Bữa ăn học đường - Chiến lược khoa học cho tầm vóc người Việt

(Tổ Quốc) - Bữa ăn học đường không chỉ là chuyện trẻ được cho ăn đủ chất, ngon miệng và an toàn, mà còn là cách mà các nhà giáo dục bồi đắp cho trẻ tinh thần hợp tác, thái độ trân trọng nguồn thực phẩm cũng như thói quen và sự hiểu biết đúng về dinh dưỡng lành mạnh.
Bữa ăn học đường - Chiến lược khoa học cho tầm vóc người Việt - Ảnh 1.

Sau khi kết thúc chiến tranh vào năm 1945, nhiều trẻ em Nhật Bản không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Học sinh lớp 6 (năm cuối tiểu học) thời đó có thân hình tương đương học sinh lớp 4 ngày nay. Đứng trước tình trạng báo động đỏ, Chính phủ Nhật ban hành nghị định khuyến khích nhân rộng bữa trưa trường học hay còn gọi là "Kyushoku" trên toàn quốc. Hệ thống bữa trưa học đường, sữa học đường được bắt đầu thực hiện vào ngày 24/12/1946 tại tất cả trường học ở Tokyo, quận Kanagawa và Chiba. Không dừng lại đó, Chính phủ Nhật đã nghiên cứu và "luật hóa" dinh dưỡng học đường đồng thời đưa ra tiêu chuẩn, tập trung quản lý nghiêm ngặt về chất lượng dinh dưỡng và chế độ rèn luyện thể chất tại các trường học.

Bữa ăn học đường - Chiến lược khoa học cho tầm vóc người Việt - Ảnh 2.

Hơn 7 thập kỷ trôi qua, những nỗ lực trên đã tạo ra bước tiến vượt bậc trong tầm vóc trẻ em Nhật Bản. Họ đã vươn lên trở thành quốc gia có chiều cao trung bình thuộc top đầu Châu Á và đáng chú ý hơn là các bệnh liên quan đến mất căn bằng dinh dưỡng cũng giảm đi rõ rệt. 

 Dinh dưỡng học đường là một trong những giải pháp giúp thế hệ trẻ ở Nhật Bản phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ. Tính đến năm 2010, Nhật có tới hơn 12.000 chuyên gia dinh dưỡng tại các trường học (trong đó có khoảng 3.400 là giáo viên dinh dưỡng).

Cũng nhờ hệ thống này, trẻ em Nhật được trang bị đầy đủ kiến thức về dinh dưỡng lành mạnh để áp dụng với các bữa ăn tại nhà, tiến tới trở thành thói quen trong cuộc sống về sau. Bữa ăn tập thể tại trường học cũng là cơ hội để trẻ học hỏi tinh thần hợp tác, thái độ trân trọng, biết ơn đối với những người đã cung cấp nguồn thực phẩm tươi ngon. Trẻ em cũng được phân công để tham gia và chịu trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị, phục vụ, ăn uống và dọn dẹp sau bữa ăn học đường, từ đó rèn luyện ý thức tự giác, tinh thần hòa hợp, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm cũng như nuôi dưỡng các đức tính quan trọng khác cho học sinh.

Bữa ăn học đường - Chiến lược khoa học cho tầm vóc người Việt - Ảnh 3.

Sau hơn nửa thế kỷ bền bỉ áp dụng chương trình Bữa ăn học đường thành công, người Nhật đã bứt phá không chỉ ở thể chất mà còn trí lực vượt trội, tỏa sáng trong nhiều lĩnh vực học tập, kinh doanh, thể thao, văn hóa… Đó có lẽ cũng là khát vọng của mọi quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. 

Điều chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận là, tại Việt Nam, các chương trình dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực... đã được thực hiện ở cấp Quốc gia nhiều năm. Các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu… đã đau đáu vì mục tiêu lớn này. Tuy nhiên, do chưa được luật hóa nên các chương trình chưa được đảm bảo về tính tuân thủ cũng như dành nguồn lực phù hợp. 

Tạp chí Dân số Thế giới vừa công bố, chiều cao trung bình của người Việt là 162,1cm, thấp thứ 4 thế giới. 35 năm qua, người Việt chỉ cao thêm 4cm. Do vậy, việc huấn luyện thế hệ trẻ em tăng cường vận động, ăn đủ chất, lành mạnh để trở thành nguồn nhân lực cạnh tranh về thể lực, chiều cao, sức bền… với thế giới là mục tiêu lớn Việt Nam đang hướng tới.

