Bất chấp ngành du lịch ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, Vntrip bất ngờ gọi vốn thành công 7 triệu USD

(Tổ Quốc) - Thông tin từ Tech in Asia cho biết, công ty du lịch trực tuyến Vntrip vừa huy động thành công thêm 7 triệu USD trong vòng gọi vốn series B của mình.

Theo tiết lộ của nhà đồng sáng lập kiêm CEO Lê Đắc Lâm, vòng gọi vốn này được dẫn đầu bởi một nhà  đầu tư cùng ngành bên cạnh một số nhà đầu tư hiện tại, diễn ra trong thời điểm khó khăn đối với ngành du lịch khi thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19.

Nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết nhà đầu tư lần này rót vốn vào Vntrip là phó chủ tịch tập đoàn Ctrip- Fan Min. Ctrip là một trong những "ông trùm" trong thị trường du lịch trực tuyến toàn cầu. 

So với lần gọi vốn trước đó với số vốn huy động với mức định giá 45 triệu USD từ nhà đầu tư Thụy Sỹ IHAG Holding, lần thứ tư này của Vntrip có phần khiêm tốn. Tuy nhiên số vốn kêu gọi được lần này vô cùng quan trọng giúp một công ty về du lịch trực tuyến vượt qua khủng hoảng nặng nề thời kỳ dịch.

Theo ước tính của Tổng cục du lịch, lượng du lịch quốc tế tại Việt Nam đã giảm 99% trong tháng 9 năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay từ tháng 2, nhiều số liệu từ truyền thông cho biết dịch Covid-19 có thể quét sạch doanh thu lên tới 7,7 tỷ USD  của ngành du lịch Việt Nam.

Được thành lập vào năm 2014, Vntrip tập trung mạnh vào về du lịch nội địa. Đây là mảng thị trường đã có sự phục hồi mạnh mẽ nhờ vào việc Việt Nam ứng phó và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong thời gian qua. Theo đó trong hơn 50 ngày qua tại Việt Nam không ghi nhận trường hợp lây nhiễm nào trong cộng đồng.

Bất chấp ngành du lịch ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, Vntrip bất ngờ gọi vốn thành công 7 triệu USD - Ảnh 1.

"Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã cho phép chúng tôi tập trung vào những thế mạnh và tối ưu hóa hoạt động của mình theo cách sẽ củng cố vị thế của công ty, hướng tới tăng trưởng bền vững với mục tiêu lợi nhuận rõ ràng", CEO Lê Đắc Lâm cho biết.

Để bảo vệ công ty, khách hàng của mình Vntrip liên tục nghiên cứu, thay đổi chiến lược, cách thức kinh doanh phù hợp trong đó chú trọng nhất là đảm bảo du lịch an toàn, hỗ trợ khách hàng đã đặt phòng vé được hoàn hủy, bảo lưu.

Ngoài ra khi dịch cơ bản được khống chế, nhu cầu du lịch bắt đầu phục hồi cùng với phong trào kêu gọi "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" của Tổng cục du lịch. Vntrip đã tung ra nhiều sản phẩm kích cầu du lịch nội địa để hỗ trợ khách hàng có nhu cầu du lịch với chi phí thấp nhất và an toàn. Điều này đã thu hút được rất nhiều khách hàng tham gia và góp phần phục hồi cho ngành du lịch nội địa, một trong số đó là Combo du lịch đồng giá.

Ông Lâm cũng tiết lộ thêm hiện Vntrip tập trung mạnh vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp (B2B), cho phép các công ty và nhân viên "thực hiện tất cả những kế hoạch du lịch thông qua ứng dụng của Vntrip mà không gặp rắc rối về thủ tục giấy tờ và các bước phê duyệt".

Với vòng này, Vntrip được cho là đã huy động được tổng cộng 20 triệu USD từ các nhà đầu tư đã được tiết lộ tính đến thời điểm hiện tại. Các nhà đầu tư đã tham gia các vòng gọi vốn  trước bao gồm John Wu, cựu giám đốc công nghệ của Alibaba Group, quỹ đầu tư Hendale Capital có trụ sở tại Hồng Kông, quỹ đầu tư Thụy Sĩ IHAG Holding, cùng những nhà đầu tư khác.

Scott Hancock, giám đốc điều hành của Deep Sky Capital, một trong những nhà đầu tư hiện tại của Vntrip, cho biết: "Đại dịch buộc đội ngũ quản lý của Vntrip phải đại tu mô hình kinh doanh của mình và đổi mới theo những cách thức mang lại kết quả bền vững và có tỷ suất lợi nhuận cao hơn."

Vntrip được cho là đã nhận được một số lời đề nghị mua lại trước đại dịch, nhưng CEO Lê Đắc Lâm cho biết công ty khởi nghiệp này đang hướng tới mục tiêu đạt lợi nhuận vào năm 2021 và có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Vào năm 2018, Vntrip tiến hành sáp nhập Atadi.vn, một startup sở hữu nền tảng cho phép người dùng tìm kiếm và đặt vé máy bay giá rẻ.

Tech in Asia cho biết thêm ngành du lịch một số nước Đông Nam Á đã có dấu hiệu tích cực trở lại khi kỳ lân du lịch Indonesia Traveloka cũng cho biết gần đây số lượng giao dịch của họ ở Việt Nam và Thái Lan đã đạt gần 100% mức trước Covid-19.

Thảo Nguyên

Tin Cùng Chuyên Mục
Hợp tác SunValue với UEH-CELG: Bước ngoặt ngành thẩm định giá Việt Nam

Hợp tác SunValue với UEH-CELG: Bước ngoặt ngành thẩm định giá Việt Nam

Sự hợp tác giữa Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước (UEH - CELG) với Viện Kinh tế - Công nghệ và Tập đoàn Thẩm định giá SunValue sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho hoạt động nghiên cứu, tăng trưởng và phát triển thị trường bất động sản, thẩm định giá tại Việt Nam và quốc tế.
Tin mới