người muốn vươn tới đỉnh cao trong kinh doanh thì phải biết đánh giá đúng sức mạnh của thói quen. Anh ta phải nhanh chóng từ bỏ những thói quen cản bước con đường sự nghiệp của mình và phát triển những thói quen có thể giúp mình đạt tới thành công mong muốn.

Các nhà tâm lý chỉ ra rằng, 90% hành động của chúng ta là dựa theo thói quen. Từ lúc thức dậy vào buổi sáng tới lúc lên giường đi ngủ vào buổi tối, chúng ta thực hiện hàng trăm công việc giống nhau hàng ngày như: tắm giặt, ăn mặc, ăn sáng, đọc báo, đánh răng, lái xe đi làm, sắp xếp bàn làm việc, mua sắm và lau dọn nhà. Qua nhiều năm, bạn đã hình thành cho mình một loạt các thói quen cố định. Những thói quen này quyết định mặt tốt, xấu của mọi lĩnh vực trong cuộc sống: công việc, thu nhập, sức khỏe hay các mối quan hệ.

Tin tốt là các thói quen này có thể giúp tâm trí bạn được giải phóng bởi cơ thể đã được "lập trình"  sẵn. Điều này cho phép bạn vừa tắm, vừa lập kế hoạch cho ngày hôm đó hay có thể vừa nói chuyện  với người ngồi cùng khi đang lái xe. Nhưng nhược điểm của thói quen chính là việc bạn sẽ rập khuôn hành động một cách vô thức. Việc này có thể ngăn cản sự phát triển cũng như hạn chế thành công của bạn.

Thói quen nào cũng sẽ tạo ra những kết quả tương ứng. Chắc chắn rằng nếu bạn muốn đạt tới những thành công lớn hơn nữa, bạn phải từ bỏ một số thói quen xấu (như là không gọi điện lại, thức muộn xem ti vi, hay mỉa mai, dùng đồ ăn nhanh mỗi ngày, hút thuốc, đến hẹn muộn, hay chi tiêu vượt quá thu nhập) và thay vào đó là những thói quen tốt (gọi lại trong vòng 24 giờ các cuộc gọi lỡ, ngủ đủ tám tiếng mỗi ngày, đọc sách mỗi ngày một giờ, tập thể dục bốn lần một ngày, ăn thức ăn tốt cho sức khỏe, luôn đúng giờ và tiết kiệm 10% thu nhập.)

Dù xấu hay tốt thì thói quen cũng luôn đưa đến kết quả

Thói quen sẽ quyết định sự thành bại của bạn. Không thể có những người tự nhiên đạt tới đỉnh cao. Để thành công, chúng ta phải hành động tập trung, có kỉ luật cá nhân và rất nhiều điều kiện khác. Những thói quen bạn hình thành từ ngày hôm nay quyết định tương lai của bạn sẽ như thế nào.

Một vấn đề dành cho những người có những thói quen xấu đó là hậu quả của những thói quen này sẽ chỉ xuất hiện ở nửa sau của cuộc đời họ. Khi trong bạn tồn tại một thói quen xấu cố hữu, cuối cùng bạn cũng sẽ đón nhận hậu quả từ cuộc sống. Sự thực là nếu bạn làm mọi việc theo một cách rập khuôn, bạn sẽ luôn chỉ nhận được các kết quả có thể đoán trước được. Thói quen tiêu cực sinh ra kết quả tiêu cực. Thói quen tích cực tạo nên kết quả tích cực.

Có hai bước hành động cần thiết để thay đổi thói quen của bạn: Đầu tiên là lập một danh sách các thói quen khiến bạn làm việc không hiệu quả hay có thể gây ra các tác động xấu tới tương lai của bạn. Hãy yêu cầu người khác chỉ ra và nhận xét khách quan về những thói quen hạn chế của mình. Tìm ra những tấm gương cho mình. Đồng thời, hãy theo dõi danh sách những thói quen có thể hạn chế thành công thường gặp dưới đây:

