(Tổ Quốc) - Theo một chuyên gia Bất động sản nhận định, ở Việt Nam, các nhà đầu tư dài hạn đều muốn “tiền đẻ ra tiền” bằng việc sở hữu bất động sản. Tuy vậy, phải hiểu rõ thị trường và am hiểu sản phẩm đầu tư mới có thể thành công.
Chọn đúng phân khúc để "tiền đẻ ra tiền"?
Trước dịch Covid-19, thị trường BĐS Việt Nam đang phát triển và bước vào giai đoạn ổn định. Đặc biệt, đất nền – phân khúc đầu tư ngắn hạn được giới đầu tư ưa chuộng bởi khả năng có thể sinh lợi lớn trong thời gian ngắn hạn. Mặc dù còn tồn tại những rủi ro lớn nhưng đây vẫn được coi là kênh đầu tư được giới đầu cơ cực kỳ yêu thích.
Khi dịch Covid-19 xuất hiện, phân khúc thị trường đất nền được coi là phân khúc có ảnh hưởng nặng nề. Trước bối cảnh đó, cũng có nhiều nhà đầu tư hoang mang. Lúc này, giới địa ốc bắt đầu chuyển hướng tìm kênh đầu tư có thể đảm bảo được độ an toàn cao và đặc biệt là lãi vốn. Thị trường bất động sản trung hạn, dài hạn chính là đích đến.
Nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn giờ đây có xu hướng ưu tiên sản phẩm đáp ứng 2 tiêu chí trong 1: vừa có triển vọng sinh lời bền vững vừa có giá trị kinh doanh thương mại. Điển hình cho mô hình này là Bất động sản thương mại như Nhà phố và Biệt thự Thương mại – một trong những kênh đầu tư đường dài với khả năng sinh lời bền vững từ hoạt động tự kinh doanh, cho thuê mặt bằng… và luôn giữ được tiềm năng tăng giá mặc cho sự biến động của thị trường.
Theo số liệu Báo cáo thị trường BĐS quý III/2021 từ Savills, trong khi giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 4.853 USD/m² trên diện tích đất giảm -1% theo quý và -2% theo năm thì giá nhà liền kề đạt 5.541 USD/m² tăng 7% theo quý và 20% theo năm. Đặc biệt, giá sản phẩm Nhà phố đạt mức 9.193 USD/m² tăng 13% theo quý và 38% theo năm.
Chuyên gia nhận định, mặc dù hầu hết các chủ đầu tư đều không điều chỉnh giá bán, giá sơ cấp trung bình của các sản phẩm BĐS thương mại (nhà phố và biệt thự thương mại) vẫn gia tăng đáng kể do không có nguồn cung mới cùng giá chào bán thấp tại các quận/huyện nằm ngoài trung tâm. Giá trung bình của các căn đã bán thấp hơn khoảng 15% so với giá trung bình của hàng tồn kho.
Chọn đúng thị trường
Nhìn toàn cảnh thị trường bất động sản Hà Nội, khu Tây nổi bật hơn cả khi trở thành khu vực tăng trưởng chính. Từ cách đây 15 năm, khu vực phía Tây đã được xác định là cực tăng trưởng lớn nhất của Hà Nội. Từ năm 2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, làn sóng nhà đầu tư từ các tỉnh đổ về, khu vực họ nhắm đến đầu tiên là phía Tây bởi nơi đây đang chứng kiến sự bứt tốc mạnh mẽ của hạ tầng giao thông khi hàng loạt công trình, dự án hạ tầng, tiện ích liên tiếp được đầu tư. Cùng với đó, khu Tây cũng trở thành miền đất hứa cho nhà đầu tư khi các thông tin về quy hoạch của khu vực như việc Hoài Đức, Đan Phượng chuẩn bị lên quận.
Cùng với sự phát triển về hạ tầng, giá trị bất động sản tại khu Tây Hà Nội những năm qua ghi nhận mức độ gia tăng ấn tượng. Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho biết đây là lần đầu tiên, khu vực ngoài trung tâm có giá bán cao hơn cả những dự án nằm giữa vành đai 2 và vành đai 3. "Nếu như khoảng 3 năm trước chỉ khoảng 35 – 45 triệu đồng/m2 thì hiện nay đã đạt tới ngưỡng 50 – 60 triệu đồng/m2", bà Hằng nhấn mạnh.
Giá trị BĐS khu Tây Hà Nội ghi nhận mức độ gia tăng ấn tượng đi cùng với sự phát triển hạ tầng
Khu vực phía Tây đã luôn dẫn đầu thị trường biệt thự/liền kề từ Q4/2019, tuy nhiên khu vực này đã mất vị trí dẫn đầu trong quý III do có nguồn cung khá hạn chế do sự siết chặt về pháp lý, cùng với đó tỉ lệ hấp thụ cao tới từ nguồn cung các sản phẩm BĐS thương mại của các dự án Khu đô thị được quy hoạch bài bản, tiêu biểu có thể kể đến dự án Anlac Green Symphony. Dự báo trong quý IV/2021 và năm 2022 sắp tới, Khu vực phía Tây sẽ trở lại mạnh mẽ với nhiều nguồn cung nhất.
Những tín hiệu từ số liệu thị trường cho thấy phân khúc cao cấp tại khu Tây Hà Nội đang trở thành điểm sáng khi có sự bứt tốc mạnh, hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng tốt, vượt qua những tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng như các diễn biến của tình hình kinh tế xã hội năm qua.
Và như Warren Buffett từng nói, nếu bạn tìm thấy một tài sản đạt được cả hai tiêu chí là gia tăng giá trị và tạo ra lợi nhuận, tại sao không giữ nó lại cho mình, thay vì bán đi rồi lại phải tiếp tục tìm kiếm một tài sản khác để đầu tư?
Ánh Dương