(Tổ Quốc) - Từ chối các thiết bị thông minh, hiện đại, bà mẹ 2 con này tự tay thiết kế không gian sống của mình bằng cách sửa chữa những vật dụng cũ, đồ phế thải cô thu thập từ khắp nơi.
Lưu Ly là một bà mẹ 7X. Năm ngoái, cô cùng chồng là Phạm Dật và hai con cùng nhau dọn vào khu biệt thự trung tâm ở Thuận Nghĩa, Bắc Kinh. Mặc dù sống trong một biệt thự, nhưng 80% ngôi nhà của Lưu Ly là đồ cũ.
Bị ám ảnh bởi việc sửa chữa, cô ấy đã tự tay biến những đồ dùng phế vật tái chế thành vật dụng hàng ngày. Một cầu thang xoắn ốc làm bằng các tấm sắt gỉ hàn, chiếc đàn piano bị hỏng trở thành một tác phẩm khổng lồ được bố trí sắp đặt trên tường, cửa sổ của ngôi nhà cũ trở thành chiếc gương... Lưu Ly từ chối lắp đặt các thiết bị thông minh, bởi vì cô thích cảm giác được tận tay kéo rèm cửa, tự tay bật từng chiếc đèn. Với Lưu Ly điều này thiết thực và thân thiện với môi trường.
Nhà của họ ở khu biệt thự trung tâm nổi tiếng ở Thuận Nghĩa, Bắc Kinh, nơi có nhiều ngôi sao hạng nhất trong nước sinh sống. Tuy vậy, nơi đây lại rất yên tĩnh, đó là điều mà Lưu Ly thích nhất.
Kiến trúc bên ngoài ngôi nhà của Lưu Luy.
Đây là ngôi nhà thứ 3 của gia đình Lưu Ly. Cô vẫn nhớ rõ những ngày thuê ở tầng hầm khi mới đến Bắc Kinh: ngày nào cũng phải cúi người ra vào nhà, thức dậy giữa đêm vì trời mưa to, nước tràn vào nhà.
Sau đó, vợ chồng Lưu Ly và Phạm Dật nghỉ việc và tự thành lập một công ty thiết kế nội thất. Bắt đúng nhịp phát triển của ngành, họ nhanh chóng thực hiện được tâm nguyện có nhà riêng tại Bắc Kinh.
Họ lựa chọn căn biệt thự hiện tại bởi yêu thích cách bài trí mở, không gian rộng 900m2 chỉ có hai tầng. Năm 2020, hai vợ chồng bắt tay vào sửa sang nhà mới, 80% vật liệu, đồ đạc được sử dụng đều là đồ cũ, thậm chí là đồ phế thải bỏ đi.
Sau khi có con, Lưu Ly trở thành một bà mẹ toàn thời gian, nhưng việc cô làm ở nhà nhiều nhất không phải là chăm sóc con mà là sửa chữa đồ cũ.
“Khi tôi còn nhỏ, bất kể thứ gì trong nhà bị hỏng, cha tôi đều tự tay sửa chữa, ngay cả quần áo của tôi cũng do mẹ tôi may”, Lưu Ly kể lại. Cô đam mê việc sửa chữa đồ cũ, đem đến cho chúng "một cuộc sống mới".
Lưu Ly đã hình thành thói quen tự tay sắp xếp mọi thứ từ khi còn nhỏ. Cô không thích điều khiển từ xa thông minh. Ngay cả khi sống trong ngôi nhà lớn, cô vẫn thích tự bật đèn và kéo từng tấm rèm một. Ngay cả chiếc chuông điện trên cổng cũng được thay bằng chiếc chuông cổ.
10 năm trước, Lưu Ly và bạn bè đi du lịch đến Tokoname, Nhật Bản. Trong một ngôi làng tập trung nhiều nghệ nhân gốm sứ, cô nhìn thấy tất cả các loại gốm sứ mà cô không thể rời mắt. Tokoname nằm ở tỉnh Aichi, Nhật Bản, có lịch sử hơn 1.000 năm, là một trong sáu "lò nung gốm cổ ở Nhật Bản”.
