Được đánh giá là một trong những thành phố đáng sống bậc nhất cả nước, Đà Nẵng sở hữu tiềm năng, lợi thế về chính sách cùng hạ tầng để hình thành lực đẩy, tạo dư địa tăng trưởng tích cực về giá đối với bất động sản tại địa phương.
Sức hút của BĐS tại các đô thị du lịch nổi tiếng
Tháng 7/2023, Cơ quan thuế quốc gia Nhật Bản công bố khảo sát về giá bất động sản tại Tokyo. Đáng chú ý trong đó, đất mặt tiền tại vị trí trước tòa nhà Kyukyodo ở Ginza (Tokyo) có giá 296.000 USD mỗi m2, tương đương gần 7 tỷ đồng, đắt nhất ở Nhật Bản. Đây cũng là năm thứ 38 liên tiếp, vị trí tâm điểm ở khu thương mại Ginza này được định giá cao nhất nước Nhật. Lâu nay, khu thương mại Ginza vốn vẫn được biết đến với các cửa hàng và nhà hàng cao cấp, luôn là địa điểm yêu thích của khách du lịch.
Trong khi đó, tại Đông Nam Á, Singapore - quốc gia thường xuyên được xếp hạng năng động và đáng sống bậc nhất thế giới vẫn luôn là "thiên đường" bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đối với giới đầu tư bất chấp lượng cung tại đây có hạn, cùng giá bất động sản luôn ở top cao hàng đầu châu Á. Theo báo cáo năm 2022, giá trung bình một ngôi nhà riêng ở Singapore là 1,2 triệu USD. Thậm chí, tháng 6 vừa qua, một căn hộ nhà ở xã hội rộng 176m2 tại trung tâm Singapore cũng đã được bán với giá kỷ lục lên đến 1,5 triệu SGD.
Tại một thành phố du lịch nổi tiếng khác của Thái Lan là Phuket, giá bất động sản nhiều năm qua cũng tăng rõ rệt do khách quốc tế đến ngày càng nhiều, dẫn tới sự đổ bộ của các nhà đầu tư. Song song, ngày càng nhiều người Nga muốn chuyển đến thành phố biển này định cư. Minh chứng, theo Knight Frank, một bất động sản 2 mặt phố liền kề có giá 14 triệu baht (hơn 400.000 USD) từ vài năm trước, giai đoạn này có thể nhanh chóng "sang tay" với mức giá gấp 3,5 lần - 50 triệu baht (xấp xỉ 1,5 triệu USD).
Hiệu ứng từ việc du lịch phát triển, tạo ra sức bật, kích cầu bất động sản tại những đô thị nổi tiếng đã được chứng minh. Những thành phố du lịch đắt khách thường không chỉ có hạ tầng hoàn thiện, dịch vụ sôi động, cơ hội kinh doanh sinh lời hấp dẫn mà còn sở hữu cả những lợi thế về tự nhiên, khí hậu trong lành, môi trường sống thân thiện. Đây cũng là điểm cộng được không ít giới công dân toàn cầu, tinh hoa quan tâm sau đại dịch Covid-19 do nhu cầu sở hữu ngôi nhà thứ hai - second home hay tìm đến các không gian sống gần thiên nhiên, làm việc từ xa kết hợp nghỉ dưỡng dài ngày ngày càng gia tăng.
Với thị trường nội địa, Đà Nẵng - thành phố đáng đến hàng đầu Việt Nam, cũng là một đô thị du lịch điển hình sở hữu đầy đủ những lợi thế về tự nhiên biển - rừng - sông - núi cùng tính kết nối cao khi sở hữu đầy đủ các loại hình giao thông không - thủy - bộ. Với tất cả những điểm cộng này, bất động sản tại Đà Nẵng có vô số lợi thế để bứt tốc, được giới đầu tư săn đón.
Dư địa tăng trưởng của BĐS Đà Nẵng
Theo các chuyên gia, Đà Nẵng là đô thị du lịch năng động, nhiều tiềm năng để phát triển thị trường bất động sản. Nhưng, nhiều năm qua, thị trường này đang chứng kiến một nghịch lý: các bất động sản bị định giá ở mức thấp, thậm chí chỉ ngang với nhiều tỉnh, thành phố nhỏ; trái ngược với xu thế chung của thế giới khi bất động sản tại các đô thị du lịch nổi tiếng luôn có giá trị cao.
Hiện theo thống kê, giá đất nền tại Đà Nẵng dao động từ 22 - 55 triệu đồng/m2. Một số quận trung tâm hoặc có vị trí thu hút du khách sẽ có giá nhỉnh hơn. Ví như quận Sơn Trà giá từ 55 - 70 triệu đồng/m2; quận Thanh Khê từ 40 - 65 triệu đồng/m2; hay quận Hải Châu giá dao động từ 53 - 75 triệu đồng/m2.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam "so với các đô thị biển khác như Nha Trang, Quy Nhơn, Bình Thuận,… thì mức giá BĐS Đà Nẵng vẫn là "dễ chịu". Còn so với Hà Nội, TP HCM thì là khoảng cách rất lớn". Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở góc độ khác, định giá thấp cũng đồng nghĩa dư địa tăng trưởng còn lớn và "với sự đầu tư trong giai đoạn hiện tại cũng như tương lai, thì BĐS Đà Nẵng chắc chắn sẽ có giá trị cao hơn hẳn chứ không thể chỉ nằm ở ngưỡng đó." - ông Đính chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, theo hồ sơ Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ "trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ"; đây cũng sẽ là đô thị biển quốc tế, đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống. Đồng nghĩa, thương hiệu và chuẩn sống tại Đà Nẵng chắc chắn sẽ được nâng tầm.
Cùng với đó, để đạt được lộ trình này, Đà Nẵng sẽ không chỉ bắt tay vào kiến thiết hạ tầng, vực dậy kinh tế bằng nội lực, mà còn sẽ tích cực mở cửa, thu hút nguồn lực đầu tư về với thành phố, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài và cả các tập đoàn lớn trong nước như Sun Group, Vingroup... Kinh tế phục hồi và tăng trưởng, du lịch cùng hoạt động đầu tư sôi động sẽ là những tiền đề tốt, kéo nhu cầu bất động sản gia tăng.
Theo đánh giá của Savills, "với sự đầu tư bài bản ở hiện tại và trong tương lai, dư địa tăng giá của bất động sản Đà Nẵng sẽ còn rất lớn. Thời gian tới rất có thể thị trường Đà Nẵng sẽ trỗi dậy đón đợt tăng trưởng mới tương xứng tiềm năng."
Đặc biệt, khi thị trường xuất hiện thêm những đô thị chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế, đủ sức thu hút các công dân toàn cầu, người nước ngoài, giới tinh hoa… đến đây định cư cũng sẽ tạo đà cho bất động sản Đà Nẵng "thăng hạng" sau giai đoạn tương đối ổn định về giá. "Đã có 1 số chủ đầu tư lớn đang nghiên cứu và xúc tiến phát triển các mô hình BĐS cao cấp, hiện đại. Chúng tôi đánh giá rằng khi đã có những sản phẩm như vậy thì chỉ 2 - 3 năm tới giá trị sống tại Đà Nẵng sẽ được nâng thêm nhiều bậc." - ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Chính vì vậy theo nhiều chuyên gia, đây là thời cơ thuận lợi để nắm giữ bất động sản ở thành phố đáng sống bậc nhất Việt Nam này với mức giá tốt, trước khi giá trị gia tăng theo cấp số nhân trong tương lai không xa, tương xứng với vị thế của một "Singapore mới của châu Á".