(Tổ Quốc) - Một kho báu khổng lồ bao gồm 1.600 tấn vàng được cho là vẫn nằm yên lặng hàng trăm năm dưới đáy hồ Baikal như một bí ẩn lớn. Mặc dù rất nhiều người thèm muốn nhưng vẫn chưa ai dám đi tìm câu trả lời cho bí ẩn đáng giá cả gia tài này.
Sách kỷ lục Guinness đã ghi nhận hồ Baikal tại Nga là hồ sâu nhất thế giới, có diện tích bằng cả nước Bỉ và lưu trữ tới 20% lượng nước ngọt trên toàn bộ Trái đất. Chính vì vậy, nơi đây còn có các tên gọi đặc biệt như là "Suối nguồn thế giới", “Hồ mặt trăng”, “Bắc Hải”, "Hòn ngọc nước Nga", "Biển hồ vô vàn giọt nước mắt"...
Hồ Baikal hoang sơ, ẩn chứa nhiều điều ít người biết đến nên cũng thu hút rất nhiều du khách đam mê việc khám phá. Vào mùa đông, Baikal phủ băng rộng khắp, được bao quanh bởi cảnh quan bao la, hùng vĩ.
Hồ nước rộng mênh mông kết hợp với những dãy núi dài vạn dặm phủ đầy tuyết tạo ra cảnh tượng choáng ngợp trước mắt các du khách.
Có rất nhiều truyền thuyết xung quanh hồ Baikal. Đặc biệt nhất trong số đó là câu chuyện có tới 1.600 tấn vàng dưới đáy hồ sâu nhất thế giới này.
Vào năm 1917 sau Công nguyên, khi Sa Hoàng Nicholas II gần như kiệt quệ, nhiều quý tộc đại diện cho các thế lực phong kiến cũ tại Nga đã cố gắng thu gom rất nhiều vàng bạc châu báu để di cư sang phía Tây. Khi đi qua hồ Baikal, họ đụng độ kẻ thù truy đuổi. Lúc này, các quý tộc đã bỏ lại tổng cộng 1.600 tấn vàng để chúng chìm thẳng xuống đáy hồ Baikal.
Cũng có một phiên bản khác cho rằng, đây là số vàng do chính Sa Hoàng Nicholas II sưu tập và sở hữu. Trên đường vận chuyển để giấu chúng ở một nơi khác, cả đoàn người đi qua hồ Baikal nhưng gặp phải tình trạng tan băng. Do hồ quá rộng và không thể thoát kịp, toàn bộ 1.600 tấn vàng và đội quân hộ tống đều chìm xuống đáy hồ.
Nếu truyền thuyết này là sự thật, thì tại sao không ai tìm cách trục vớt lượng vàng khổng lồ này?
Số vàng khổng lồ được cho là đang nằm yên lặng dưới đáy hồ. Ảnh: 163
Các chuyên gia cho rằng, giả sử có 1.600 tấn vàng dưới đáy hồ thật thì không phải mọi người không muốn trục vớt, mà vì có 3 nguyên nhân đằng sau nên không ai dám.
Nguyên nhân đầu tiên là không một ai muốn đánh cược tiền bạc của mình. Vào năm 2015, theo người dân quanh vùng phát hiện, điểm sâu nhất của hồ Baikal có thể lên tới 1.637 mét và tổng dung tích của hồ vượt quá 2,36 tỷ mét khối. Để các đơn vị cá nhân đầu tư trục vớt, các nỗ lực gần như là không thể.
Khi mà không ai dám khẳng định truyền thuyết có phải sự thật hay không thì việc liều lĩnh tìm mọi cách trục vớt, thậm chí còn huy động lực lượng nòng cốt là điều mà mọi người sẽ không dễ dàng chấp nhận. Chẳng ai là người sẵn sàng đầu tư nhiều nhân lực và vật lực như vậy để theo đuổi một truyền thuyết.
Điều đáng nói là bên trong hồ Baikal vẫn còn bảo lưu rất nhiều loài động vật nước ngọt ví dụ như hải cẩu Baikal, cá hồi trắng bắc cực, cá hồi trắng Omul, cá mập… Đại đa số những cá nhân có ý định truy tìm kho báu đã từ bỏ sau khi nghe nói ở đây có cả những giống loài cực kỳ nguy hiểm.
Nguyên nhân thứ hai là việc tìm kiếm dưới đáy hồ Baikal rất khó khăn, có mức độ nguy hiểm rất cao, đương nhiên cần phải đầu tư thêm lực lượng từ khoa học và công nghệ.
Vị trí của hồ Baikal nằm ở điểm giao nhau của các vành đai địa chấn. Theo dữ liệu cho thấy, cứ khoảng 10 năm lại có các trận động đất có cường độ khoảng 6 độ Richter và khoảng 30 năm sẽ có các trận động đất thảm khốc khoảng 9 độ Richter.
Một số trận động đất lớn được ghi lại trong lịch sử có thể kể tới vào các năm 1862 và 1959. Chẳng hạn, vào năm 1960, một trận động đất mạnh tới 9,5 độ Richter xảy ra ở hồ Baikal ảnh hưởng toàn bộ cấu trúc địa chất xung quanh và mực nước của hồ.
Bên cạnh đó, còn có một số bức xạ bề mặt, điều này cũng sẽ làm tăng quá trình đứt gãy của lớp vỏ. Vì vậy, nếu không có công nghệ tối tân để sử dụng như một lực lượng cứu cánh, ai dám tham gia để đánh liều mạng sống của mình?
Việc trục vớt khó khăn và đầy rẫy nguy hiểm. Ảnh: 163
Nguyên nhân thứ 3 chính là: Nếu như tìm thấy vàng trong quá trình trục vớt thật, vậy số vàng khổng lồ này sẽ thuộc về ai?
Vì hồ Baikal đã được chọn là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1996. Từ góc độ này, hồ Baikal dường như thuộc về tất cả mọi người và của cả nhân loại.
Nhưng những cư dân bản địa sinh sống xung quanh hồ là dân tộc thiểu số Irkutsk. Nếu nhìn vào đường biên giới, hồ Baikal nằm trên lãnh thổ của cả Cộng hòa Buryatia và Irkutsk Oblast. Vì vậy, mọi người không có cách nào để đưa ra một tuyên bố tương đối thống nhất rằng toàn bộ hồ sẽ thuộc về ai.
Bên cạnh đó, khi cân nhắc đến vấn đề liệu có thể truy tìm 1.600 tấn vàng từ đáy hồ hay không, các chuyên gia cũng suy xét đến vấn đề tự nhiên. Toàn bộ diện tích hồ Baikal là một chuỗi sinh học tự nhiên. Đối với động vật dưới nước, đây là thế giới hoàn chỉnh.
Nếu các tác động đến từ con người khiến môi trường hồ bị tổn hại nghiêm trọng, các nguồn tài nguyên sinh vật, thực vật và thậm chí cả tài nguyên khoáng sản tại đây đều có thể bị ảnh hưởng. Đây có thể là một tổn thất cho cả nhân loại trong hiện tại và tương lai.
Vì vậy, không cần biết truyền thuyết này có thật hay không, chỉ riêng vấn đề công nghệ chưa đủ phát triển thì không ai dám nghĩ đến chuyện bắt đầu công cuộc kiểm chứng truyền thuyết này.
*Theo aboluowang
Phương Thuý