(Tổ Quốc) - Nhiều trung tâm tài chính, công nghệ, công nghiệp của Trung Quốc đang biến thành những "thành phố ma" vì Zero Covid.
Tờ Bloomberg đưa tin, trong quá khứ chiến lược Zero Covid của Trung Quốc đã quyết liệt và có hiệu quả, bảo toàn mạng sống của rất nhiều người và giữ cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid mới hiện đang cho thấy sẽ rất tốn kém nếu muốn vẫn theo đuổi Zero Covid. Chưa kể đến việc, cũng có rất nhiều rủi ro đi kèm với bất kỳ nỗ lực nào muốn thay đổi chiến lược này.
Các nhà chức trách đang chiến đấu để ngăn chặn sự lan rộng của biến thể Omicon vốn có tốc độ lây lan cực kỳ nhanh. Thượng Hải – trung tâm tài chính lớn nhất của cả nước hiện đang bị phong tỏa chỉ vài tuần sau khi trung tâm công nghệ Thâm Quyến cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Trong vài tháng tới, Trung Quốc dường như vẫn hướng tới mục tiêu phải tiêu diệt hoàn toàn virus thay vì sống chung với dịch như cách nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng. Tuy nhiên, khi những thách thức bảo vệ hệ thống y tế công cộng và nền kinh tế khi theo đuổi Zero Covid đang dần hiện rõ, những cuộc tranh luận bắt đầu nổ ra. Bất kỳ quyết định nào cũng sẽ dẫn tới những tác động cực kỳ quan trọng với 1,4 tỷ người dân trong cả nước và thậm chí cho nền kinh tế toàn thế giới vốn đã đang rất khó khăn vì xung đột giữa Nga và Ukraine.
Tờ Bloomberg đã phân tích những tác động tới y tế và kinh tế theo 3 con đường khác nhau. Đầu tiên là: Nhắm tới phong tỏa từng địa phương để số ca nhiễm về 0. Thứ 2 là mở cửa dần dần, khi vaccine đã được phủ nhiều hơn. Thứ 3 là cơn ác mộng của đợt tái bùng phát mới khiến phải phong tỏa toàn quốc.
Với chi phí của việc phong tỏa đang nhìn thấy rõ, việc mở cửa dần dần và có kiểm soát trở thành lựa chọn ít tồi tệ nhất với Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là khi nào và bằng cách nào. Thực hiện Zero Covid mà không tốn chi phí là điều không thể, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy tỷ lệ tử vong dưới cách chống dịch này có thể rất nhỏ so với con số 1 triệu ca mất vì Covid tại Mỹ.
Trong viễn cảnh tồi tệ nhất, khi biến thể Omicron lây lan ngoài tầm kiểm soát có thể gây ra hàng nghìn người chết mỗi ngày, nếu muốn tránh việc này, Trung Quốc sẽ phải phong tỏa toàn quốc,. Điều đó có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế xuống 1,6% trong năm nay và gây ra một cú sốc mới cho nền kinh tế toàn cầu.
PHONG TỎA THƯỢNG HẢI
Đã có 40.000 ca nhiễm tại Trung Quốc trong làn sóng dịch mới nhất và về căn bản con số này sẽ tăng nếu các trường hợp không triệu chứng được tính vào.
Chủ nhật tuần trước, Thượng Hải đã tuyên bố sẽ phong tỏa thành phố làm 2 giai đoạn để thực hiện xét nghiệm diện rộng. Giai đoạn thứ 2 bắt đầu vào ngày thứ 6, hạn chế 16 triệu người sống ở phía tây thành phố rời khỏi nhà sau khi kết thúc 4 ngày phong tỏa ở phía đông. Động thái này theo sau việc phong tỏa Thâm Quyến 1 tuần và Cát Lâm – trung tâm công nghiệp ở phía đông bắc. Hiện 20 tỉnh thành phố - chiếm 70% GDP của Trung Quốc có các khu vực có ca nhiễm Covid được phân loại là nguy cơ cao hoặc trung bình.
Chi phí kinh tế của việc phong tỏa dĩ nhiên rất dễ thấy.
