Biến động trên thị trường mở ra cơ hội đầu tư các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng bởi lạm phát

(Tổ Quốc) - Xây dựng kịch bản thị trường chứng khoán trong tháng 6, SSI Research đánh giá khu vực 1.280 điểm sẽ quyết định xu hướng của chỉ số VN-Index trong giai đoạn tháng 6. Nếu vẫn duy trì trên khu vực này, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ mở rộng đà hồi phục lên vùng 1.300 -1.330 điểm.

Rủi ro đã phần nào phản ánh vào giá

SSI Research vừa có báo cáo chiến lược tháng 6, cho rằng tháng 5/2022 tiếp tục là một tháng biến động mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam với việc chỉ số VN-Index có thời điểm đã chạm xuống mức 1.156,54 điểm trong phiên ngày 17/5. Nhìn sang tháng 6, thị trường chứng khoán trong ngắn hạn vẫn còn gặp nhiều thách thức. Bối cảnh hiện tại vẫn tồn tại nhiều thông tin tiêu cực khi việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ, xung đột Nga-Ukraine kéo dài, chính sách "Không Covid" của Trung Quốc gián tiếp tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Mặc dù vậy, thông tin tích cực là việc cả thị trường chứng khoán Mỹ và Việt Nam đều đã giảm gần 14% so với đầu năm cho thấy các thách thức này đã phần nào đã phản ánh vào giá.

Biến động trên thị trường mở ra cơ hội đầu tư các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng bởi lạm phát - Ảnh 1.

Dòng vốn ETF tiếp đà mạnh mẽ và dẫn dắt khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Xét về dòng tiền đầu trên toàn cầu, SSI Research nhận định dòng tiền vào các tài sản tài chính phần nào có sự cải thiện so với tháng 4, nhưng nhìn chung vẫn tương đối thận trọng. Dòng vốn cổ phiếu quay lại bơm ròng nhẹ 8,4 tỷ USD trong tháng 5 khi diễn biến trên thị trường cổ phiếu cải thiện.

Mặt khác, dòng vốn vào thị trường phát triển đảo chiều sang bơm ròng ( 13,4 tỷ USD) nhờ từ lực hút từ thị trường Mỹ trong khi dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi rút ròng (-5,6 tỷ USD), chủ yếu đến từ việc rút ròng ra khỏi thị trường Trung Quốc trong khi dòng vốn vào các thị trường khác phân hóa.

Nhìn chung, SSI duy trì quan điểm trung lập về việc phân bổ dòng vốn vào các tài sản tài chính, đặc biệt là tới các quỹ cổ phiếu khi các rủi ro vẫn được duy trì như xung đột Nga-Ukraine kéo dài, các NHTW thắt chặt chính sách tiền tệ và suy thoái kinh tế.

Biến động trên thị trường mở ra cơ hội đầu tư các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng bởi lạm phát - Ảnh 2.

"Về dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng tiền ETF tiếp tục đà mạnh mẽ trong tháng 5 và ghi nhận mức bơm ròng theo tháng cao nhất kể từ tháng 4/2021", SSI Research đánh giá.

Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh sâu và giúp định giá trở nên hấp dẫn hơn về đầu tư dài hạn đã kích hoạt dòng tiền từ khối ngoại. Nhiều quỹ ETF bơm ròng trong tháng, trong đó đáng chú ý nhất là VFM VNDiamond và Fubon với giá trị lần lượt là 3.010 tỷ đồng và 1.861 tỷ đồng. Tổng dòng vốn ETF trong tháng 5 bơm ròng gần 4.900 tỷ đồng và nâng tổng giá trị dòng vốn lũy kế từ đầu năm lên 6.700 tỷ đồng, mức cao thứ 2 của giai đoạn 5 tháng đầu năm trong các năm quá khứ (chỉ sau giá trị 13.100 tỷ đồng trong năm 2021). Lực mua chủ yếu trong 5 tháng đầu năm vẫn từ Quỹ Fubon và VFM VNDiamond.

Biến động trên thị trường mở ra cơ hội đầu tư các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng bởi lạm phát - Ảnh 3.

Các quỹ chủ động đảo chiều bơm ròng 272 tỷ đồng trong tháng 5, là tháng bơm ròng đầu tiên sau 3 tháng rút ròng liên tục. Giao dịch khối ngoại cũng ghi nhận mua ròng trên thị trường chứng khoán trong tháng 5, với tổng giá trị là 3.489 tỷ đồng. Tính chung cho 5 tháng đầu năm, khối ngoại đã đảo chiều mua ròng gần 1 nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung giải ngân ở các nhóm ngân hàng, bất động sản và bán lẻ.

