Bất động sản Bình Phước lên ngôi theo loạt dự án hạ tầng tỷ USD

(Tổ Quốc) - Dòng vốn lớn đổ vào xây dựng cơ sở hạ tầng lên tới gần 40.000 tỷ đồng là động thái lớn nhất cho thấy quyết tâm của các cấp chính quyền Tỉnh Bình Phước và Chính phủ trong việc thay đổi bộ mặt của Tỉnh, phấn đấu đưa Bình Phước trở thành "thủ phủ công nghiệp ".

Trong quý I/2021, Bình Phước thu hút được 24 dự án từ nhà đầu tư ngoại với số vốn đăng ký 325,72 triệu USD, tăng 71,4% số dự án và tăng 671,8% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. Phấn đấu trở thành "thủ phủ công nghiệp", chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng giao thông và công nghiệp.

Gần 40.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2025

Nhằm mở đường cho phát triển công nghiệp, tháng 3 vừa qua, Bình Phước và Bình Dương đã thống nhất chủ trương triển khai tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành với số vốn dự kiến 36 nghìn tỷ đồng. Tuyến đường có chiều dài 69 km, trong đó đoạn đi qua TP.HCM dài khoảng 2 km, tỉnh Bình Dương khoảng 60 km và tỉnh Bình Phước 7 km.

Bình Phước cũng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến cao tốc Bình Dương - Đồng Phú. Dự án với tổng chiều dài 41,3 km, được chia làm hai giai đoạn. Riêng số vốn đầu tư cho giai đoạn đầu 1.480 tỷ đồng. Tuyến đường được coi như "trục xương sống" của Đồng Phú, kết nối một trong ba đỉnh của tam giác kinh tế của Bình Phước với các địa phương trong khu vực.

Cùng với tuyến cao tốc Bình Dương - Đồng Phú, huyện đầu tư triển khai 5 tuyến đường Tạo Lực trọng điểm với lộ giới từ 32- 42m giúp kết nối các khu công nghiệp và dân cư trong vùng gồm: Tuyến số 1 nối từ ĐT741 với đường Đồng Phú - Bình Dương dài 5,6km; tuyến số 2 nối từ ĐT741 với đường Đồng Phú - Bình Dương dài 4,2km; tuyến số 3 nối từ ĐT741 với đường Đồng Phú - Bình Dương dài 6,1km, tuyến số 4 nối từ ĐT741 với đường Đồng Phú - Bình Dương dài 8,2km và tuyến số 5 nối từ ĐT741 với đường Nông trường cao su Tân Lập dài 0,5km.

Bên cạnh các dự án trọng điểm, chính quyền Bình Phước cũng có kế hoạch đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông khác như nâng cấp DT741 đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh; khởi công tuyến đường gần 1.000 tỷ đồng nối Quốc lộ 13 với cửa khẩu Hoa Lư, nâng cấp tuyến đường ÐT 753 kết nối Bình Phước với sân bay Long Thành; xây dựng cầu Mã Đà kết nối Bình Phước với Đồng Nai.

Công nghiệp Bình Phước cất cánh

Hạ tầng công nghiệp tại Bình Phước đang phát triển với tốc độ vũ bão và được xây dựng theo hướng bền vững. Trực tiếp hưởng lợi lớn từ chính sách đầu tư hạ tầng, Các Khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bản toàn tỉnh đã tận dụng rất tốt sự thuận lợi này để thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp.Bình Phước hiện có 14 KCN và 1 Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với tổng diện tích 4.679 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Chơn Thành, Đồng Phú và thành phố Đồng Xoài. Tính đến nay, các KCN đã thu hút được 295 dự án đầu tư, trong đó 201 dự án có vốn FDI, 95 dự án của nhà đầu tư trong nước.

