(Tổ Quốc) - Cổ phần hóa là bước đi quan trọng giúp BIDV trở thành ngân hàng đứng đầu toàn ngành về nhiều chỉ tiêu hoạt động. Bên cạnh đó, uy tín và năng lực tài chính của nhà băng này cũng liên tục được củng cố sau khi IPO thành công vào cuối năm 2011.
Ngày 28/12/2011, BIDV đã tiến hành cổ phần hóa thông qua việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Thương vụ đã mang về cho Nhà nước số tiền 1.575 tỷ đồng và được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2011.
BIDV tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất (tháng 3/2012)
Sau 10 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại cổ phần, dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước không mấy thuận lợi nhưng BIDV vẫn tiếp tục duy trì hoạt động ổn định và phát triển mạnh mẽ.
Trong giai đoạn 2012 - 2021, lợi nhuận trước thuế BIDV tăng trưởng với tốc độ bình quân 12,4%/năm. Riêng năm 2021, lợi nhuận hợp nhất đạt kỷ lục hơn 13.602 tỷ, tăng hơn 50% so với năm trước.
Sau 10 năm cổ phần hóa, quy mô tổng tài sản của BIDV đã vượt 1,76 triệu tỷ đồng, gấp 4,3 lần cuối năm 2011 và đứng đầu toàn hệ thống ngân hàng. Tính bình quân, tổng tài sản BIDV đã tăng trưởng với tốc độ 15,8%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành ngân hàng.
Dư nợ cho vay của BIDV đã gấp hơn 4,7 lần, tương đương 16,7%/năm. Về phía nguồn vốn, tiền gửi khách hàng của BIDV mở rộng với tốc độ bình quân hơn 19%/năm. Hết năm 2021, lượng tiền gửi tại ngân hàng vượt mức 1,38 triệu tỷ, gấp gần 5,7 lần cuối năm 2011 và chiếm hơn 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.
Đáng chú ý, BIDV đã tăng vốn điều lệ thành công lên hơn 50.585 tỷ đồng trong năm 2021, vươn lên đứng đầu toàn ngành ngân hàng và gấp 3,9 lần mức ghi nhận trước thời điểm IPO.
Đi cùng hiệu quả hoạt động, chất lượng tài sản ngân hàng liên tục được duy trì ở mức an toàn và cải thiện tốt trong những năm gần đây.
Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của BIDV theo Thông tư 11/2021/TTNHNN đến 31/12/2021 ở mức 0,81%, giảm 0,73 điểm % so với cuối năm 2020, đảm bảo mục tiêu NHNN giao (<1,6%). Ngân hàng cho biết đã trích lập trích đủ 100% dự phòng cho nợ cơ cấu vì Covid-19. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 235% - mức cao nhất trong lịch sử của nhà băng này. Tức mỗi đồng nợ xấu, BIDV đang trích dự phòng 2,35 đồng.
Không chỉ giúp gia tăng nguồn lực phục vụ hoạt động kinh doanh, cổ phần hóa còn là bước đệm mạnh mẽ giúp củng cố vị thế và uy tín BIDV trên thị trường tài chính.
Chỉ 2 năm sau khi IPO, BIDV đã chính thức đưa hơn 2,81 tỷ cổ phiếu BIDV lên giao dịch chính thức trên sàn chứng khoán vào ngày 24/1/2014. Cổ phiếu BIDV lên sàn đã tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến thị trường nói chung và chỉ số VN-Index nói riêng, góp phần thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Diễn biến cổ phiếu BIDV kể từ khi niêm yết
Đúng 8 năm sau khi lên sàn, cổ phiếu BIDV đã thiết lập mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết tại 49.000 đồng vào ngày 25/1/2022 (giá đã điều chỉnh theo cổ tức). So với mức đóng cửa ngày lên sàn, thị giá cổ phiếu BIDV đã gấp gần 4,3 lần (tương đương mức tăng 20,2%/năm) và cao hơn nhiều mức tăng chung của chỉ số Vn-Index (gần 2,7 lần). Cổ phiếu BIDV luôn nằm trong rổ chỉ số VN30 và đem lại nhiều hiệu ứng tích cực cho chỉ số có tính dẫn dắt thị trường này.
Với nhịp tăng mạnh vào tháng 1/2022, giá trị vốn hóa của BIDV đạt đỉnh lịch sử hơn 242.300 tỷ đồng (tương đương 11 tỷ USD), cao thứ hai ngành ngân hàng và thứ tư toàn thị trường. Với việc gia tăng giá trị cổ phiếu, BIDV không chỉ bảo toàn mà còn phát triển và gia tăng giá trị phần vốn góp nhà nước.
Đặc biệt, việc chuyển đổi sang mô hình ngân hàng cổ phần đã giúp BIDV dễ dàng tiếp cận và huy động nguồn lực tài chính trong nước cũng như vốn đầu tư nước ngoài.
Ngày 11/11/2019, BIDV và KEB Hana Bank (Hana Bank) – Ngân hàng thuộc tập đoàn tài chính hàng đầu Hàn Quốc đã chính thức hoàn tất giao dịch đầu tư chiến lược và công bố Hana Bank là cổ đông chiến lược nước ngoài, sở hữu 15% vốn điều lệ của BIDV.
BIDV ký hợp tác chiến lược và công bố Hana Bank là cổ đông chiến lược nước ngoài
Cú bắt tay hợp tác giữa BIDV-Hana Bank được đánh giá là giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) với một nhà đầu tư chiến lược lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của Hana Bank, ngân hàng đã triển khai 7 dự án bán lẻ quan trọng tập trung vào 3 nghiệp vụ: dịch vụ cho khách hàng giàu có, tín dụng bán lẻ và chuyển tiền quốc tế nhằm tạo ra bước phát triển đột phá trong hoạt động ngân hàng bán lẻ. Hoạt động chuyển đổi số cũng được đẩy mạnh với việc triển khai thành công nhiều sản phẩm số đột phá như Smartbanking thế hệ mới cho khách hàng cá nhân; Mobile App cho iBank giai đoạn 2...
Thực tế, sau khi có sự tham gia của đối tác nước ngoài, BIDV liên tục dẫn đầu toàn ngành về quy mô tài sản, nguồn vốn và mạng lưới giao dịch.
Những kết quả trên đã khẳng định cổ phần hóa là bước đi quan trọng và hữu hiệu giúp BIDV tăng sức cạnh tranh và củng cố năng lực tài chính. Nhờ đó, ngân hàng có thể tiếp tục vững vàng vị thế dẫn đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam và trở thành một trong những định chế tài chính uy tín trên thị trường quốc tế.
Ánh Dương