- Hay trì hoãn công việc

- Thanh toán các hóa đơn vào ngày đáo hạn

- Gửi các tài liệu hoặc cung cấp các dịch vụ không đúng hẹn

- Thanh toán giấy báo thu muộn

- Đến họp hoặc đến hẹn không đúng giờ

- Quên tên một người chỉ vài giây sau khi nghe giới thiệu

- Nhận xét quá nhiều về người khác mà không chịu lắng nghe

- Trả lời điện thoại công việc trong lúc đang dành thời gian cho gia đình hoặc vợ chồng

- Dùng nhiều hơn một hòm thư

- Đi làm muộn

- Đi làm thêm giờ mà không dành thời gian cho con cái

- Dùng đồ ăn nhanh nhiều hơn hai bữa trong một tuần

Sau khi tìm được các thói quen xấu của mình, bước thứ hai bạn cần làm là chọn ra các thói quen tốt hơn, hiệu quả hơn và những kế hoạch để phát triển chúng thay thế cho những thói quen tiêu cực kia.

Ví dụ, nếu bạn muốn tập thể dục vào mỗi sáng, bạn cần phải đi ngủ sớm hơn một tiếng vào tối hôm trước và đặt đồng hồ dậy sớm. Nếu bạn là nhân viên kinh doanh, có thể bạn nên lập một danh sách các hoạt động để tất cả các khách hàng của bạn có thể nhận được những thông tin như nhau.

Có thể bạn muốn hình thành thói quen hoàn thành mọi công việc vào trước thứ Bảy để dành hai ngày cuối tuần cho gia đình. Đó là một thói quen tuyệt vời. Nhưng bạn cần phải làm gì để hình thành thói quen này? Bạn sẽ hành động như thế nào? Làm cách nào để bạn luôn có động lực? Bạn sẽ lập một danh sách các công việc cần phải hoàn thành trước chiều thứ Sáu để thực hiện chúng đúng hạn chứ? Bạn sẽ nói chuyện ít hơn với các đồng nghiệp mỗi lần đi uống nước chứ? Bạn có gửi các tài liệu người khác cần bằng e-mail khi đang nói chuyện với họ không? Bạn sẽ dành ít thời gian ăn trưa hơn chứ?

Bạn sẽ đạt được gì nếu có được bốn thói quen tốt mỗi năm? - Ảnh 1.

Bạn sẽ đạt được gì nếu có được bốn thói quen mới mỗi năm?

Nếu bạn sử dụng chiến lược hình thành bốn thói quen mới mỗi năm, sau năm năm, bạn sẽ có được 20 thói quen tốt. 20 thói quen này có thể giúp số tiền của bạn kiếm được nhiều hơn, các mối quan hệ tốt đẹp, sức khỏe tốt, cơ thể cường tráng và rất nhiều cơ hội mới.

Hãy bắt đầu bằng cách lập ra bốn thói quen bạn muốn có trong năm sau. Hành động theo mỗi thói quen này trong vòng một quý. Nếu bạn siêng năng thực hành từng thói quen trong vòng 13 tuần, bạn sẽ không bị rối lên bởi danh sách "giải pháp của năm mới" mà mình vừa lập. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu bạn lặp lại một hành động trong vòng 13 tuần - dù là suy ngẫm 20 phút mỗi ngày, xem lại mục tiêu, viết thư cám ơn cho khách hàng - thì nó sẽ trở thành thói quen của bạn. Bằng cách hình thành một cách hệ thống từng thói quen, bạn sẽ nhanh chóng cải thiện được cách sống của mình.

Sau đây là hai gợi ý giúp thực hiện các thói quen mới. Tạo ra các dấu hiệu có thể nhắc nhở bạn thực hiện các thói quen này. Ví dụ bạn quyết định sẽ hình thành thói quen mà tất cả các Bác sĩ đều khuyên: uống 10 cốc nước mỗi ngày (khoảng 2,2 lít). Hãy viết các mảnh giấy ghi "uống nước" và dán chúng lên điện thoại, cửa văn phòng, gương trong phòng tắm, tủ lạnh. Bạn cũng có thể nhờ ai đó nhắc mình uống nước sau mỗi tiếng. 

Một kỹ năng hiệu quả khác là rủ một người cùng thực hiện, chấm điểm (nguyên tắc 21) và giữ bảng điểm của nhau. Mỗi tuần hãy đem hai bảng điểm này ra kiểm tra để biết xem bạn có thực hiện đúng mọi việc không.

TN

Tin mới