(Tổ Quốc) - Tiết kiệm và tái cấu trúc chi phí đầu tư CNTT là điều bắt buộc đối với các CIO trong bối cảnh khủng hoảng tuy nhiên cần phải thực hiện công việc này theo một cách tối ưu và hiệu quả nhất.
Tái cấu trúc danh mục đầu tư để tối ưu hóa chi phí
Theo công ty tư vấn chiến lược McKinsey, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, giám đốc công nghệ thông tin của các doanh nghiệp có xu hướng thận trọng hơn trong các khoản chi tiêu cho CNTT. Các CIO đang đứng trước nhiệm vụ triển khai các công nghệ để tối ưu hoá vận hành cho doanh nghiệp, từ đó gia tăng năng suất, giảm chi phí.
Cũng theo McKinsey, tiết kiệm chi phí đầu tư CNTT là điều bắt buộc đối với các CIO trong bối cảnh khủng hoảng tuy nhiên việc thực thi cần có sự nghiên cứu cẩn trọng và tối ưu nhất. Điều này có nghĩa là việc tiết giảm vừa phải góp phần giảm thiểu chi phí tổng thể của doanh nghiệp nhưng vừa phải giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu suất. Lời giải cho bài toán tiết giảm chi phí ở đây chính là đầu tư thông minh. Hay nói chính xác hơn, CIO sẽ cân đối và cấu trúc các khoản đầu tư mới để vừa tạo ra động lực, vừa giúp doanh nghiệp tối ưu sản xuất, vận hành, từ đó đáp ứng "mục tiêu kép" mà doanh nghiệp đề ra.
Bằng cách hợp tác chặt chẽ với các đơn vị kinh doanh, CIO có thể giúp công ty tối ưu hiệu suất thông qua các khoản đầu tư vào tự động hóa quy trình, hay thúc đẩy tăng doanh thu dựa trên mô hình kinh doanh mới thông qua ứng dụng công nghệ số. Trong đó, 4 hướng đầu tư mà chuyên gia của McKinsey khuyến nghị các CIO nên đầu tư đó là triển khai các ứng dụng, hạ tầng xương sống hỗ trợ cho khách hàng và nhà cung cấp chuyển dịch sang các kênh trực tuyến; chuyển đổi sang công nghệ điện toán đám mây; tự động hóa quy trình dựa trên công nghệ RPA và AI; triển khai các công cụ hỗ trợ làm việc từ xa.
Tìm kiếm đối tác tin cậy cho việc tăng năng suất, an toàn và triển khai thần tốc
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, việc thuê các đối tác CNTT chiến lược phát triển, triển khai các dự án CNTT được xem như một chiếc phao cứu sinh giúp các doanh nghiệp vừa tối ưu được ngân sách chi cho CNTT vừa đảm bảo tồn tại và bứt phá trong bình thường mới. Theo Telegraph, các công ty có thể tiết kiệm tới 30% chi phí hoạt động thông qua việc thuê đối tác CNTT chiến lược phát triển, triển khai các dự án CNTT.
Tuy nhiên, theo McKinsey, khi lựa chọn các đối tác, CIO nên tập trung vào hai tiêu chí quan trọng. Một là khả năng giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề một cách nhanh nhất và hai là khả năng giúp doanh nghiệp phục hồi, bứt phá sau Covid -19.
Theo ông Đặng Trần Phương, Giám đốc FPT tại thị trường Mỹ, trước tác động của dịch Covid-19, cùng với việc xem xét lại ngân sách đầu tư cho CNTT, các doanh nghiệp của Mỹ cũng đang có xu hướng rút gọn lại danh sách các đối tác. "Họ mong muốn tìm kiếm các đối tác tin cậy cho việc tăng năng suất, an toàn và triển khai thần tốc các dự án CNTT", ông Phương cho biết thêm.
Ông Đặng Trần Phương, Giám đốc FPT Mỹ cho biết trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Mỹ mong muốn tìm kiếm các đối tác tin cậy cho việc tăng năng suất, an toàn và triển khai thần tốc các dự án CNTT
Mới đây nhất, một công ty hàng đầu về kinh doanh ô tô tại Mỹ với mong muốn tối ưu khoản ngân sách hàng trăm triệu USD chi tiêu cho các dự án CNTT hàng năm đã quyết định rút ngọn danh sách các đối tác cốt lõi, từ con số vài chục xuống còn dưới 5 đối tác. Qua các vòng đấu thầu, FPT đã vượt qua các đối thủ trở thành đối tác ưu tiên hàng đầu, được tham gia tất cả các dự án CNTT của công ty này. "Chúng tôi sẽ triển khai các dự án ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động kinh doanh của công ty hàng đầu thế giới này từ A-Z, tức là từ khâu tư vấn, phát triển đến triển khai, bảo trì bảo dưỡng để giúp khách hàng tăng 30% hiệu suất hoạt động", ông Phương chia sẻ.
Ngay trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Mỹ, công ty kinh doanh ô tô hàng đầu tại Mỹ này đã tin tưởng trao quyền triển khai từ A-Z các dự án CNTT với tổng quy mô gần 20 triệu USD cho FPT.
Lý do FPT được khách hàng "đặt trọn niềm tin", theo ông Phương "Bên cạnh năng lực công nghệ được tích lũy trong suốt hơn 30 năm qua và đã được kiểm nghiệm thực tế tại hơn 100 doanh nghiệp trong danh sách Fortune Global 500, FPT còn cho khách hàng thấy một mô hình làm việc khác biệt. Đó là sự hợp lực giữa đội ngũ chuyên gia tư vấn, am hiểu thị trường bản địa mà FPT có được sau thương vụ M&A Intellinet và nhân sự chất lượng cao từ các trung tâm nguồn lực của FPT trên toàn cầu".
Năm 2018, FPT tiến hành M&A Intellinet, công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ giúp FPT nâng tầm vị thế công nghệ, trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số. Hiện với nguồn lực và mạng lưới 05 trung tâm phát triển phần mềm lớn tại Việt Nam và hệ thống 46 văn phòng, chi nhánh tại 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, FPT có thể cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, với quy mô đào tạo của trường Đại học FPT hiện nay, FPT có thể nhanh chóng đáp ứng cả về số lượng và chất lượng nhân sự công nghệ thông tin theo nhu cầu của khách hàng.
Hiện FPT đang tiếp tục theo đuổi mục tiêu lớn và dài hạn trở thành doanh nghiệp số và đứng trong Top 50 công ty hàng đầu thế giới về dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Mới đây, Tập đoàn này cũng đã đưa ra bộ giải pháp chuyển đổi số , giúp các doanh nghiệp chủ động trước diễn biến bất ngờ, phức tạp; quản trị, ra quyết định một cách hiệu quả nhất trong trạng thái bình thường mới. Những sản phẩm, giải pháp, nền tảng trên là kết quả của quá trình tiên phong đầu tư nghiên cứu, phát triển theo xu hướng công nghệ mới của FPT trong suốt nhiều năm qua.
AD