(Tổ Quốc) - Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi nhóm này thường dễ bị tổn thương do bộ đệm thanh khoản kém và khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế.
Đại dịch Covid-19 xảy ra trong năm 2020 và 2021 đã tác động mạnh đến mọi ngành nghề cũng như các lĩnh vực trong xã hội. GDP năm 2021 của Việt Nam chỉ đạt 2,58%, là mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ.
Doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề
Theo Tổng cục Thống kê, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài (đặc biệt là quý 3/2021) đã tác động tiêu cực đến khu vực doanh nghiệp. Năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55 nghìn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%, trong đó có 14,8 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 4%; 211 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 20,7%. Bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do không thể "cầm cự" trước sự tàn khốc của đại dịch Covid-19.
Những ảnh hưởng chủ yếu là doanh nghiệp gặp trở ngại khi tiếp cận khách hàng; chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy; mất cân đối dòng tiền; khó khăn trong quản trị lao động. Một số doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác như giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch COVID-19…
Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) – chiếm tới hơn 96% tổng số lượng doanh nghiệp hoạt động trên thị trường – là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả bởi bộ đệm thanh khoản kém và khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế.
Ngân hàng chung tay vượt đại dịch và trỗi dậy sau khủng hoảng
Là ngành dịch vụ tài chính vốn rất nhạy cảm với mọi biến động, ngành ngân hàng cũng chịu tác động ít nhiều trong năm qua. Tuy nhiên, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, các ngân hàng vẫn phải thực hiện mục tiêu kép là vừa đồng hành cùng cộng đồng và khách hàng vượt qua đại dịch, vừa nỗ lực vượt qua chính mình để hoàn thành mục tiêu cổ đông giao phó.
Số liệu từ NHNN cho thấy, đến cuối năm 2021, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ đã cơ cấu lũy kế từ khi có dịch đạt hơn 607 nghìn tỷ đồng; hiện có hơn 775 nghìn khách hàng đang được tiếp cận chính sách, với dư nợ gần 300 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng.
Là ngân hàng đứng đầu hệ thống, BIDV đã thực hiện miễn, giảm lãi tới 4.128 tỷ đồng cho 453 nghìn khách hàng. Riêng các doanh nghiệp SME, BIDV đã triển khai nhiều gói tín dụng cũng như hỗ trợ giúp khách hàng vượt qua đại dịch, chẳng hạn giảm 2%/năm lãi suất cho vay với dư nợ hiện hữu hay triển khai các gói tín dụng quy mô lớn hàng chục nghìn tỷ đồng trong năm 2020 và 2021 với lãi suất ưu đãi tới 2%/năm.
Bước sang năm 2022, BIDV tiếp tục đồng hành, mang đến các giải pháp tài chính để hỗ trợ Doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay và áp dụng các gói tín dụng ưu đãi lãi suất, BIDV đưa ra các chương trình ưu đãi phí dịch vụ lớn như BIDV Trade Up, hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí tài chính như giảm phí chuyển tiền cả trên ngân hàng số BIDV iBank cả tại quầy để hỗ trợ DN vượt qua đại dịch covid. Đặc biệt với các khách hàng mở mới tài khoản hoặc kích hoạt tài khoản tại BIDV sẽ được miễn hoàn toàn các loại phí như phí thường niên, phí chuyển tiền, phí thanh toán lương, thanh toán theo bảng kê trên BIDV iBank, miễn phí xây dựng kết nối giữa hệ thống ERP của khách hàng và BIDV, phí quản lý tài khoản, giảm 50% phí tài trợ thương mại và chuyển tiền quốc tế cùng ưu đãi tỷ giá 30 điểm khi khách hàng giao dịch trên iBank. Đồng thời doanh nghiệp được miễn phí lựa chọn mở tài khoản số đẹp tại BIDV.
Công ty TNHH Bibabo chuyên về xây dựng nền tảng chăm sóc con cái và gia đình, được thành lập vào tháng 3/2016 (bibabo.vn). Bibabo cho biết đã hợp tác với BIDV từ tháng 6/2020 với tổng số vốn được tài trợ là 15 tỷ đồng. Trong 2 năm vừa qua, Bibabo đã được ngân hàng hỗ trợ nhiều, trong đó điển hình là miễn phí dịch vụ trả lương qua tài khoản, miễn phí phát hành thẻ, mở tài khoản cho cán bộ nhân viên.
Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Samcons Việt Nam cũng là một trong những khách hàng của BIDV, có quan hệ tín dụng với ngân hàng từ năm 2019. Theo chia sẻ của đại diện Samcons, trong 2 năm vừa qua, mặc dù đại dịch Covid-19 có nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động công ty khi một số công trình không được thi công liên tục, giá cả vật liệu đầu vào tăng cao, tuy nhiên BIDV đã có những phương án cho vay vốn và phát hành bảo lãnh phù hợp để hỗ trợ công ty đẩy nhanh được quá trình thi công, đảm bảo hoàn thành công trình đúng hạn, hạn chế các chi phí phát sinh ảnh hưởng đến hiệu quả công trình. Sản phẩm cho vay thi công xây lắp của BIDV đã giúp công ty này chủ động được nguồn vốn, kịp thời.
BIDV đã và đang tiếp tục lắng nghe, tiếp thu nhu cầu doanh nghiệp để xây dựng các gói chính sách ưu đãi hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp SMEs vươn lên phát triển mạnh mẽ sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Ánh Dương