(Tổ Quốc) - Tiểu đường không có nhiều thay đổi rõ rệt nên người bệnh thường chủ quan. Những biến chứng âm thầm xảy ra khiến nhiều người trở tay không kịp!
Tiểu đường là căn bệnh thời đại và nó đang dần trở nên phổ biến hơn mỗi ngày. Theo thống kê của Hiệp hội đái tháo đường thế giới (IDF), có hơn 425 triệu người, nghĩa là cứ 11 người thì có 1 người mắc bệnh tiểu đường. Trong đó, cứ 2 người mắc thì 1 người không biết mình bị bệnh.
Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường đang gia tăng nhanh chóng, số người mắc bệnh đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Năm 2017, nước ta ghi nhân khoảng 3,54 triệu người mắc tiểu đường (chiếm tỷ lệ 5,5% dân số). Trong đó, nhóm bệnh nhân tiền tiểu đường (bị rối loạn dung nạp glucose) là 4,79 triệu người (chiếm 7,4% dân số).
Như vậy, cứ trong 7,5 người thì có một người mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường.
Điều đáng nói là việc điều trị muộn hoặc theo dõi không sát sao sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe của bệnh nhân.
PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh Viện Đại Học Y Hà Nội đã chỉ ra hai loại biến chứng phổ biến ở người mắc đái tháo đường và gợi ý cách phòng tránh cho bệnh nhân cũng như người nhà để hạn chế rủi ro đối với sức khỏe.
Bác sĩ cho biết có 2 biến chứng thường gặp đó là biến chứng cấp tính và biến chứng mãn tính.
Biến chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường và cách dự phòng
Biến chứng cấp tính được thể hiện qua 2 dấu hiệu:
- Hạ đường huyết:
Đây là một trong những vấn đề thường gặp ở người mắc đái tháo đường. Bệnh nhân tiểu đường là những người có chỉ số đường huyết ở mức cao và cần kiểm soát để trở về ngưỡng bình thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đường huyết bị giảm xuống ngưỡng an toàn và gây ra tình trạng hạ đường huyết.
Biểu hiện của hạ đường huyết là đói, bủn rủn, vã mồ hôi, run chân tay... Trong trường hợp này, nếu bệnh nhân còn tỉnh táo thì ngay lập túc phải để bệnh nhân ăn những thực phẩm có đường chuyển hóa nhanh như bánh, kẹo ngọt, sữa tươi có đường, nước đường... Tuyệt đối không nên cho người bệnh ăn cơm vì món ăn này phải mất koảng 1 tiếng mới có thể khiến đường huyết lên cao.
Trong trường hợp nặng hơn người bị hạ đường huyết đã rơi vào trạng thái mê man thì phải đưa đi cấp cứu ngay. Phần lớn trường hợp hôn mê sâu từ 3 đến 5 phút khi cứu được thì cũng gần như đã mất não.
Hình minh họa. Ảnh: Verywell Health
Bác sĩ Thanh nhắc nhở người bị đái tháo đường nên đeo vòng tay hoặc vật dụng có thể nhắc nhở mọi người để biết mình mắc đái tháo đường phòng trường hợp khi đang ở ngoài. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên chủ động mang theo bên mình các loại kẹo cứng, đồ ngọt để có thể tự phòng tránh trong những trường hợp hạ đường huyết đột ngột.
- Tăng đường huyết quá mức:
Tăng đường huyết quá mức có thể dẫn đến hôn mê nhiễm toan xê tôn (hơi thở có mùi như mùi táo chín) và hôn mê tăng áp lực thẩm thấu. Đây là một trong những biến chứng rất nặng nề của người bệnh đái tháo đường. Những người rơi vào tình trạng này hầyu như phải đi cấp cứu đã phải đối mặt với nhiều nguy hiểm.
Biến chứng mãn tính
Bác sĩ cho biết biến chứng mãn tính ảnh hưởng đến các cơ quan như tim gan thận...
Các biến chứng này phát triển âm thầm theo thời gian. Bệnh nhân mắc tiểu đường càng lâu - và lượng đường trong máu càng ít được kiểm soát - thì nguy cơ biến chứng càng cao. Chúng có thể gây tàn phế hoặc thậm chí đe dọa tính mạng. Những rủi ro có thể xảy ra bao gồm: bệnh tim mạch, tổn thương dây thần kinh, thận hư, bệnh võng mạc, tổn thương chân, alzheimer...
Bác sĩ nhấn mạnh khi chăm sóc người bệnh tiểu đường phải biết cách chủ động phòng tránh để không để xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Để dự phòng những biến chứng đó thì trước hết phải kiểm soát đường huyết chặt chẽ bao gồm đường huyết đói, đường huyết sau ăn, không có cơn hạ đường huyết. Bên cạnh đó, bệnh nhân và người nhà cũng nên cân nhắc chế độ dinh dưỡng hợp lý để sức khỏe luôn ổn định...
Thùy Anh - Video: KingPro