Tối ngày 6/1/2024, Cộng đồng Cựu sinh viên Phú Thọ – Bách khoa (BKA) đã phối hợp với Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) tổ chức "Đại hội Đại biểu Cộng đồng Cựu sinh viên Phú Thọ – Bách khoa lần II năm 2024".
Đại hội nhằm mục đích "Hợp tác phát triển", tăng cường các hoạt động hỗ trợ, bổ trợ trường và thúc đẩy hơn nữa sự kết nối, hợp tác giữa các cựu sinh viên với nhau và với nhà trường.
Đại hội quy tụ hơn 1.500 đại biểu, cựu sinh viên, sinh viên tiêu biểu cùng lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa qua nhiều thời kỳ. Chủ tịch Tập đoàn THACO, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Ban đại diện Cộng đồng cựu sinh viên Phú Thọ – Bách Khoa, cho biết đây là mùa Đại hội thứ 3, kể từ nhiệm kỳ đầu tiên năm 2021 – 2023.
Đại hội hội Đại biểu Cộng đồng Cựu sinh viên Phú Thọ – Bách khoa theo ông Dương cũng là khởi đầu của một tổ chức chưa có tiền lệ và diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Dù vậy, nhờ vào sự quyết tâm, nỗ lực của từng thành viên, Ban Đại diện BKA đã triển khai thực hiện nhiều Dự án/ Chương trình trong nhiệm kỳ (2021-2023), và đề ra phương hướng, kế hoạch hoạt động trong nhiệm kỳ mới (2024 – 2029), bao gồm:
Dự án BKA Platform: là nền tảng công nghệ số nhằm kết nối Cộng đồng sinh viên, giảng viên, Cựu sinh viên Phú Thọ - Bách Khoa (BKA) với nhau, qua đó truyền thông sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trong Cộng đồng BKA, theo yêu cầu thực tiễn.
Dự án Nhà Hiệu bộ tại Cơ sở 2: Đây là công trình do Nhà trường xây dựng phần thô, BKA hỗ trợ về ý tưởng thiết kế và làm đầu mối tổ chức kêu gọi tài trợ các gói thầu hoàn thiện. Hiện tại dự án đã hoàn thiện thiết kế và quy hoạch 1/500.
Dự án Trung tâm hỗ trợ Công nghiệp phía Nam (IDCS): với mục tiêu kết nối giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp thực hiện các hoạt động: nghiên cứu & phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở khu vực phía Nam.
Dự án Thành lập Viện đào tạo Quản trị và Lãnh đạo: định hướng hoạt động bổ trợ cho công tác đào tạo chính khoá của Nhà trường để trang bị kiến thức về quản trị và lãnh đạo cho sinh viên và Cựu sinh viên, sẽ nghiên cứu khả thi để triển khai trong nhiệm kỳ II.
Quỹ học bổng Sinh viên: Ban Đại diện BKA đã thành lập "Quỹ học bổng và hỗ trợ phát triển Bách Khoa" chính thức và đủ điều kiện đi vào hoạt động từ ngày 06/12/2022. Đến nay đã huy động được tổng cộng là 22,7 tỷ đồng. Trong đó tại các Khoa /Trung tâm là 7,4 tỷ đồng.
Quỹ hỗ trợ cho sinh viên vay lãi suất 0%: với quan điểm là xây dựng cho sinh viên tinh thần tự lập và không để việc học của sinh viên bị ảnh hưởng vì lý do học phí. Trong 5 học kỳ thí điểm vừa qua, Quỹ đã hỗ trợ cho 344 sinh viên với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, trong Nhiệm kỳ II sẽ tiếp tục triển khai và mở rộng đối tượng cho vay với số lượng mục tiêu là 1.000 suất vay/ 1 học kỳ với tổng số tiền trên 15 tỷ đồng.
Không gian Truyền thống Phú Thọ - Bách Khoa: là công trình mang tính biểu trưng, hài hòa về mặt kiến trúc và thẩm mỹ, cũng là nơi ghi nhận công lao của Quý Thầy Cô, sự đóng góp tiêu biểu của các Cựu sinh viên, lưu dấu lịch sử của phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên Phú Thọ - Bách Khoa.
Hội trường Đa năng BKA: là công trình được thiết kế xây dựng theo chuẩn để tổ chức các Hội thảo, Hội nghị Quốc tế quan trọng của Nhà trường và cũng là nơi tổ chức các hoạt động chính khóa của BKA. Bên cạnh đó, Hội trường là nơi để các Cựu sinh viên tổ chức họp mặt kỷ niệm.
Trong nhiệm kỳ tới, BKA cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với nhà Trường và các Khoa/Trung tâm chọn lọc các dự án cần thiết để mời gọi tài trợ thực hiện. Theo ông Trần Bá Dương, với mục tiêu Hợp tác – Phát triển, BKA Platform cũng sẽ được phát triển để kết nối thông tin cựu sinh viên với nhà trường, đồng thời quảng bá, hỗ trợ nghiên cứu khả thi hợp tác đầu tư vào các doanh nghiệp cựu sinh viên ở các ngành nghề.
Ngoài ra, Hội đồng Ban đại diện BKA còn đã và đang nghiên cứu thành lập CTCP Hợp tác Đầu tư BKA. "Ban Đại diện BKA sẽ nghiên cứu hình thành mô hình hợp tác phát triển để kết nối giữa các doanh nghiệp của các cựu sinh viên hướng tới phát triển các ngành sản xuất kinh doanh về kỹ thuật công nghệ, có tính truyền thống của Đại học Bách khoa. BKA sẽ là tổ chức cựu sinh viên tiên phong và kiểu mẫu, đồng hành và hỗ trợ cho ĐH Bách Khoa nói riêng và giáo dục đại học nói chung, và nhất là tạo ra được giá trị tích hợp và bền vững. Qua đó, tạo ra kinh phí hoạt động cho BKA trong nhiệm kỳ tới và lâu dài", ông Trần Bá Dương chia sẻ thêm.