(Tổ Quốc) - Tính đến cuối tháng 12/2022, cả nước đã chi 511,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 85,2% kế hoạch cả năm.
Báo cáo chiến lược 2023 của Chứng khoán ACB (ACBS) mới đây công bố cho biết, Việt Nam đã phân bổ 580,3 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công trong năm 2022. Tính đến cuối tháng 12/2022, cả nước đã chi 511,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 85,2% kế hoạch cả năm.
"Chúng tôi kỳ vọng phần còn lại sẽ được chi vào năm 2023, ngoài ra Chính phủ còn đề ra mục tiêu chi thêm 650-700 nghìn tỷ đồng cho năm 2023", công ty này nhân định.
Theo Trung tâm Cơ sở hạ tầng Toàn cầu, Việt Nam sẽ cần trung bình 25 tỷ USD trong 20 năm tới, tập trung vào lĩnh vực năng lượng (44%), đường bộ (22%) và viễn thông (16%). Việc nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp FDI hơn.
Cả nước hiện có 1.290 km đường cao tốc và đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 5.000 km và đến năm 2050 là 9.000 km. Dự án lớn nhất là 723 km đường cao tốc Bắc - Nam chia thành 12 tiểu dự án trên cả nước, với tổng chi phí dự kiến là 147 nghìn tỷ đồng và sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Cảng và cảng biển là một động lực khác để thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam. Cả nước hiện có 251 bến cảng và 45 cảng biển với công suất thông qua 543,7 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới của Tạp chí hàng hải Lloyd's List (Anh) công bố mới đây, Việt Nam có 3 cảng ở trong danh sách này, đó là cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) và cảng Cái Mép.
Cảng Sài Gòn xếp thứ 22 với sản lượng thông qua là 7,9 triệu Teus trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 1,3% so với năm 2020. Cảng biển Hải Phòng giữ vị trí thứ 28, có sản lượng hàng năm 2021 đạt 5,69 triệu Teus, tăng trưởng khoảng 10,8% so với năm đại dịch 2020, tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hóa của cảng biển Hải Phòng năm 2021 đã tăng gấp đôi so với năm 2012.
Cảng biển Cái Mép ở vị trí thứ 32, có lượng hàng thông qua đạt 5,38 triệu Teus vào năm 2021. Cảng Cái Mép đã tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng chỉ trong vòng 1 năm. Cảng biển này được nhận định là điểm sáng tại khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng sau đại dịch khoảng 22%.
Trong khi đầu tư công dự kiến tăng thì vốn FDI đăng ký lại dự báo chậm lại. Tổng vốn FDI giải ngân tại Việt Nam năm 2022 đạt 22,4 tỷ USD (13,5%), chiếm 34% vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện (1.562,3 nghìn tỷ đồng ~ 66,5 tỷ USD) và chiếm 9,5% GDP của Việt Nam. Khu vực FDI đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Năm 2022, nhập khẩu của khu vực FDI chiếm 65,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, trong khi xuất khẩu của khu vực FDI chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đóng góp 41,8 tỷ USD thặng dư thương mại cho Việt Nam trong khi các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 30,8 tỷ USD.
Mặc dù vốn FDI giải ngân tăng, nhưng tổng vốn FDI đăng ký năm 2022 đã giảm 11,0% xuống còn 27,7 tỷ USD với 2.036 dự án (17,1% ), cho thấy các dự án với quy mô nhỏ hơn sẽ đến Việt Nam.
Một số các dự án quy mô lớn đến Việt Nam trong năm 2022 là dự án Lego trị giá 1 tỷ USD, Samsung Electro-Mechanics ở Thái Nguyên (920 triệu USD), Goertek Vina ở Nghệ An (452 triệu USD).
Chứng khoán ACB nhận định: "Chúng tôi tin rằng những vấn đề đó có thể được cải thiện từ nửa cuối năm 2023 trở đi, tạo điều kiện kinh doanh tốt hơn cho dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam".
Pha Lê