(Tổ Quốc) - Dù mức giá của mỗi căn biệt thự hiện tại lên tới hơn 100 tỷ, tức gấp 4-5 lần so với thời điểm cách đây 5 năm, nhưng thực tế, hiếm người rao bán. Theo một chủ biệt thự ở khu vực này tiết lộ, họ mua nhà để ở và cũng không thiếu gì tiền mà phải bán, trừ khi rơi vào cảnh phá sản hay ly dị.
Chỉ vào dãy căn biệt thự nằm ven sông, ông T.N bảo: "Giá căn biệt thự này bây giờ cao lắm. Tăng gấp mấy lần mà chẳng có ai bán. Cứ căn nào "thò" ra rao bán đã có ngay người khác mua. Đắt là vì bây giờ làm sao mà có thể tìm được căn biệt thự nằm ở ven Hà Nội, ven dòng sông lãng mạn như thế này? Đắt là vì bây giờ có một khu đáng sống này để ở tại Hà Nội chẳng còn tìm ở đâu ra".
Năm 2016, vợ chồng ông N. mua căn biệt thự nằm ven sông với giá 31 tỷ đồng. "Ngày xưa tôi mua, mọi người chê đổ tiền đi lãng phí vì mua biệt thự tận Long Biên, nơi xa xôi, hẻo lánh. Nhưng mọi người không hiểu rằng, xu hướng sau này sẽ là đa trung tâm. Thời điểm tôi mua, giá có thể cao hơn so với khu vực khác nhưng lại có khả năng tăng giá vì chắc chắn nơi đây sẽ phát triển thành một trung tâm mới".
Đến năm 2018, giá căn biệt thự mà ông N. mua đã có người trả tới hơn 70 triệu đồng, tức gấp 2 lần. Đến năm 2021, ông N. kể, đã có khách tới tiếp tục trả gấp đôi so với mức giá năm 2018.
Biệt thự tại Long Biên sở hữu mức giá trên 100 tỷ đồng nhưng hiếm người rao bán. (Ảnh: N.L)
"Thực tế, đã có một số căn biệt thự ở đây giao dịch với mức giá trên 100 tỷ đồng. Đó là căn còn bé và vị trí không đẹp như căn nhà tôi. Mức giá trung bình của biệt thự khu vực này là 400-500 triệu đồng/m2".
Tuy nhiên, theo tiết lộ của ông N., dù giá biệt thự tăng mạnh, với tổng giá trị lớn nhưng lượng người bán lại rất hiếm hoi.
"Nói thật, người đã ở khu này đều là người giàu, có tiền. Như tôi, tôi có thiếu gì tiền mà phải bán. Trừ khi rơi vào tình cảnh phá sản hoặc vợ chồng ly dị thì mới bán nhà. Người như chúng tôi quan trọng nhất là nơi để ở. Những người ở quen nơi đây khó có thể tìm được nơi ở tốt", ông N. chia sẻ.
"Như cách nhà tôi mấy căn, năm ngoái, đôi vợ chồng hàng xóm ly dị, quyết định bán căn biệt thự với giá hơn 80 tỷ đồng. Ông chồng dọn chuyển đồ đi chưa đầy 1 tuần, đã phải về đề nghị mua lại căn biệt thự. Người mua mới đòi phải trả chênh thêm 7 tỷ đồng, chỉ sau 1 tuần chuyển nhượng. Ông hàng xóm cũng phải chấp nhận vì "ở đây quen, ra ngoài ở không chịu được".
2 năm trở lại đây, phân khúc biệt thự dành cho giới nhà giàu với tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ đến hơn trăm tỷ đồng chưa có dấu hiệu dừng tăng giá.
Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, tháng 1/2022, thời điểm tháng cận Tết, nhiều người nghỉ Tết sớm, một số phân khúc bất động sản "hạ nhiệt" nhưng loại hình biệt thự, liền kề tại Hà Nội và TP. HCM vẫn có mức độ quan tâm tăng đáng kể, lần lượt là 29% và 30%. Tại Hà Nội, tập trung chủ yếu ở các khu vực Long Biên, Gia Lâm.
Còn theo báo cáo thị trường Hà Nội quý IV/2021 của Savills Việt Nam, trong kỳ này không ghi nhận dự án biệt thự, nhà liền kề nào mới. Nguồn cung mới chỉ đến từ các giai đoạn tiếp theo của một số dự án đang bán. Đại diện Savills cho biết, nguồn cung sơ cấp thị trường biệt thự Hà Nội đã liên tục thiếu hụt trong một thời gian dài. Dự báo từ đơn vị này ghi nhận, giá biệt thự tại Hà Nội sẽ còn tiếp tục tăng khi nguồn cung khan hiếm, nhu cầu về loại hình này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nguyễn Linh