Bữa ăn học đường - Chiến lược khoa học cho tầm vóc người Việt - Ảnh 4.

Góp sức hiện thực hóa mục tiêu này, từ tháng 8/2020 đến tháng 5/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nghiên cứu cấp quốc gia về dinh dưỡng, với "Mô hình điểm bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên". Nghiên cứu này được thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn TH. 

Mô hình được thực hiện tại 10 tỉnh/ thành phố (đại diện cho 5 vùng sinh thái khác nhau) gồm: trẻ Mầm non (TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, tỉnh Thái Bình và tỉnh Quảng Nam), học sinh Tiểu học (Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, An Giang). 

Chiều 8/10, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết Mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam, năm học 2020-2021. PGS - TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, sự khác biệt căn cốt của đề án dinh dưỡng học đường mới này, đó là không chỉ tập trung vào chuyện ăn của trẻ, mà hướng đến thay đổi nhận thức về dinh dưỡng hợp lý của xã hội - điều mà Nhật Bản đã đi trước chúng ta hơn nửa thế kỷ đồng thời kết hợp với rèn luyện thể lực, tập luyện thể thao hợp lý.

Bữa ăn học đường - Chiến lược khoa học cho tầm vóc người Việt - Ảnh 5.

Điều quan trọng nhất, theo PGS - TS Nguyễn Thanh Đề là: "Mô hình điểm Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường vận động thể lực cho HSSV Việt Nam mà chúng tôi thực hiện trong năm học vừa qua cơ bản đã tìm ra "chìa khóa", giải pháp "key" cho bài toán kép này". 

Mô hình đã được tiến hành một cách khoa học, bài bản với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng, thể thao, các nhà giáo dục và phụ huynh. Điểm khác biệt của Mô hình điểm là đã đảm bảo được sự phát triển cân bằng, hoàn hảo về thể lực và trí tuệ cho trẻ em trong giai đoạn này". 

Vụ trưởng cũng nhấn mạnh, việc nâng cao tầm vóc Việt không chỉ nhấn mạnh vào phát triển dinh dưỡng và thể chất, mà là hành trình nuôi dưỡng toàn diện và bền vững. Khi trẻ em phát triển nhận thức về chế độ ăn lành mạnh, chế độ vận động tích cực, đó sẽ là nền móng vững chắc góp phần quan trọng trong việc cải thiện thể lực và trí lực của các em khi trưởng thành cũng như tạo tiền đề cho sự vươn mình của các thế hệ người Việt tiếp theo.

Bữa ăn học đường - Chiến lược khoa học cho tầm vóc người Việt - Ảnh 6.

Mô hình điểm Bữa ăn học đường cũng đề cao giáo dục thể chất. Nhưng giáo dục thể chất không chỉ là tập thể dục. Trong triết lý giáo dục hiện đại, phát triển thể chất cho trẻ em không được coi là một môn "phụ", mà là sự gắn kết xuyên suốt các hoạt động học đường: Ăn, học, chơi, vận động. 

"Dinh dưỡng và thể chất có mối quan hệ tương hỗ quan trọng. Trẻ em chỉ có thể phát triển được nếu được cung cấp đầy đủ cả về mặt dinh dưỡng và vận động, rèn luyện thể dục. Các hoạt động giáo dục thể chất trong học đường góp phần vào việc phát triển toàn diện cho trẻ, trong đó là phát triển thể chất, phát triển trí tuệ, phát triển cảm xúc và phát triển kỹ năng xã hội. Bởi vậy, đầu tư cho giáo dục thể chất cho trẻ em ngay từ nhỏ sẽ là nền tảng vững chắc cho trẻ phát triển toàn diện trong tương lai" - PGS - TS Nguyễn Thanh Đề phân tích. 

Tín hiệu của sự thay đổi rõ nét nhất của trẻ sau 1 năm học thí điểm mô hình Bữa ăn học đường, theo nhận định của các phụ huynh, là rất tích cực. Mô hình cung cấp 400 thực đơn được xây dựng cân đối, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tận dụng triệt để thực phẩm tự nhiên tại địa phương, phù hợp khẩu vị học sinh, bổ sung sữa tươi sạch trong khẩu phần ăn, đạt được sự yêu thích của cả học sinh và gia đình... 