Trong giai đoạn 2020-2025, Tỉnh Bình Phước và Chính Phủ đã phê duyệt bổ sung quy hoạch thêm gần 10.000 ha đất Khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Thúc đẩy nhanh quá trình biến Tỉnh Bình Phước thành Tỉnh trọng điểm về công nghiệp trong bản đồ công nghiệp Việt Nam.

Bất động sản Bình Phước lên ngôi theo loạt dự án hạ tầng tỷ USD - Ảnh 1.

Khởi công xây dựng tuyến đường Tạo Lực 4 – Huyện Đồng Phú

Các nhà đầu tư nước ngoài khi đến đầu tư tại Bình Phước đều đánh giá cao các yếu tố: sự hỗ trợ của chính quyền, hạ tầng cơ sở giao thông và công nghiệp tại địa phương. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Phước năm 2020, lãnh đạo Tổ hợp nhà máy CPV Food thuộc Tập đoàn CP (Thái Lan) và nhà máy sản xuất khăn giấy Tập đoàn Hayat (Thổ Nhĩ Kỳ) đều cho rằng lựa chọn Bình Phước để đặt cơ sở sản xuất là một quyết định đúng đắn. Bởi nơi đây, hội tụ đủ các yếu tố hỗ trợ phát triển kinh tế.

Doanh nghiệp góp phần thay đổi diện mạo "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương đã rót hàng ngàn tỷ đồng xây dựng hai KCN tại Bình Phước. Đầu tiên là dự án Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước tại huyện Chơn Thành tỉnh Bình Phước có vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng. Dự án có diện tích 4,600 ha, trong đó khoảng 2,400 ha đất phát triển công nghiệp và 2,200 ha đất dịch vụ và đô thị. Năm 2020, Bình Phước và Becamex IDC tiếp tục ký kết thoả thuận chiến lược về dựng khu công nghiệp Đồng Phú diện tích 6.300 ha theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

Không dừng ở đó, Bình Phước đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương mở rộng các KCN như Minh Hưng III (577 ha), Bắc Ðồng Phú (317 ha), Nam Ðồng Phú (480 ha), Minh Hưng - Sikico (1.000 ha).

" Đại bàng " về làm tổ - thu hút các ông lớn

Nhìn vào bức tranh kinh tế - xã hội của Bình Phước có thể thấy địa phương này đang thay da đổi thịt từng ngày với loạt dự án giao thông, công nghiệp tỷ đô. Chính điều này đã thu hút hàng loạt những nhà đầu tư BĐS có tên tuổi trên thị trường đến với Bình Phước như Vingroup, Đại Nam, Becamex, FLC, Đất Xanh, Cát Tường Group…

Các chuyên gia BĐS đánh giá hiện nay đang có sự dịch chuyển lượng người quan tâm các sản phẩm căn hộ, đất nền từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…. sang Bình Phước. Đây là một trong những cơ hội cho các nhà đầu tư đi trước đón đầu, biết nắm bắt cơ hội.

Bất động sản Bình Phước lên ngôi theo loạt dự án hạ tầng tỷ USD - Ảnh 2.

Đời sống xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống ổn định và có nhiều cơ hội phát triển, lực lượng lao động nước ngoài và ngoại tỉnh sẽ chọn Bình Phước là nơi "an cư" lạc nghiệp. Giá BĐS tại tam giác kinh tế Chơn Thành, Đồng Phú, Đồng Xoài - nơi tập trung nhiều KCN chắc chắn sẽ nóng lên theo thời gian.

Nhìn nhận thực tế từ thị trường, địa phương nào tập trung nhiều KCN được định hướng phát triển bền vững, giá đất nền sẽ vượt trội hơn hẳn các khu vực khác. Đồng Phú được xem là khu vực tiếp theo của Bình Phước tăng sức nóng giá BĐS. Với dự án "siêu KCN" do Becamex IDC đầu tư cùng hàng loạt tuyến đường đang được đẩy mạnh triển khai, nơi đây sẽ trở thành điểm đến an cư lý tưởng của hàng ngàn người lao động kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng cao.

Ánh Dương

Tin mới