(Tổ Quốc) - Thận là bộ phận rất quan trọng đối với sự sống của con người. Để thận khỏe mạnh, hãy thực hiện các thói quen này hàng ngày.
Dù là nam hay nữ thì đều là đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các bệnh lý về thận. Là một cơ quan quan trọng nằm trong hệ bài tiết của con người nên thận làm rất nhiều “công việc” trong cơ thể. Vì vậy thận cần được chúng ta chăm sóc một cách toàn diện hơn.
Vai trò của thận đối với sức khỏe
Trong cơ thể mỗi người đều có 2 quả thận. Thận có hình hạt đậu, nằm sau phúc mạc và ở hai bên cột sống. Chức năng chính của thận là tạo ra nước tiểu, loại bỏ các chất chuyển hóa và chất độc hại ra khỏi cơ thể con người. Ngoài ra, thận còn bài tiết hoặc tổng hợp một số chất để duy trì sự cân bằng axit-bazơ trong cơ thể.
Nếu thận khỏe mạnh sẽ giúp các quá trình trên diễn ra một cách suôn sẻ. Nhưng nếu thận suy yếu sẽ dẫn tới ứ trệ các độc tố trong cơ thể, từ đó có thể tạo ra nhiều bệnh khác nhau.
Bệnh thận là một khái niệm trong y học hiện đại. Đây là sự bất thường về chức năng hoặc cấu trúc của thận do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Các triệu chứng chủ yếu là phù, suy thận, tiểu ra máu, tiểu đạm và tăng huyết áp.
Tuy nhiên, những vấn đề như đau thắt lưng, mệt mỏi, đời sống tình dục không thỏa mãn, hay chất lượng giấc ngủ kém mà người ta thường nhắc đến không thực sự có nghĩa là thận của bạn không tốt.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Ăn thận động vật có tốt thận không?
Lâu nay, nhiều người thường có quan niệm rằng “ăn gì bổ nấy”. Ví dụ như ăn vài quả thận nướng để tăng cường sinh lực cho thận; hay ăn thêm một đĩa hàu để bổ thận tráng dương,… Tuy nhiên, việc nuôi dưỡng và bảo vệ thận dựa vào các thực phẩm như thận động vật là chưa chính xác.
Bất kỳ thực phẩm nào sau khi ăn cũng sẽ trải qua quá trình tiêu hóa và hấp thụ. Đặc biệt là những người bị suy thận cần hạn chế lượng thức ăn có chứa nhiều chất đạm, để giảm lượng chất thải trong cơ thể, từ đó cải thiện chức năng cho cơ quan này. Cho nên lý thuyết “ăn gì bổ nấy” không đúng trong trường hợp này.
Thay vào đó, muốn nuôi dưỡng và bảo vệ thận, chúng ta cần cân đối thực phẩm hợp lý và thường xuyên thực hiện các thói quen này hàng ngày:
1. Chú ý đến việc khám sức khỏe, ít nhất mỗi năm một lần
Bệnh thận có rất nhiều loại, nhưng nguyên nhân đầu tiên dẫn đến bệnh suy thận mãn tính thường là “viêm cầu thận mãn tính”. Trong giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng gì rõ ràng, nên hầu hết khi phát hiện ra bệnh thì đều đã chuyển sang giai đoạn giữa và cuối.
Vì vậy, khám sức khỏe đã trở thành một phương pháp hữu hiệu để phát hiện bệnh. Mỗi năm nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần, để từ đó có thể phát hiện sớm các triệu chứng như tiểu ra máu, tiểu đạm và các vấn đề khác.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
2. Chủ động kiểm soát huyết áp, đường huyết và lipid máu
Trừ trường hợp viêm cầu thận mãn tính, các nguyên nhân nghiêm trọng dẫn đến suy thận đều do tăng huyết áp và đái tháo đường. Cao huyết áp, tiểu đường không chỉ gây hại cho tim mạch và mạch máu não của chúng ta mà còn tạo ra một sự tàn phá rất lớn đối với thận.
Đặc biệt bệnh thận do đái tháo đường có tác hại rất lớn đối với cơ thể. Nó là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân phải chạy thận. Nếu bị các bệnh mãn tính như huyết áp cao, tiểu đường, hãy chú ý kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp một cách hợp lý, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ đều đặn để không gây rắc rối cho thận.
3. Bỏ những thói quen xấu gây hại cho thận
Để bảo vệ thận hiệu quả, chúng ta nên bỏ những “thói quen xấu gây hại cho thận”. Điều đầu tiên chúng ta nên làm là cai thuốc lá, nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh thận. Tiếp đến nên bỏ rượu, thức khuya và không nên cáu giận.
Đây là các yếu tố không những gây hại cho thận mà còn ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận trong cơ thể. Vì vậy, muốn thận duy trì được các chức năng thật tốt, cần từ bỏ những thói quen không tốt này.
4. Tập thể dục thường xuyên để kiểm soát tốt cân nặng
Duy trì vận động hàng ngày rất cần thiết đối với những người có vấn đề về thận. Bên cạnh đó, tập thể dục có thể giúp ngăn ngừa hiệu quả bệnh béo phì, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh cầu thận và suy thận. Vì vậy, việc tập luyện mỗi ngày một cách điều độ cần được duy trì thường xuyên.
Tuy nhiên, tập thể dục cũng cần phù hợp với điều kiện sức khỏe mỗi người để có cường độ tập khác nhau. Việc vận động quá sức có thể sẽ dẫn đến tiêu cơ, cũng gây tổn thương trực tiếp đến thận.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
5. Đảm bảo kết hợp làm việc và nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức
Hoạt động thể chất quá nhiều chắc chắn sẽ làm tăng quá trình trao đổi chất của cơ thể. Kết quả là sẽ tạo ra nhiều chất chuyển hóa hơn, làm tăng gánh nặng trao đổi chất của thận. Do vậy, chúng ta nên điều chỉnh giờ giấc làm việc thật hợp lý, kết hợp chế độ nghỉ ngơi phù hợp để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng cho thận.
6. Không nên sử dụng thuốc không có hướng dẫn của bác sĩ
Chúng ta đều biết rằng thận là cơ quan trao đổi chất chính của cơ thể con người. Hầu như tất cả các chất thải chuyển hóa trong cơ thể đều được đào thải ra khỏi cơ thể qua thận. Việc lạm dụng và uống thuốc bừa bãi có thể sẽ gây hại cho thận. Vì vậy, chúng ta không nên uống thuốc mà không có lời khuyên của bác sĩ.
7. Uống nhiều nước hơn
Hàng ngày, nếu uống nhiều nước hơn chắc chắn sẽ thúc đẩy quá trình đi tiểu. Do đó có thể làm giảm nồng độ chất độc trong nước tiểu, từ đó bảo vệ ống thận của chúng ta.
Nên uống nhiều nước hơn và lượng nước nên uống ít nhất là 1500-1700 ml mỗi ngày. Chúng ta không nên lo lắng về việc uống nước sẽ đi tiểu nhiều. Ngược lại, thận sẽ càng khỏe mạnh hơn.
Thận là bộ phận rất quan trọng trong hệ tiết niệu. Do vậy, để bảo vệ thận một cách khoa học và “bổ thận tráng dương” hiệu quả, chúng ta nên nói không với những lời đồn thổi không có căn cứ, thận sẽ được khỏe mạnh hơn.
Theo Aboluowang
Thu Hà