Công nghiệp của Trung Quốc đã phục hồi nhưng tiêu dùng vẫn ảm đạm. Việc phong tỏa Thâm Quyến đã đóng góp vào việc thị trường chứng khoán sụt giảm và gây khó khăn cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Foxconn – nhà cung cấp chính của Apple là một trong những công ty bị buộc đóng cửa nhà máy. Ở Thượng Hải, nhà máy của Tesla cũng phải ngừng hoạt động trong giai đoạn phong tỏa.
Tiếp đến là chi phí về xã hội. Tháng 11/2020, đường phố Thượng Hải đông đúc những người chạy thi marathon khi cả thế giới vẫn đang giãn cách và ngưỡng mộ nhìn Trung Quốc thành công chống dịch. Hiện tại, tình huống đã bị đảo ngược: Học sinh Thượng Hải quay lại học trực tuyến trong khi hầu hết các nước trên thế giới đã mở cửa lại trường học.
Chưa kể đến việc rủi ro với hệ thống y tế công cộng cũng đang tăng lên. Dưới cách tiếp cận Zero Covid, ưu tiên của Trung Quốc là tối thiểu hóa số ca nhiễm trong khi giữ nền kinh tế hoạt động trơn tru nhất có thể. Việc xét nghiệm diện rộng và phong tỏa địa phương sẽ mang lại hiệu quả. Nhưng Omicron đã khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn.
ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA TIẾP THEO?
Dù với việc bao phủ vaccine 100% và đã có mũi tăng cường, tình hình của nhiều nước trên thế giới cho thấy rằng việc bảo việc lại biến thể Omicron vẫn bị giới hạn. Tại Anh, 2 liều AstraZeneca và 1 liều tăng cường vaccine mRNA khiến tỷ lệ bảo vệ chống lại biến thể mới từ 60% xuống còn 40% sau 3 tháng.
Trong quá khứ, Trung Quốc từng tiêm thần tốc được 20 triệu liều vaccine trong 1 ngày. Với tốc độ đó, mũi tăng cường đã được tiêm cho 127 triệu người ở Quảng Đông – thành phố đông dân nhất Trung Quốc chỉ trong 1 tuần.
Nếu dịch bùng phát mạnh, cuộc chiến để ngăn cản virus sẽ phải yêu cầu lệnh phong tỏa nghiêm ngặt giống như hồi đầu năm 2020. Việc như vậy sẽ trở thành thảm họa với tốc độ tăng trưởng GDP trong năm nay, giảm xuống khoảng 1,6% so với mức các chuyên gia dự tính 5% hiện tại.
Điều đáng nói, tác động của việc phong tỏa rộng sẽ không chỉ ảnh hưởng tới Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng toàn cầu vốn đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố cũng sẽ thêm ảm đạm. Tác động tới lạm phát khó dự đoán hơn. Tuy nhiên, việc tăng trưởng chậm sẽ gây ra giảm phát và nhu cầu yếu hơn của Trung Quốc sẽ khiến thị trường hàng hóa toàn cầu yếu đi, khiến giá năng lượng tăng. Chưa kể đến việc, nếu các nhà máy Trung Quốc và cảng biển ở đây ngừng hoạt động, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ căng như dây đàn.
Hiện tại vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy họ sắp thay đổi cách tiếp cận chống dịch. Zhang Wenhong – chuyên gia tư vấn Covid cho chính quyền Thượng Hải đã nói rằng giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến chống virus sẽ cần có vaccine, điều trị và nguồn lực y tế. Điều này ngụ ý rằng sự chuẩn bị đã sẵn sàng cho một hoạt động dịch chuyển khỏi chiến lược Zero Covid.
Trong một cuộc họp vào hồi tháng 3, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã cam kết sẽ giảm tối đa tác động kinh tế đi kèm các biện pháp chống dịch. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ sẽ dịch chuyển hẳn sang sống chung với Covid bởi theo tính toán của chính phủ Trung Quốc, lợi ích của việc ngăn sự lây lan rộng vẫn sẽ hơn. Theo đó, họ dự đoán chiến lược này sẽ giúp cả nước giảm được 1 triệu người chết và 50 triệu ca bệnh nặng.
Nguồn: Bloomberg
Vân Đàm