Tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng thấp khiến Việt Nam trở thành quốc gia đầy tiềm năng cho dịch vụ mua trước trả sau, theo ông Nguyễn Lâm Vinh Dự, Tổng giám đốc Kaypay Việt Nam.
Vài năm gần đây, hình thức mua trước trả sau (Buy Now, Pay Later - BNPL) bắt đầu nở rộ tại Việt Nam, thu hút một bộ phận không nhỏ giới trẻ. So với các loại hình thanh toán chậm từng xuất hiện trên thị trường, BNPL tối ưu hơn bởi thủ tục giải ngân nhanh gọn và không phát sinh nhiều phụ phí.
Từ dịch vụ vốn được cung cấp bởi các công ty, tổ chức tài chính, BNPL nhanh chóng mở rộng ra thành sân chơi cho nhiều startup tiềm năng. Một trong số đó là Kaypay, nền tảng thuộc sở hữu của công ty công nghệ KMS.
Ông Nguyễn Lâm Vinh Dự, Tổng giám đốc Kaypay Việt Nam cho biết Kaypay là nền tảng thương mại mua trước trả sau thế hệ mới, mang tới cho người dùng trẻ trải nghiệm mua sắm thú vị với hàng loạt sản phẩm chính hãng. Dù mới chỉ ra mắt từ đầu tháng 8 vừa qua nhưng ứng dụng đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng về lượng người dùng cũng như là số lượng các nhãn hàng tham gia.
Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, Kaypay đã có 170 nhãn hàng và 23.000 người đăng ký tham gia. Trong đó, có 7.000 người đã tiến hành định danh eKYC thành công để mua hàng.
Đại diện Kaypay chia sẻ thêm rằng với mỗi người định danh thành công, hạn mức tiêu dùng BNPL Kaypay cung cấp cho họ sẽ khác nhau giúp dễ dàng mua sắm trả chậm các mặt hàng hiện có trên nền tảng Kaypay. Khách hàng thanh toán thành 4 đợt, 2 tuần trả một lần và hoàn toàn không chịu thêm bất cứ mức phí nào. Tùy thuộc vào lịch sử thanh toán của khách mà hạn mức BNPL sẽ được nâng dần lên.
Trong cuộc đua BNPL ngày càng nóng lên như hiện nay, ông Dự cho biết điểm mạnh của Kaypay đầu tiên nằm ở con người. Cụ thể, ứng dụng là tập hợp của một đội ngũ có hàng chục năm kinh nghiệm "chinh chiến" ở nhiều nền tảng lớn, đã từng phục vụ hàng triệu người dùng. Thứ hai là vấn đề công nghệ, Kaypay được phát triển ngay từ đầu và vận hành 100% trên nền tảng đám mây của Amazon Web Services (AWS), công ty top đầu thế giới trong mảng cung cấp dịch vụ đám mây hiện nay. Vì thế, Kaypay có khả năng mở rộng hạ tầng nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng đột biến khi số lượng người dùng không ngừng gia tăng, đồng thời rút ngắn thời gian hoàn thiện sản phẩm và tiết kiệm chi phí vận hành.
"Tôi xác định với startup fintech, mình phải xây dựng được hệ thống để khi số lượng người dùng bùng nổ, hệ thống ấy vẫn vận hành tốt. Đó là nhìn về phía tương lai và AWS nổi lên như một thương hiệu hàng đầu về mặt quy mô cũng như độ đảm bảo an toàn".
"Còn hiện tại, phía AWS rất sát sao với Kaypay. AWS ngồi xuống cùng chúng tôi để tối ưu hóa chi phí, chỗ này đừng nên làm thế này, chỗ kia đừng nên làm thế kia, chứ không phải kiểu cứ để chúng tôi dùng thoải mái rồi tính tiền được nhiều hơn. Ngoài công việc, có nhiều nhân sự của AWS cũng là bạn bè của chúng tôi, hỗ trợ chúng tôi rất nhiều", CEO Kaypay tâm sự.
Dù BNPL là hình thức thanh toán còn khá mới lạ tại Việt Nam nhưng ông Nguyễn Lâm Vinh Dự cho rằng đây là mảng thị trường vô cùng tiềm năng. Ông Dự dẫn số liệu của một thống kê từng cho thấy chỉ 4,12% người dân Việt Nam có thẻ tín dụng. So với ở thị trường các nước phát triển như Úc, New Zealand, Mỹ, Canada, UK con số này lên tới 50% - 80%.
Ngoài ra hiện nay, Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ chiếm cao. Nhiều người trong số này không sử dụng các phương tiện thanh toán truyền thống nhưng cũng không thích đăng ký thẻ tín dụng. Khả năng chi trả của họ ngày càng tăng và họ muốn thực hiện mọi thứ qua chiếc điện thoại di động.
"Đây là một điều kiện tốt để chúng tôi phát triển mảng BNPL trên mô hình ứng dụng shopping tích hợp của Kaypay. Tôi nghĩ thị trường Việt Nam vô cùng tiềm năng. Tuy rằng mục tiêu của Kaypay là trở thành số 1 thị trường sau 4-5 năm nữa, nhưng nếu chúng tôi có thành số 2, số 3 thì cũng chưa tính là thua. Một thị trường giàu tiềm năng như Việt Nam luôn có đủ cơ hội cho nhiều người cùng nhau phát triển".
Nhưng trước mắt, ông Dự cho biết Kaypay sẽ xem xét lại các yếu tố trong mô hình để sẵn sàng cho sự gia tăng quy mô trong năm nay, đồng thời tìm kiếm nhà đầu tư cùng đồng hành. Nền tảng phấn đấu phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hoá chính hãng chất lượng tích hợp phương thức trả chậm cho phần lớn 45 triệu khách hàng trẻ (MillenialZ) tại Việt Nam trong 3-5 năm tới và mở rộng sang các quốc gia Đông Nam Á.