Chiều cao trung bình của các trẻ tại các trường được can thiệp tăng 3,6cm, tỷ lệ thừa cân béo phì giảm 2,68% đối với học sinh mầm non và 2,63% đối với học sinh tiểu học. Ít nhất 95% học sinh mẫu giáo và tiểu học đạt chuẩn thể lực theo đánh giá của mô hình. 

100% cán bộ quản lý, nhân viên bếp, nhân viên y tế và 94,4% giáo viên được truyền thông hoặc tập huấn nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, nguyên tắc xây dựng khẩu phần ăn; 97,9% phụ huynh học sinh được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý, bữa ăn học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Những tín hiệu tốt đó sẽ là cơ sở cho các bước tiếp theo của Đề án, trong đó có luật hóa dinh dưỡng.

Bữa ăn học đường - Chiến lược khoa học cho tầm vóc người Việt - Ảnh 7.

Có một sự thật là dù rất có ý thức về việc chăm chút, chú tâm đầu tư cho thế hệ trẻ, nhưng những bữa ăn học đường của trẻ em vẫn khiến các bậc cha mẹ và cả những nhà quản lý trăn trở. 

Bởi lẽ, các tiêu chuẩn cho bữa ăn học đường hiện tại vẫn chưa đầy đủ, thống nhất, toàn diện, chưa được hệ thống hóa, các quy định chồng chéo tồn tại rải rác ở nhiều văn bản của các bộ, ngành khác nhau.. Mỗi địa phương, thậm chí mỗi trường lại thực hiện dinh dưỡng học đường một cách khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hóa và thói quen, chưa có sự chuẩn hóa và kiểm soát bằng quy chuẩn toàn diện. Ở một số nơi, bữa ăn ở trường cũng mới chỉ dừng lại ở việc ăn (nuôi dưỡng thể chất), mà chưa đạt đến giá trị về giáo dục dinh dưỡng (nuôi dưỡng tâm trí), chưa kết hợp với giáo dục thể chất. Phải chăng, đó là bởi chúng ta vẫn chưa có luật về dinh dưỡng học đường như nhiều nước khác, mà điển hình là Nhật Bản?

Bữa ăn học đường - Chiến lược khoa học cho tầm vóc người Việt - Ảnh 8.

Đánh giá về điểm sáng của Mô hình điểm được thực hiện ở 10 tỉnh thành thuộc các vùng sinh thái khác nhau, có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, mang tính đại diện cao cho các vùng miền, ông Đàm Quốc Chính- Trưởng ban Đề án 641 lạc quan cho rằng, đây có thể coi là "cuộc cách mạng" về dinh dưỡng học đường. Quan trọng hơn, đó sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng luật về dinh dưỡng học đường của Việt Nam trong tương lai. 

"Mô hình đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực được tiến hành một cách khoa học, bài bản, chắc chắn sẽ giúp trẻ hình thành chế độ ăn lành mạnh, chế độ vận động tích cực góp phần quan trọng trong việc cải thiện thể lực và trí lực trẻ em, học sinh. 

Kết quả của nghiên cứu từ mô hình điểm sẽ được sử dụng làm cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng Luật về Dinh dưỡng học đường, hiện thực hóa một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030, góp phần nuôi dưỡng, cải thiện tầm vóc, sức khỏe và trí tuệ thế hệ tương lai". - ông cho hay. 

Thông qua việc nghiên cứu bài bản và khoa học thực tiễn tại Việt Nam, rút kinh nghiệm và bài học từ quốc tế một cách phù hợp, việc đề ra luật dinh dưỡng học đường trong tương lai có nhiều thuận lợi. Ông cho rằng, Luật Dinh dưỡng học đường (khi được xây dựng và thông qua) sẽ bao trùm toàn diện các nội dung về dinh dưỡng, về rèn luyện thể chất, có thể kể đến một vài nội dung chính như quy định về tiêu chuẩn dinh dưỡng của bữa ăn học đường; quy trình tổ chức bữa ăn học đường, về triển khai can thiệp giáo dục thể chất và cả chính sách về cơ sở vật chất - trong đó chắc chắn có nội dung về không gian, thời gian tối thiểu đảm bảo hoạt động thể chất của học sinh.

Bữa ăn học đường - Chiến lược khoa học cho tầm vóc người Việt - Ảnh 9.

