(Tổ Quốc) - Theo Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, mức phạt đối đa đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm (nói cách khác là bỏ hoang đất) trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì hình thức và mức xử phạt, cụ thể:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng dưới 0,5 héc ta. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 03 héc ta đến dưới 10 héc ta. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 10 héc ta trở lên.
Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính. Theo Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, mức phạt tối đa là 20 triệu đồng.
Về biện pháp khắc phục hậu quả, tổ chức, cá nhân buộc phải sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai.
Theo Khoản 1 Điều 15 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất sau đây sẽ không bị xử phạt hành chính. Cụ thể như, do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, thảm họa môi trường; Do ảnh hưởng trực tiếp của hỏa hoạn, dịch bệnh; Do ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh; Các trường hợp bất khả kháng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bảo Anh (TH)