(Tổ Quốc) - Khảo sát trên gần 2 triệu người đã chỉ ra tiếng ồn từ giao thông là nguyên nhân gây ra căn bệnh nguy hiểm khi về già.
Sa sút trí tuệ là căn bệnh đang đe dọa sức khỏe cộng đồng trong thế kỷ 21. Năm 2015, số bệnh nhân mắc căn bệnh này là 47 triệu người, và ước tính con số sẽ lên tới 132 triệu vào năm 2050. Trong đó có 60 - 70% là bệnh Alzheimer.
Suy giảm khả năng nhận thức và chức năng xã hội không chỉ mang lại nhiều trở ngại cho người bệnh, gia đình bệnh nhân mà còn là gánh nặng của xã hội. Trong bối cảnh già hóa toàn cầu ngày nay, việc nghiên cứu và tìm ra giải pháp cho tình trạng này là nhiệm vụ cấp thiết.
Nguyên nhân, cơ chế và cách điều trị của bệnh sa sút trí tuệ dù chưa được xác định chính xác, nhưng điều quan trọng là phải tìm ra các biện pháp để kiểm soát chứng bệnh này. Ngoài các nguyên nhân bắt nguồn từ lối sống, các yếu tố môi trường cũng có thể dẫn tới căn bệnh này.
Mối liên hệ giữa tiếng ồn và sa sút trí tuệ
Hiện tại, các nghiên cứu đã phân tích mối quan hệ giữa tiếng ồn và chứng sa sút trí tuệ. Giáo sư Manuella Lech Cantuaria thuộc Viện Mærsk McKinney Møller của Đại học Nam Đan Mạch đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí British Medical Journal.
Nghiên cứu đã theo dõi gần 2 triệu người tham gia trong khoảng 8,5 năm.
Theo đó, tiếng ồn của đường bộ làm tăng tỷ lệ mắc chứng sa sút trí tuệ từ 9 - 21%. Trong khi đó tiếng ồn đường sắt làm tăng tỷ lệ mắc chứng sa sút trí tuệ khoảng 9 - 19%. Tính đến năm 2017, 11,36% bệnh nhân sa sút trí tuệ ở Đan Mạch được chẩn đoán là do tiếng ồn đường bộ và 2,98% là do tiếng ồn đường sắt.
Nghiên cứu đã phân tích thông tin của 1.398.994 người dân từ 60 tuổi trở lên ở Đan Mạch. Thời gian bắt đầu từ tháng 1 năm 2004 đến tháng 12 năm 2017. Đồng thời nhóm nghiên cứu còn thu thập thông tin về nhà ở của họ từ năm 1994 để đảm bảo thời gian sống ở một vị trí nhất định.
Kết quả chỉ ra người dân ở các khu vực mặt đường có tỷ lệ mắc chứng sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và các loại sa sút trí tuệ khác cao hơn.
Trong thời gian theo dõi trung bình 8,5 năm, có tổng cộng 103.500 người tham gia mắc chứng sa sút trí tuệ trong nghiên cứu này. Cụ thể, khi tiếng ồn trên đường lớn hơn 65 decibel, nguy cơ mất trí nhớ do bệnh Alzheimer cao hơn 16% so với nhóm dưới 45 decibel.
Các kết luận nghiên cứu này có giá trị xã hội cao, cho thấy tiềm năng của việc giảm tiếng ồn trong việc ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ. Việc can thiệp vào tiếng ồn giao thông sẽ mang lại lợi ích xã hội và nâng cao sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của người dân.
Để giảm nguy cơ sa sút trí tuệ, chúng ta cần chú ý những điều sau:
1. Hoạt động thể chất
Vận động thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để giảm nguy cơ sa sút trí tuệ. Điều này mang lại lợi ích cho tim mạch, tuần hoàn, cân nặng cũng như sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Điều quan trọng là mỗi người phải tìm ra cách tập thể dục phù hợp với bản thân. Nếu là người mới bắt đầu, bạn có thể lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng và đơn giản và sau đó tăng cường độ theo thời gian. Dù chỉ 10 phút tập thể dục cũng mang lại lợi ích nhất định. Ngoài ra mọi người cũng nên hạn chế ngồi quá lâu.
2. Ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ mất trí nhớ, cũng như các bệnh khác bao gồm ung thư, tiểu đường loại 2, béo phì, đột quỵ và bệnh tim.
Hình minh họa (Ảnh: Dementia)
3. Không hút thuốc
Những người hút thuốc có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn nhiều so với số còn lại. Ngoài ra, thói quen này cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác, bao gồm bệnh tiểu đường loại 2, đột quỵ, phổi và các bệnh ung thư khác.
4. Giảm căng thẳng
Căng thẳng kéo dài gây ảnh hưởng đến não bộ, làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Một trong những giải pháp giúp thư giãn là thực hành thiền. Bài tập này có thể làm tăng mô bảo vệ trong não và giảm hormone cortisol - thủ phạm làm tăng nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ.
5. Tập thể dục trí óc
Thường xuyên rèn luyện trí óc có tác dụng làm giảm nguy cơ mất trí nhớ. Để làm được điều này, mỗi người cần tìm ra một thứ mình thực sự thích và có thể suy trì nó trong một thời gian dài.
Ví du: Bạn có thể tham gia một khóa học để lấy bằng cấp, học một ngôn ngữ mới, chơi trò giải câu đố, ô chữ, đọc sách thách hoặc viết lách...
Nguồn: The Paper, Alzeimers.org
Thuỳ Anh