(Tổ Quốc) - Theo đó, từ ngày 28/9/2020, người dùng sẽ không thể đóng góp phụ đề cho các video trên Youtube mà chỉ có thể xem phụ đề do chủ tài khoản tạo hoặc Youtube cung cấp tự động.
Tính năng đóng góp phụ đề bởi cộng đồng được Youtube thiết lập để giúp người sáng tạo tiếp cận với nhiều đối tượng hơn và cải thiện khả năng truy cập cho người dùng trên nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, mới đây, chính Youtube đã tuyên bố sẽ "xóa sổ" tính năng này từ ngày 28/9/2020.
Thông báo chính thức của đội ngũ Youtube cho biết, trong khi họ hy vọng đóng góp từ cộng động sẽ trở thành nguồn dịch thuật tin cậy thì ngược lại, nền tảng này thường xuyên nhận được báo cáo rằng chất lượng dịch thuật thấp, bị xuyên tạc và lạm dụng. Do đó, Youtube quyết định gỡ bỏ tính năng, người dùng sau đó chỉ có thể xem phụ đề do chính chủ video tạo hoặc chú thích tự động của Youtube.
Một phần thông báo chính thức của đội ngũ Youtube.
Trước đó, dù chính sách của Youtube đã cho phép những nhà sáng tạo nội dung có quyền kiểm duyệt phụ đề hoặc vô hiệu hóa tính năng dịch thuật nhưng hầu hết các nhà sáng tạo nội dung vẫn khá “thoải mái” trong việc cho cộng đồng đóng góp.
Lợi dụng kẽ hở này, ngay tại Việt Nam, tính năng cho phép cộng đồng đóng góp phụ đề cũng bị lạm dụng. Rất nhiều video của người nổi tiếng bị sửa đổi tiêu đề, phần mô tả hoặc thậm chí cả phụ đề nội dung trong video cũng bị dịch sai lệch, bậy bạ.
Còn nhớ, năm 2019, video ca nhạc của DJ Alan Walker cũng bỗng nhiên bị đổi tên sang tiếng Việt một cách lộ liễu và gượng gạo.
Cụ thể, tiêu đề và chú thích của tác phẩm Faded và Alone nổi tiếng của Alan Walker đã bị đổi, dịch sang tiếng Việt, ngoài ra còn kèm theo dòng chữ dẫn về tên một kênh phụ khác.
Hay lần khác, MV “sugar” của nhóm nhạc Maroon 5 cũng bị “chế” thành “Ồ hố”, theo cách chơi chữ được dùng trong chương trình Táo Quân.
Điều này đã khiến các chủ tài khoản Maroon 5, Alan Walker hay PewDiePie buộc phải khóa chức năng đóng góp phụ đề Tiếng Việt đối với các video của mình. Điều này vừa khiến người dùng Việt Nam mất đi cơ hội tiếp cận và hiểu các nội dung nước ngoài vừa để lại ấn tượng xấu trong mắt bạn bè quốc tế.
Không riêng Youtube, các nền tảng khác để cho người dùng tự đóng góp là Google Translate hay Wikipedia cũng nhiều lần bị người dùng Việt lạm dụng, xuyên tạc nội dung.
Một trong rất nhiều lần Google Translate cũng bị người dùng Việt "phá".
T.D