4 tháng đầu năm ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan khi lượng căn hộ tung ra thị trường tăng mạnh hơn, thanh khoản tăng dù giá liên tục lập đỉnh mới.
Dòng tiền quay trở lại, thanh khoản cải thiện
Theo báo cáo chỉ số về tâm lý người tiêu dùng bất động sản (CSS) của Batdongsan.com.vn, tâm lý của các bên mua, bán bất động sản không còn quá dè chừng như năm 2023. Chỉ số tâm lý thị trường bất động sản nửa đầu năm 2024 tăng 3 điểm so với nửa cuối năm 2023, nhờ sự cải thiện mức độ hài lòng của người tiêu dùng về tiềm năng tăng giá bất động sản, về lãi suất vay mua nhà và chính sách, tình hình thị trường.
Mức độ quan tâm tìm kiếm bất động sản của người tiêu dùng đã tăng trưởng trở lại trong quý 1/2024, 62% số người tham gia khảo sát sẵn sàng tận dụng cơ hội để mua bất động sản giảm giá hoặc có chính sách tốt.
Thị trường ấm dần lên biểu hiện rõ nhất khi nguồn cung mới tung ra thị trường có sự tăng trưởng đáng kể và tỷ lệ giao dịch ổn định. Tiêu biểu, thị trường Hà Nội vừa chứng kiến cảnh 5.000 người xếp hàng để có thể booking một dự án mới mở bán. Bên cạnh đó, một loạt chủ đầu tư lớn như Vingroup, MIKGroup, Capitaland… bắt đầu tung hàng loạt dự án ra thị trường.
Tại khu vực phía Nam, sau Tết, loạt sản phẩm của các chủ đầu tư như Masterise Homes, Nam Long, Phú Đông… từ TP HCM đến Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An… được tung ra thị trường với thanh khoản cải thiện đáng kể. Theo báo cáo thị trường bất động sản TP HCM và các tỉnh giáp ranh do DKRA Group thực hiện, quý I/2024 trên thị trường phân khúc căn hộ có nguồn cung sơ cấp khoảng 12.967 căn và mức tiêu thụ được khoảng gần 2.000 căn. Với loại hình nhà phố biệt thự, quý I/2024 nguồn cung sơ cấp của TP HCM và các tỉnh lân cận ở mức khoảng 4.345 căn, lượng tiêu thụ trên nguồn cung này tăng 43 %.
Tiện ích dự án Mizuki Park. Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh - Tổng giám đốc Nam Long Group nhận định, đơn vị này sẽ tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm bằng cách tập trung vào tiện ích - dịch vụ và trải nghiệm mua hàng.
Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh - Tổng giám đốc Nam Long Group nhận định, lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam chuyển sang giai đoạn "trưởng thành" hơn, nghĩa là không phát triển ồ ạt nhưng lại có "độ chín" đòi hỏi rất cao sự chỉn chu trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ các chủ đầu tư để đáp ứng đúng nhu cầu thật của thị trường giúp cung - cầu cân đối. Điều này giống như ở Singapore, Mỹ ở Trung Quốc và các nước phát triển khác trước đây.
Trong tương lai, quỹ đất và nguồn cung nhà ở tăng lên sẽ đánh dấu giai đoạn cạnh tranh mới giữa các nhà phát triển bất động sản. Các doanh nghiệp sẽ tìm cách để thu hút người mua nhà bằng cách đa dạng hoá sản phẩm, khi đó các khía cạnh như dịch vụ, trải nghiệm mua hàng và thương hiệu trở nên quan trọng. Với Nam Long Group, thay vì cạnh tranh hoàn toàn về giá, doanh nghiệp nghiệp định hướng tạo ra khác biệt về mặt sản phẩm và dịch vụ, mang đến những phong cách sống dành riêng cho khách hàng của mọi phân khúc mà Nam Long phát triển.
Còn nhiều động lực trong dài hạn
Tín hiệu khả quan đầu năm đang mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới cho thị trường bất động sản. Giới chuyên gia nhận định, kết quả này có được nhờ đòn bẩy tổng lực đến từ nhiều yếu tố như lãi suất giảm, pháp lý thông thoáng và chính sách kích cầu chưa từng có tiền lệ của các chủ đầu tư bất động sản lớn.
Vừa qua, hệ thống ngân hàng liên tục hạ lãi suất huy động về quanh vùng 5%/năm, lãi suất cho vay mua nhà cũng giảm theo chỉ từ 5-10,5%/năm.
Bên cạnh lãi suất vay hấp dẫn, khung pháp lý dành cho thị trường bất động sản cũng đang dần trở nên thông thoáng. Vướng mắc pháp lý được tháo gỡ giúp thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà, khơi thông dòng vốn cũng như tạo hành lang pháp lý để thị trường phát triển.
Diện mạo của dự án Waterpoint (tên thương mại của dự án Khu đô thị mới Vàm cỏ Đông) ở phía Tây TP.HCM do Tập đoàn Nam Long phát triển.
Ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT Nam Long nhận định, cơ hội thị trường đối với các doanh nghiệp bất động sản hiện nay khá tốt. Mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà giảm còn thấp hơn lãi suất trước Covid-19, có thể cạnh tranh với lãi suất các nước trong khu vực. Ông cũng cho biết doanh số pre-sales của Nam Long trong quý 1 đạt khoảng 1.160 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kì năm ngoái chứng tỏ niềm tin của người mua nhà đã quay trở lại.
Một nguyên nhân quan trọng nữa chính là nội tại thị trường vẫn hấp dẫn. Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh đánh giá nền kinh tế Việt Nam khá tiềm năng và lĩnh vực bất động sản tại đây đang ở giai đoạn đầu của tăng trưởng. Chỉ dấu tích cực là tốc độ đô thị hóa tại các thành phố lớn. Tỷ lệ này đạt khoảng 38-40%, tương tự mức ghi nhận ở Trung Quốc vào những năm 2000.
Trong bối cảnh đó, Nam Long định hướng thị trường sản phẩm tập trung trong giai đoạn 2024-2026 là dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và các sản phẩm bất động sản thương mại phục vụ hệ sinh thái khu đô thị tích hợp có sẵn. Dựa trên nền tảng này sẽ bắt đầu nghiên cứu thêm các dòng sản phẩm Bất động sản nhà ở khác phù hợp với thị trường "trưởng thành" trong tương lai. Công ty cũng sẽ tìm kiếm cơ hội ở các hình thái bất động sản khác ngoài nhà ở.