(Tổ Quốc) - Những phụ nữ Nga không thể mua túi xách Chanel đã tức giận và quyết định cắt vụn những chiếc túi đắt đỏ của nhà mốt này. Trước đó, Chanel tuyên bố sẽ dừng hoạt động tại Nga, thậm chí không bán hàng cho người Nga tại nước ngoài.
Phụ nữ rất coi trọng việc được mua sắm thả ga, không phải lo nghĩ đến giá tiền. Nếu bị cản đường chẳng khác nào đồng nghĩa với việc đánh thức "con thú" trong họ. Mới đây, rất nhiều phụ nữ Nga đã quyết định phản đối trên mạng xã hội theo cách đặc biệt vì bị từ chối mua sắm các phụ kiện của thương hiệu xa xỉ Chanel.
Cụ thể, họ bày tỏ sự phẫn nộ bằng cách phá hủy những chiếc túi Chanel đắt tiền của mình và cho rằng nguyên nhân dẫn đến điều này là do "chứng sợ người Nga". Người dẫn chương trình truyền hình kiêm nữ diễn viên Marina Ermoshkina nói: "Không một món đồ hay thương hiệu nào có thể sánh với tình yêu đất nước và lòng tự tôn của tôi".
Marina Ermoshkina nói thêm rằng cô ấy đang chống lại "chứng sợ" người Nga và các thương hiệu ủng hộ sự bài xích này. Nếu việc sở hữu Chanel có nghĩa là bán quê hương của mình thì cô ấy không cần Chanel.
"Đối với phụ nữ Nga chúng tôi, sở hữu Chanel không có ý nghĩa gì. Chính chúng tôi là gương mặt đại diện cho thương hiệu này. Từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã luôn mơ ước được mua những chiếc túi . Nhưng không có chiếc túi nào, hay bất cứ thứ gì khác, hơn cả tình yêu quê hương hay lòng tự tôn của tôi", cô nói thêm.
Hai người nổi tiếng quyết định cắt túi Chanel để phản đối việc hãng này không bán hàng cho người Nga.
Sử dụng cách tương tự, DJ Katya Guseva, với 587.000 người theo dõi trên Instagram nói: "Tôi đang nói không với Chanel. Họ buộc tôi phải ký vào một tài liệu đáng xấu hổ là từ chối quê hương để ủng hộ thương hiệu của họ. Tôi chống lại chứng sợ người Nga và chống lại sự phân biệt đối xử theo quốc tịch. Để cho bạn thấy tôi nghiêm túc thế nào, tôi chỉ đơn giản là sẽ cắt chiếc túi này. Tôi không cần nó nữa. Tạm biệt, Chanel".
Cùng với đó, rất nhiều phụ nữ khác như nữ doanh nhân đến từ Monaco - Victoria Bonya, blogger du lịch người Nga Sharli Prokopif và một số người khác cũng làm theo bằng cách xé toạc những chiếc túi Chanel đắt tiền của họ. Cuộc phản đối diễn ra sau khi Chanel thông báo ngừng hoạt động tại Nga, thậm chí còn từ chối bán cho người Nga ở các nước khác với ý định mang về nước.
Động thái của Chanel cho thấy các thương hiệu xa xỉ đang thích ứng với các biện pháp trừng phạt dù đối mặt với nhiều chỉ trích trên mạng xã hội về việc “bài xích Nga”. Trên mạng xã hội Twitter, Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ trích động thái của Chanel.
Dù gây chú ý là vậy nhưng sự phẫn nộ nói trên của những phụ nữ Nga lại vấp phải nhiều phản ứng trái chiều. Một số người bình luận hành động của họ là vô ích và đang thổi phồng mọi chuyện bằng cách cắt những chiếc túi để phản đối chính sách của thương hiệu. Nhiều người khác cho rằng sự phản đối đó không hay, giống như một hành động có tổ chức.
Việc kinh doanh tại Nga trở nên phức tạp kể từ khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Mỹ, Anh cùng Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay lên Moskva.
Trước đó, đầu tháng 3, nhiều thương hiệu xa xỉ đình đám thế giới, bao gồm Chanel, Hermès, Prada và LVMH, đã đóng cửa hàng tại Nga kể từ khi Moscow bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine. Chanel hôm 4/3 tuyên bố đóng toàn bộ cửa hàng và đã dừng giao hàng cũng như dừng hoạt động thương mại điện tử vài ngày trước đó.
Dù ngày càng nhiều người Nga giàu có quan tâm đến hàng hóa xa xỉ nhưng các chuyên gia đánh giá nó vẫn rất nhỏ so với các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc. Theo ngân hàng đầu tư Jefferies, số tiền người Nga chi cho hàng hiệu chiếm khoảng 9 tỷ USD doanh thu hàng năm, chỉ bằng 6% chi tiêu của người Trung Quốc và 14% của người Mỹ.
Khánh Vy