Trong mắt Lưu Ly, đồ dùng nứt trên giá còn quyến rũ hơn đồ gốm mới. Cô kiên trì tìm hiểu các bí quyết phục chế đồ gốm cũ. Nghệ nhân gốm người Nhật cảm phục trước sự chân thành của cô và đưa cô vào phòng vận hành của tiệm và dạy cô cách sửa chữa đồ gốm bị hỏng.
Sau khi trở về Trung Quốc, Lưu Ly luôn để ý và tìm cách sửa chữa nếu những món đồ cô yêu thích bị hỏng.
Bức tượng mỹ nghệ hình cô gái được Lưu Ly mua trong một chuyến đi châu Âu. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển bức tượng đã bị vỡ. cô đã tỉ mỉ phục chế lại tác phẩm mình yêu thích.
Cặp mèo bằng gốm được phục chế và đặt thêm bóng đèn bên trong. Khoảnh khắc bấm công tắc, chú mèo phát sáng khiến người ngắm nhìn vô cùng ngạc nhiên và xúc động. "Nếu nó không được sửa chữa, tôi sẽ không bao giờ tưởng tượng rằng đôi mắt của chúng lại đẹp như vậy", Lưu Ly chia sẻ.
Lưu Ly sửa lại chiếc ấm bị hỏng của cha cô.
Trong căn biệt thự rộng hơn 900 mét vuông của Lưu Ly, cầu thang, bàn ghế, đèn, các tác phẩm sắp đặt, các tác phẩm nghệ thuật, khung ảnh... ở mọi nơi bạn nhìn vào đều là những đồ vật cũ với những câu chuyện sau khi trùng tu, chúng như được khơi lại sức sống.
Cầu thang xoắn trong phòng khách từng là phế liệu nằm trong nhà máy hơn một năm trước. Sau khi điều chỉnh khung dưới, cột và tay vịn, Lưu Ly dùng nước muối khiến phần cầu tháng bằng sứt mới cũng gỉ sét một cách tự nhiên và hòa quyện với những tấm sắt cũ đã trải qua bao thăng trầm của cuộc sống.
Khung cửa này từng là khung cửa số của căn nhà cũ tại quê nhà của gia đình Lưu Ly. Lưu Ly đã khéo léo sửa chữa, biến nó thành một chiếc gương đặt phòng đọc sách như một góc hoài niệm.
Cô nói: "Đây không phải là sự lãng phí thời gian, cũng không phải vì tiền bạc. Thế hệ chúng tôi đã trải qua những giai đoạn phát triển văn hóa khác nhau. Những đồ vật cũ là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại". Chồng của Lưu Ly là một nhà thiết kế, anh nhận ra giá trị của những món đồ cũ và dành rất nhiều thời gian để kết hợp các đồ vật từ các thời đại khác nhau và các vùng khác nhau thành các cảnh không gian mới trong nhà mình.
Những món đồ cũ được sửa chữa lại dường như "lột xác, có một cuộc sống mới" dưới bàn tay và sự sắp xếp của vợ chồng Lưu Ly.
Vợ chồng Lưu Ly cũng đồng thuận trong việc giáo dục con cái tận dụng mọi thứ là cách tốt nhất. Vợ chồng cô ít khi mua đồ chơi mới cho con mà hướng chúng tới sự sáng tạo từ những vật dụng có sẵn.
“Sửa chữa những thứ đã cũ là sự trao đổi giữa người và vật, là một trong những ý nghĩa lớn nhất của cuộc sống. Bằng việc sửa chữa không ngừng, tôi học hỏi được rất nhiều và cũng không ngừng trưởng thành", Lưu Ly chia sẻ.
Theo The Paper
Hoàng Lan