(Tổ Quốc) - Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP. HCM cho biết thêm, hiện nay, nguồn đất sạch, pháp lý rõ ràng tại thành phố được đưa ra bán đấu giá rất ít. Từ năm 2013 đến nay, ngoài khu đất 23 Lê Duẩn thì chỉ có 4 lô đất tại Thủ Thiêm được đưa ra bán đấu giá.
Tại Hội thảo "Đấu giá quyền sử dụng đất: Thực tiễn pháp lý và giải pháp" diễn ra mới đây, các diễn ra tham dự đã nêu thực trạng và có nhiều kiến nghị liên quan đến mô hình đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ).
Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP. HCM cho rằng, đấu giá QSDĐ phải công khai minh bạch, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia đấu giá.
“Nhiệm vụ của chúng tôi khi tổ chức bán đấu giá tài sản là làm sao tạo ra được sân chơi lành mạnh cho các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, làm sao bán được giá cao nhất có thể nhằm tăng nguồn thu cho thành phố”, vị này nói.
Để làm tốt việc này, theo ông Thắng, trong phương án đấu giá không được đưa ra những cản trở cho doanh nghiệp tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, phải phòng ngừa được thông đồng dìm giá giữa các doanh nghiệp, tổ chức và người tham gia đấu giá với nhau.
Sau đấu giá, doanh nghiệp và thành phố cũng mong muốn dự án được triển khai ngay, Doanh nghiệp muốn sớm được chấp thuận chủ trương đầu tư. Sau vụ 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm, thành phố đã cam kết tạo mọi điều kiện nhưng đã có trường hợp đáng tiếc về hai doanh nghiệp hủy hợp đồng trúng đấu giá, bỏ cọc.
Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP. HCM cho biết thêm, hiện nay, nguồn đất sạch, pháp lý rõ ràng tại thành phố được đưa ra bán đấu giá rất ít. Từ năm 2013 đến nay, ngoài khu đất 23 Lê Duẩn thì chỉ có 4 lô đất tại Thủ Thiêm được đưa ra bán đấu giá.
“Như vậy, không đủ cung cho các doanh nghiệp bất động sản tham gia đấu giá. Theo chúng tôi được biết, hiện nay, thủ tục đền bù giải tỏa cũng như thủ tục pháp lý để triển khai một dự án bất động sản rất khó khăn. Do đó, khi có quỹ đất sạch đưa ra đấu giá thì các doanh nghiệp quan tâm rất nhiều vì không phải mất thời gian, chi phí làm thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng”, vị này cho hay.
Ông Thắng cũng kiến nghị nhà đầu tư phải xác định được năng lực tài chính của mình trước khi tham gia đấu giá. Điều này cũng đã có quy định cụ thể. Thứ hai là phải xác định được giá trị của khu đất, bởi khi doanh nghiệp không đủ tài chính mà bỏ cọc, xin gia hạn sẽ làm ảnh hưởng đến thu ngân sách, lãng phí tài nguyên đất đai.
“Tôi cho rằng, các doanh nghiệp không gặp khó trong việc tiếp cận thông tin đấu giá quyền sử dụng đất vì việc này hoàn toàn công khai minh bạch. Tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện đều có quyền đăng ký tham gia đấu giá. Trong trường hợp tổ chức đấu giá cố tình giấu thông tin thì doanh nghiệp có quyền phản ánh, khiếu nại”, ông Thắng nói.
Cũng tại Hội nghị, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, với dòng vốn FDI đang đầu tư vào thị trường Việt Nam thì còn rất nhiều cơ hội cho các khu đất ở Thủ Thiêm. Lịch sử bất động sản ở TP. HCM thường tập trung phân khúc nhà ở nhưng bất động sản là mạch sống của nền kinh tế, đóng góp cho nền kinh tế chung của cả nước.
"Giá đất ở TP. HCM vẫn còn mềm so với thế giới. Tại đây có rất nhiều nguồn vốn FDI, khi doanh nghiệp đầu tư ở Việt Nam, điều chúng tôi cần là một văn phòng với vị trí và quy mô xứng tầm. Quy hoạch và chính sách đóng góp rất lớn trong thu hút đầu tư trong khi hiện nay nguồn cung, tiện ích cung ứng cho doanh nghiệp nước ngoài đang vào Việt Nam không nhiều.
Chúng ta đang có sự e ngại khi nhà đầu tư không thực hiện được dự án khi trúng đấu giá song hiện nay nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam rất dồi dào, nhà đầu tư vài trăm triệu đô, cả tỷ đô cũng nhiều nên việc xác định năng lực tài chính là không khó khăn gì”, bà Trang nhận định.
Theo bà Trang, trong thời gian tới, TP. HCM nên xem xét lại tất cả các khu, lô đất đấu giá, xem lại tổng quan, làm sao để hỗ trợ nhà đầu tư một cách tối ưu, hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài. Như chính phủ Singapore vẫn xây rất nhiều tòa nhà văn phòng để thu hút FDI vào để cạnh tranh với Malaysia. Những khu đất đó thành một điểm thu hút mạnh, từ đó nguồn vốn đầu tư vào Singapore sẽ tốt hơn các nước khác.
Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa qua cho biết, Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn 51 lô đất với diện tích khoảng 79,3 ha đủ điều kiện đấu giá. Trong đó, có 6 lô đất tại khu 2C thuộc khu chức năng số 1, bao gồm hai lô được quy hoạch Trung tâm hội nghị triển lãm và một lô ký hiệu 7.1 được quy hoạch khách sạn nghỉ dưỡng đủ điều kiện có thể đưa ra đấu giá vào đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, thành phố đang chuẩn bị cho phép bán đấu giá 3.790 căn hộ nhà chung cư, có nguồn gốc là nhà tái định cư từ Lô R1 đến R5 tại phường Bình An, liền kề Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ngoài ra cũng có có vài chục dự án nhà ở thương mại của các doanh nghiệp đang chờ thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất.
Minh Tâm