(Tổ Quốc) - Kiễng gót chân vốn chỉ là một hành động nhỏ nhặt chẳng ai để ý tới, ít người biết được rằng đây là một phương pháp giữ gìn sức khoẻ rất hiệu quả của người xưa. Người trung niên và người cao tuổi nếu thực hiện thường xuyên các bài tập này sẽ đạt được lợi ích ngoài mong đợi.
Khi kiễng chân, lượng máu bị ép ra khi cơ bắp chân hai bên co lại gần tương đương với lượng máu do nhịp tim bơm ra. Hành động nhỏ này sẽ giúp cho nhịp tim của con người ở khoảng 150 nhịp/phút để máu có thể cung cấp đủ oxy cho cơ tim, rất có lợi với sức khoẻ của tim mạch. Ngoài ra, nó còn rèn luyện bắp chân và mắt cá chân, ngăn ngừa chứng giãn tĩnh mạch, tăng cường sự ổn định của khớp mắt cá chân.
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, phương pháp dưỡng sinh "bát đoạn cẩm" có lịch sử lâu đời 800 năm. Động tác này thực hiện bằng cách nhón chân, kích thích hệ thống thần kinh tác động lên cả cơ thể, mát-xa nhẹ nhàng lục phủ ngũ tạng, từ đó loại bỏ bách bệnh một cách thần kỳ
Quan trọng hơn nữa, tập kiễng chân còn có thể đồng thời vận động chân tay và trí óc, loại bỏ các vấn đề về sự tập trung lâu dài với não bộ như hoa mắt, chóng mặt. Ở những người cao tuổi, khớp gối hoạt động không tốt nếu tập luyện thường xuyên sẽ giúp tránh được những tổn thương cho khớp, duy trì cơ thể dẻo dai, khoẻ mạnh.
5 tác dụng không ngờ của kiễng gót chân
Chống trầm cảm
Suy nhược là do dương suy, không lên để nuôi dưỡng được não, dẫn đến khí huyết ở não khó lưu thông. Căn cứ vào phương pháp định vị ba chiều, vị trí gót chân sẽ tương đương với đại não của con người, vì thế việc kích thích gót chân có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu não, giúp khí huyết lưu thông tốt hơn.
Đối với những người làm việc trong môi trường quá áp lực, căng thẳng thường sẽ có cảm giác không thể tập trung, mệt mỏi và chán nản. Khi ở trạng thái trên, hãy dành vài phút để đứng dậy và kiễng gót chân sẽ giúp bạn tỉnh táo, đánh thức thần kinh não để đầu óc sáng suốt và minh mẫn hơn.
Bổ thận khí
Người thận khí yếu, thận dương thiếu hụt thường có các biểu hiện như sợ lạnh, đau gót chân, chi dưới sưng phù nề. Trong trường hợp này có thể áp dụng bài tập kiễng gót chân để bổ sung khí dương cho thận, giúp cho cơ thể khoẻ mạnh hơn.
Giảm đau thắt lưng
Do các tác nhân gây bệnh phong hàn, ẩm thấp xâm nhập vào kinh mạch bàng quang khiến khí và huyết không lưu thông tốt, bị tắc nghẽn dẫn đến đau đớn. Lúc này, kiễng chân lên có thể kích thích khai thông kinh mạch bàng quang, thúc đẩy kinh mạch thông suốt, giảm đau và ngăn ngừa chứng đau thắt lưng, khí huyết kém lưu thông, thoái hóa đốt sống cổ,…
Ngăn ngừa đột quỵ
Vào mùa đông, tuần hoàn máu kém rất dễ dẫn đến đột quỵ. Mỗi ngày kiến trì tập luyện kiễng chân cũng là một trong những phương pháp hiệu quả để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Phòng chứng khó tiểu
Theo Tây Y, chứng tiểu ít của nam giới là bệnh lý về tuyến tiền liệt như phì đại tuyến tiền liệt hoặc viêm tuyến tiền liệt. Còn theo quan điểm của y học cổ truyền, đó là do bàng quang khí hóa không thông. Trường hợp này kiễng gót chân cũng là một mẹo nhỏ để phòng ngừa chứng bệnh trên.
3 bài tập kiễng chân cụ thể
Nhón gót
Giữ cơ thể thẳng đứng, hai chân khép vào nhau và hai tay đặt ngang hông. Sau đó từ từ kiễng chân lên, dùng ngón chân đứng chắc dưới mặt đất rồi thả trọng lượng từ ngón chân xuống bàn chân trước đồng thời thả lỏng cơ thể. Cuối cùng thực hiện động tác rơi tự do, để gót chân chạm nhẹ xuống mặt đất.
Đi kiễng chân
Thực hiện 30-50 bước mỗi lần, sau đó thì nghỉ ngơi rồi lặp lại một vài hiệp nữa. Tùy theo tình trạng thể chất của bạn mà điều chỉnh cho phù hợp tốc độ, thời gian để tạo cảm giác thoải mái và thư giãn nhất có thể.
Kiễng chân khi nằm
Khi nghỉ ngơi trên giường, giữ cho hai chân của bạn gần nhau và thẳng, móc các ngón chân vào với nhau rồi đưa lên đưa xuống. Động tác này có thể thực hiện bằng cả hai chân hoặc có thể tập đơn chân. Nếu cảm thấy khó chịu, bạn có thể dừng lại nghỉ ngời rồi tập tiếp.
Lời khuyên là không nên dùng lực quá mạnh, nếu không sẽ dễ dẫn đến đau gót chân. Nếu bị đau, bạn cũng đừng nên quá lo lắng, hãy nghỉ ngơi vài ngày, ngâm chân bằng nước nóng thì tình trạng sẽ được cải thiện.
Theo Aboluowang
Thiên An