Mặt khác, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất của Bộ Giáo dục cũng nhấn mạnh, đây không phải việc riêng của nhà trường mà rất cần sự phối hợp, đồng hành từ phía phụ huynh, thậm chí phụ huynh cũng phải được tập huấn để tạo ra kết quả tích cực. Bởi lẽ, ngoài thời gian ăn, học ở trường, các em dành thời gian còn lại trong gia đình. 

Bên cạnh việc phối hợp, khuyến khích con em mình tham gia vào các hoạt động ở trường, cha mẹ cũng cần đồng thời chủ động tạo động lực cho con học hỏi, làm bạn cùng con, cùng xây dựng những thói quen lành mạnh, kiến thức tốt về dinh dưỡng, vận động, cảm xúc… Có như thế, việc thay đổi và bứt phá của thế hệ trẻ mới bền vững, thay đổi từ căn cốt của xã hội. Khi phụ huynh thay đổi, họ không chỉ thay đổi thế hệ mình, mà còn tạo sức bật cho thế hệ con em mình.

Bữa ăn học đường - Chiến lược khoa học cho tầm vóc người Việt - Ảnh 10.

Việc đầu tư vào phát triển thể lực và trí lực cho thế hệ trẻ là đầu tư vào phát triển bền vững mang tính chiến lược quốc gia, là phát triển nòi giống của dân tộc. Để làm vậy, không chỉ cần đầu tư về tài chính, mà còn cần sự nỗ lực, tận tâm và quyết liệt của cả xã hội. 

Một trong những giải pháp hữu ích và bền vững là luật hóa dinh dưỡng học đường. Khi đã là luật, các quy chuẩn chất lượng về dinh dưỡng trở nên rõ ràng, minh bạch, do đó sẽ hạn chế, ngăn ngừa được những hành vi cẩu thả, thiếu trách nhiệm hoặc trục lợi trên sức khỏe trẻ em. 

Luật hóa dinh dưỡng và sức khỏe học đường trên toàn quốc tạo điều kiện cho trẻ em được chăm sóc cân bằng và công bằng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh mất cân bằng dinh dưỡng, phát triển thể lực và trí lực của thế hệ tương lai.

Bữa ăn học đường - Chiến lược khoa học cho tầm vóc người Việt - Ảnh 11.

Đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Mô hình điểm về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh, sinh viên Việt Nam trong năm học vừa qua, Tập đoàn TH kiên định với tâm thế dành những gì tốt nhất, quy chuẩn nhất cho trẻ em, vì tầm vóc Việt, như bà Thái Hương, nhà sáng lập của Tập đoàn TH đã làm rõ trong "tầm nhìn, sứ mệnh" của TH: "Con người là chủ thể của xã hội, là nguồn lực quyết định sự phát triển đất nước. Sự phát triển thể lực, trí lực và tâm hồn của mỗi cá nhân là rất quan trọng. Một quốc gia chỉ vững mạnh khi con người được phát triển toàn diện cả thể chất và trí lực, trong đó yếu tố tiên quyết cho sự phát triển này là nguồn dinh dưỡng thiết yếu như lúa, gạo, thực phẩm, các sản phẩm sữa và một chế độ chăm sóc sức khỏe bền vững. Đầu tư vào phát triển thể lực và trí lực là phát triển nòi giống của dân tộc, là đầu tư vào phát triển bền vững mang tính chiến lược quốc gia. Những dự án đầu tư của TH tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, khoa học công nghệ và khoa học quản trị đan xen vào nhau tạo ra những sản phẩm hàng hóa trong nông nghiệp với sản lượng và chất lượng đột phát theo chiều hướng phát triển bền vững và có lợi cho sức khỏe".

Ánh Dương

Tin Cùng Chuyên Mục
Hành trình 10 năm tỏa sáng nụ cười chắc khỏe của thương hiệu kem đánh răng dược liệu tiên phong tại Việt Nam

Hành trình 10 năm tỏa sáng nụ cười chắc khỏe của thương hiệu kem đánh răng dược liệu tiên phong tại Việt Nam

Là thương hiệu kem đánh răng dược liệu tiên phong trên thị trường, sau 10 năm không ngừng phát triển, Ngọc Châu đã trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của triệu triệu gia đình Việt, chinh phục giới chuyên môn bởi chất lượng tốt, được các đơn vị ngành Răng Hàm Mặt lựa chọn trong các dự án chăm sóc sức khỏe răng miệng cộng đồng.
Tin mới