(Tổ Quốc) - Lĩnh vực xây dựng và phát triển bất động sản là một tác nhân lớn đến lượng phát thải CO2 trên toàn cầu. Để hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Việt Nam cần có sự tham gia tích cực và những thay đổi mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Gần đây, Chính phủ Việt Nam ban hành nhiều chiến lược, đề án với mục tiêu phát triển bền vững. Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26) vào tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính mạnh mẽ cam kết Việt Nam sẽ đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050, đồng thời phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đòi hỏi ngành xây dựng và phát triển bất động sản phải có sự thay đổi mạnh mẽ về vấn đề lượng phát thải CO2.
Cách tiếp cận mới mẻ của doanh nghiệp bất động sản ngoại
Việc sản xuất vật liệu xây dựng và quá trình thi công chiếm đến 50% tổng lượng khí phát thải của công trình. Vì vậy, ngành bất động sản và xây dựng cần hạn chế khí thải trong quá trình sản xuất, vận chuyển và thi công thấp nhất có thể.
Ông Angus Liew – TGĐ Gamuda Land (HCMC) nhận định, ngành bất động sản sẽ mang đến những đóng góp đáng kể cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nếu theo đuổi con đường phát triển dự án xanh
Do nhu cầu người Việt Nam đòi hỏi môi trường sống trong lành, bền vững đang lớn dần, các chủ đầu tư trong và ngoài nước thảo luận rất nhiều về kế hoạch xây dựng xanh và phát triển dự án một cách bền vững hơn.
"Có nhiều yếu tố bao hàm trong việc phát triển nên một dự án bất động sản xanh và bền vững thật thụ, bao gồm quy hoạch tổng thể, kiến trúc, tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, công nghệ xử lý chất thải,... và đặc biệt là vật liệu xây dựng cũng như công nghệ công trình. Trọng tâm của việc phát triển dự án xanh là phương pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả, tiến tới trung hòa việc phát sinh rác thải từ dự án ra môi trường ngoài", theo ông Angus Liew.
Phát triển xanh nên là ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp
Vị chuyên gia bất động sản đưa ra ví dụ Gamuda Land cụ thể hóa việc đóng góp cho tăng trưởng xanh bằng phương thức quy hoạch tổng thể dự án bền vững thân thiện với môi trường và ứng dụng mô hình xây dựng tuần hoàn, cân nhắc tất cả tác động trong vòng đời dự án .
Ngoài ra, ông Angus Liew cho biết, Tập đoàn Gamuda Berhad (tập đoàn chủ quản Gamuda Land – một trong những tập đoàn phát triển hạ tầng và bđs hàng đầu Đông Nam Á) đã xây dựng chiến lược "Gamuda Green Plan" – GGP, hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, áp dụng cho các nhóm ngành của tập đoàn trong vòng 5 năm tới, tầm nhìn mở rộng đến năm 2030 và xa hơn.
Đây là định hướng chủ đạo được Gamuda đề ra và áp dụng trong mọi hoạt động kinh doanh, bao gồm bốn trụ cột chính: quy hoạch, thiết kế bền vững và xây dựng tuần hoàn; cộng đồng và doanh nghiệp; bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học; tăng cường tính bền vững thông qua số hóa.
Minh chứng tiêu biểu là khu đô thị tiêu chuẩn quốc tế Celadon City tại Tân Phú, TP.HCM. Tại đây, hệ thống điện mặt trời được hoạt động tại khu phức hợp Câu lạc bộ thể thao và nghỉ dưỡng Celadon (CSRC) với sản lượng điện trung bình khoảng 2.800 kwh/ngày, vừa để vận hành toàn khu CSRC với tổng diện tích hơn 5ha, vừa cung cấp cho lưới điện quốc gia.
Để xử lí vấn đề chất thải, Celadon City đầu tư hệ thống xử lý nước thải (STP) quy mô lớn, sử dụng công nghệ xử lý sinh học AAO (Anaerobic – Anoxic – Oxic) 7 giai đoạn; kết hợp công nghệ xử lí rác thải hữu cơ 6R tân tiến với quy trình 6 bước. giúp tạo ra phân composite để nuôi dưỡng mảng xanh dự án. Toàn bộ quy trình khép kín nhằm hạn chế tối đa rác thải từ khu dân cư ra môi trường ngoài.
"Gamuda Land sẽ mang đến thị trường nhiều dự án khu đô thị sinh thái hơn qua cách chúng tôi lập quy hoạch tổng thể và triển khai chiến lược GGP. Toàn bộ dự án của Gamuda Land trong tương lai sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn xanh và tiết kiệm năng lượng. Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2030 sẽ giảm 50% lượng khí thải CO2 tại khu đô thị của mình so với các dự án khác cùng quy mô", ông Angus Liew nhấn mạnh.
Ánh Dương