(Tổ Quốc) - Dịch bệnh Covid-19 phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực trong nền kinh tế, đặc biệt ngành xây dựng. Dù vậy, theo số liệu được Bộ Xây dựng công bố, thì giá trị tăng thêm của ngành năm 2021 ước tính tăng 0,2 - 0,5% so với năm 2020; chỉ số giá xây dựng tăng 4,34%.
Ngành xây dựng Việt Nam có thể đạt 94,93 tỷ USD vào năm 2026
Dự báo cho năm 2022, SSI Research kỳ vọng việc sửa đổi các Luật liên quan đến thị trường bất động sản sẽ là biến số quan trọng. Cụ thể, Luật Đất đai 2013 có thể sẽ được xúc tiến sửa đổi trong năm 2022 để hoàn thành vào tháng 5/2023, dự kiến sẽ có thể đưa ra quy định cụ thể về hệ số đền bù giá đất nhằm giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng (vốn là điểm vướng của nhiều dự án bất động sản hiện nay). Đối với triển vọng doanh thu, lợi nhuận doanh nghiệp trong ngành, việc giá trị hợp đồng ký kết chưa thực hiện (backlog) cuối năm 2021 có thể đảm bảo doanh số xây dựng phục hồi.
Nhìn bức tranh rộng hơn, xây dựng Việt Nam được đánh giá là ngành hoạt động tốt nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC). Mặc dù mất động lực do Covid-19, nhưng thị trường vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt 94,93 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ tăng trưởng hơn 8% trong giai đoạn dự báo (2021 - 2026).
Trước khi bùng phát Covid-19, ngành công nghiệp này đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 9,6% trong 5 năm qua (2015 – 2019). Dự báo ngành sẽ tiếp tục tốc độ tăng trưởng tương tự do Chính phủ nỗ lực cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng chung của đất nước với các khoản đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng du lịch và các dự án nhà ở trên cả nước.
Dù vậy, "miếng bánh" ngành theo chia sẻ một người trong cuộc gần đây đang nhỏ dần, và doanh nghiệp muốn khai thác thị trường quốc tế để thực hiện tham vọng tỷ USD lợi nhuận.
Những quan điểm trái chiều và phản biện từ người trong cuộc
Trước những ý kiến trái chiều, dưới góc nhìn của mình, ông Jacobo Perez Polaino - Tổng Giám đốc Sika Việt Nam – phản biện: "Trước khi làm việc tại Việt Nam, tôi đã có 6 năm làm việc tại Indonesia, 2 năm tại Campuchia và Việt Nam là nước thứ 3 tôi làm việc trong khu vực châu Á. Theo góc nhìn của tôi, nếu so với 2 thị trường quốc tế kia thì thị trường Việt Nam rất năng động, dễ dàng chấp nhận những công nghệ mới. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam có rất nhiều đối thủ cạnh tranh trong ngành trên toàn cầu cũng như trong khu vực. Điều đó cho thấy Việt Nam là một trong những thị trường nổi bật và hấp dẫn tại châu Á.
Trong 3 năm, từ năm 2019 đến năm 2021, chúng ta có thể thấy tốc độ tăng trưởng của Việt Nam so với các nước trong khu vực đang rất là tốt. Việc một số công ty Việt Nam hướng ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội thì cũng là một trong những chiến lược nhằm thúc đẩy và gia tăng nguồn doanh thu của họ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thị trường xây dựng Việt Nam không hấp dẫn.
Theo cá nhân tôi, đây cũng là một phần của cuộc chơi tăng trưởng và phát triển của các công ty xây dựng tại thị trường Việt Nam. Theo quan điểm của tôi, các công ty thực sự nên tập trung và có nhiều sự đầu tư hơn vào thị trường Việt Nam, bởi vì đây vẫn là một thị trường tốt".
Ông Jacobo Perez Polaino cũng dẫn chứng, thống kê của Global Data cho thấy ngành xây dựng Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm 8,1% theo giá trị thực từ năm 2023 đến năm 2026. Đồng thời giá nguyên liệu có khả năng tiếp tục tăng cao do Việt Nam phụ thuộc vào các nguồn thứ 3 về nguyên liệu thô. Đón đầu xu hướng đó, Sika nhấn mạnh Việt Nam đã, đang và tiếp tục là thị trường trọng điểm của Công ty thời gian tới.
Tập đoàn Thuỵ Sĩ chọn Việt Nam là thị trường trọng điểm, mở rộng sang mảng năng lượng gió
Được biết, Sika Việt Nam là công ty vốn 100% Thuỵ Sĩ, trực thuộc Tập đoàn Sika AG, bắt đầu phục vụ thị trường Việt Nam từ năm 1993. Sika Việt Nam có 2 nhà máy tại Nhơn Trạch (xây dựng năm 1997) và nhà máy Bắc Ninh (xây dựng năm 2012) cùng hệ thống 80 nhà phân phối phủ khắp trên toàn quốc.
Về vốn đầu tư, hàng năm Sika cho biết đều đầu tư thêm cho nhà máy của mình để nâng cấp và mở rộng thị trường và dòng sản phẩm bán ra ở thị trường Việt Nam. "Chắc chắn Sika sẽ có những kế hoạch trong thời gian sắp tới để tăng năng suất cũng như công suất sản xuất của nhà máy", đại diện nhấn mạnh.
Bởi, "Việt Nam là một thị trường năng động với tốc độ đô thị hóa nhanh đứng đầu trong khu vực châu Á. Cùng với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường xây dựng Việt Nam ngày càng khó khăn và khắt khe hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm xây dựng".
Ngoài ra, Sika cũng đang tập trung vào thị trường điện gió Việt Nam – thị trường đang rất tiềm năng và Sika đang có thị phần khá tốt trong mảng kinh doanh này. Một lý do khác, Sika theo đại diện định vị mình đang ở vị trí dẫn đầu của thị trường liên quan đến mảng xây dựng hoặc cung cấp các vật liệu xây dựng hóa chất. Nên, vai trò của người dẫn đầu trên thị trường không chỉ là cung cấp các dòng sản phẩm hiện hữu mà còn phải khai phá những phân khúc mới.
Dù vậy, thị trường Việt Nam dưới góc nhìn của doanh nghiệp này vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, khi hoạt động tại thị trường Việt Nam, Sika cho biết sẽ có phần phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như các chính sách liên quan tới vận hành thị trường.
"Theo tôi, có những lợi thế cũng dễ biến thành bất lợi. Ví dụ, thị trường phát triển nhanh, dễ chấp nhận các công nghệ, cải tiến của nước ngoài thì khi đưa sản phẩm vào Việt Nam là một thuận lợi, giúp phát triển tốt nhưng mặt trái của nó là nếu những chính sách vận hành hiện tại của thị trường liên quan tới sự phát triển bất động sản không đáp ứng kịp với những thay đổi liên quan đến công nghệ về mặt sản phẩm và ứng dụng thì cũng sẽ hạn chế sự phát triển công nghệ thị trường", ông Jacobo Perez Polaino nói.
Tri Túc