Nhìn chung, SSI Research đánh giá dòng vốn dẫn dắt khối ngoại trên thị trường trong thời gian qua chủ yếu đến từ các quỹ ETF. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng bản chất dòng vốn này là dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân ở các quốc gia như Đài Loan, Thái Lan và có thể nhanh chóng đảo chiều nếu diễn biến thị trường trong thời gian tới không có nhiều khởi sắc. Bên cạnh đó, dòng vốn vào thị trường mới nổi trong khu vực lại đã chậm lại rõ rệt trong 2 tháng qua, dưới áp lực từ việc Fed tăng lãi suất và đồng USD mạnh lên. 

Điểm tích cực đối với dòng vốn trong tháng tới là sự xuất hiện của quỹ mới DCVFMVNMIDCAP tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa. Quỹ đang trong quá trình chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng.

Tìm cơ trong nguy: Cơ hội tại các nhóm ngành phục hồi sau đại dịch và ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát

Xét về các yếu tố trong nước, SSI Research cho rằng thị trường bất động sản dự kiến cũng sẽ cũng có những khó khăn nhất định trong thời gian tới do mặt bằng giá đã ở mức cao trong bối cảnh lãi suất đảo chiều. Thị trường bất động sản là nơi có dòng tiền lớn lưu chuyển, vì vậy "sức khỏe" của thị trường này sẽ có liên quan tới thị trường tài chính nói chung, trong đó có thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường.

Đáng chú ý, động thái mua ròng của khối ngoại đã nâng đỡ cho thị trường hồi phục từ mức thấp trong trong tháng 5. Tổng dòng vốn ETF trong tháng 5 bơm ròng gần 4.900 tỷ đồng và nâng tổng giá trị dòng vốn lũy kế từ đầu năm lên 6.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các quỹ chủ động đảo chiều bơm ròng 272 tỷ đồng trong tháng 5. Tuy nhiên, việc tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đang có xu hướng quay lại mức cao do thu hẹp giao dịch từ khối nhà đầu tư cá nhân có thể khiến động lực hồi phục của thị trường suy yếu trong trường hợp dòng vốn từ khối ngoại đảo chiều. Mặt khác, lạm phát dự kiến cũng chịu áp lực cao dần trong các quý tới.

Dù có phần thận trọng hơn về triển vọng của thị trường trước các thách thức hiện tại, song SSI Research vẫn chỉ ra những yếu tố để kỳ vọng. Theo đó, nửa cuối 2022, mức tăng trưởng của những ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trước đó dự kiến sẽ ở mức tích cực so với cùng kỳ thấp năm ngoái. Ngoài ra, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ được đẩy nhanh hơn. Đặc biệt, gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng là một động lực cho tăng trưởng nếu sớm được triển khai đúng định hướng.

Nhìn chung, SSI Rearch cho rằng động lực cho thị trường chứng khoán đi lên mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay đang chưa rõ ràng. Tuy nhiên, SSI tin rằng biến động mạnh trên thị trường sẽ mang lại cơ hội ở các ngành đang hồi phục sau đại dịch và không bị ảnh hưởng nhiều bởi lạm phát tăng cao như Dầu khí, Cảng & Vận tải biển, Hóa chất, Tiêu dùng không thiết yếu, Công nghệ thông tin.

Khu vực 1.280 điểm sẽ quyết định xu hướng của chỉ số VN-Index trong tháng 6

Theo SSI Research, vùng hỗ trợ 1.160 – 1.150 điểm là vùng đã giúp chỉ số VN-Index cân bằng và hồi phục sau nhịp giảm sâu trong tháng 5. Chỉ số đóng cửa phiên cuối cùng của tháng tại mốc 1.292,68 điểm. Thanh khoản nhìn chung vẫn duy trì ở mức thấp nếu so với bình quân giai đoạn 4 tháng đầu năm.

Xây dựng kịch bản tới đây, báo cáo đánh giá khu vực 1.280 điểm sẽ quyết định xu hướng của chỉ số VN-Index trong giai đoạn tháng 6. 

Nếu vẫn duy trì trên khu vực này, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ mở rộng đà hồi phục kỹ thuật lên vùng 1.300 -1.330 điểm. 

Ngược lại, nếu xuyên thủng vùng 1.280 điểm, chỉ số VN-Index khả năng sẽ điều chỉnh trở lại với vùng hỗ trợ gần là 1.261 – 1.250 điểm.

Biến động trên thị trường mở ra cơ hội đầu tư các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng bởi lạm phát - Ảnh 4.

Phương Linh

Tin Cùng Chuyên Mục
Cổ phiếu DDB chính thức giao dịch trên UPCOM từ ngày 15/01/2025

Cổ phiếu DDB chính thức giao dịch trên UPCOM từ ngày 15/01/2025

Ngày 15/01/2025 tới, 12 triệu cổ phiếu DDB của Cổ phần Thương mại và Xây dựng Đông Dương sẽ chính thức giao dịch trên thị trường đăng ký giao dịch (UPCOM) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên 12.300 đồng/cp.
Tin mới