(Tổ Quốc) - "Làm thế nào để bảo vệ người cao tuổi, khi đến ăn còn chẳng đủ nữa là tìm thuốc uống? Làm thế nào để bắt dân làng rửa tay thường xuyên khi nước sạch còn chẳng đủ? Làm thế nào để bắt họ đeo khẩu trang hay hạn chế đi lại khi các gia đình chẳng đủ thu nhập để nuôi sống bản thân?", cô Ntoumi ngậm ngùi nói.
Vào chiều muộn ngày 15/3/2020, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố trên đài truyền hình rằng Covid-19 là đại dịch quốc gia. Quyết định này cho phép chính phủ Nam Phi thực hiện hàng loạt động thái cứng rắn cũng như tiếp cận được với nhiều nguồn hỗ trợ tài chính trên thế giới.
"Chưa bao giờ trong lịch sử của nền dân chủ Nam Phi hiện nay lại phải đối mặt với tình huống khó khăn như vậy", Tổng thống Cyril thừa nhận sau khi tuyên bố lệnh đóng cửa các trường học, hạn chế đi lại và cấm tụ tập đám đông trên toàn quốc.
Cho đến thời điểm hiện tại, Châu Phi vẫn được coi là may mắn khi dịch Covid-19 mới lan rộng tại Châu Á, Châu Âu và Mỹ. Bản đồ virus Corona của trường đại học Johns Hopkins cho thấy đại dịch này đang lây lan khắp nơi nhưng Châu Phi lại hiếm có trường hợp nhiễm cho đến thời gian gần đây.
Cách đây 10 ngày, Nam Phi mới có trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh nhưng con số đã nhanh chóng nhảy lên 61 ca hiện nay. Có vẻ sự may mắn của châu lục hơn 1 tỷ dân này đã hết. Theo Tổng thống Cyril, dịch Covid-19 đã bắt đầu lây lan mạnh trên cả nước và hàng loạt các quốc gia khác như Rwanda, Guinea, Namibia… đã phát hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19.
"Tôi đang lo lắng rằng Châu Phi sẽ trở thành quả bom nổ chậm trong dịch Covid-19", chuyên gia nghiên cứu Bruce Bassett của trường đại học Cape Town nhận định.
Xét nghiệm chưa chặt chẽ
Mặc dù việc xử lý dịch bệnh tại Châu Phi nhận được sự chú ý của thế giới nhưng nhiều chuyên gia lo ngại hệ thống y tế yếu kém sẽ giúp Covid-19 tàn phá mạnh hơn những khu vực khác. Thêm nữa, tỷ lệ người nhiễm các loại bệnh khác như HIV, lao phổi ở Châu Phi là rất cao, khiến rủi ro tử vong khi nhiễm Covid-19 là vô cùng lớn.
Một yếu tố nữa khiến Covid-19 tại Châu Phi trở nên cực kỳ nguy hiểm là khu vực này khó thực hiện các lệnh cách ly do cuộc sống nghèo khó. Việc tụ tập đông người ở thành phố hay các khu ổ chuột là chuyện không thể tránh khỏi.
"Chúng tôi chưa thể hình dung nổi Covid-19 sẽ tàn phá Châu Phi như thế nào", Giám đốc Glenda Gray của Hội đồng nghiên cứu y khoa Nam Phi (SAMRC) lo lắng.
Tháng trước, Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus của Tổ chứ y tế thế giới (WHO) đã phải thừa nhận ông vô cùng lo lắng nếu Covid-19 lây lan ra những nước có hệ thống y tế cực kỳ yếu.
Khu vực Châu Phi cận Sahara mới phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào ngày 27/1/2020 nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa có một thống kê chính xác về tốc độ lây lan trong cộng đồng. Báo cáo của chính phủ các nước chỉ cho thấy số ca dương tính, phần lớn là những người từ Châu Âu đến mà chưa xác định được họ đã lây cho bao nhiều người địa phương.
Hơn 40 quốc gia tại Châu Phi đã có khả năng xét nghiệm Covid-19 nhưng họ phần lớn tập trung vào những trường hợp nhập cảnh từ Châu Âu. Dẫu vậy, việc chỉ xét nghiệm những người có biểu hiện sốt, ho khi qua hải quan là sơ hở khi thời kỳ ủ bệnh của Covid-19 lên đến 14 ngày với vô số trường hợp nhiễm bệnh nhưng vẫn có biểu hiện bình thường.
Bên cạnh đó, chính phủ nhiều nước vẫn chưa đẩy mạnh cách ly hay xét nghiệm những trường hợp tiếp xúc với người dương tính Covid-19, bởi vậy vẫn còn rất nhiều người nhiễm trong cộng đồng địa phương chưa được phát hiện.
"Tôi cho rằng việc chúng ta sẽ có một đại dịch là điều không thể tránh khỏi", Giám đốc Salim Abdool Karim của Chương trình nghiên cứu AIDS tại Nam Phi (APRSA) thừa nhận.
Khó phòng bệnh khi còn đói ăn
Tất nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng Châu Phi có ưu thế nhất định trong cuộc chiến với Covid-19. Ví dụ họ có tỷ lệ dân số trẻ nhất thế giới với độ tuổi bình quân khoảng 20 tuổi. Cho đến hiện tại trẻ em vẫn là thành phần hiếm khi bị tác động bởi Covid-19 và phần lớn những người trẻ tuổi dễ bình phục sau khi dính bệnh. Trái lại, người già thường gặp nhiều rủi ro hơn do nhiễm nhiều loại bệnh khác nhau.
Tại Châu Phi, chỉ khoảng 3% dân số trên 65 tuổi, thấp hơn rất nhiều so với 12% tại Trung Quốc, nơi Covid-19 bùng phát.
Mặt khác, một số chuyên gia cũng cho rằng nhiệt độ cao ở Châu Phi có thể hạn chế sự phát tán của Covid-19 khi bệnh cúm thông thường tại đây thường chỉ bùng phát vào tháng 4 hàng năm khi thời tiết đã lạnh đi. Tuy nhiên nếu Covid-19 trở thành một đợt dịch theo mùa hằng năm thì rủi ro đại dịch tại Châu Phi vẫn vô cùng lớn.
Theo chuyên gia dịch tễ Francine Ntoumi của trường đại học Marien Ngouabi tại Congo, một số nước như Rwanda đã ban hành lệnh cách ly như đóng cửa trường học, văn phòng cũng như cấm tụ tập đông người ngay khi phát hiện trường hợp nhiễm đầu tiên nhưng điều này hầu như chẳng mấy ý nghĩa khi nhiều gia đình tại đây vẫn sống cùng nhau qua nhiều thế hệ.
"Làm thế nào để bảo vệ người cao tuổi khi đến ăn còn chẳng đủ nữa là tìm thuốc uống? Làm thế nào để bắt dân làng rửa tay thường xuyên khi nước sạch còn chẳng đủ? Làm thế nào để bắt họ đeo khẩu trang hay hạn chế đi lại khi các gia đình chẳng thu nhập để nuôi sống bản thân?", cô Ntoumi ngậm ngùi nói.
Tại những nước nghèo ở Châu Phi, hệ thống y tế nhiều nơi không đủ sức chăm sóc cho những người bệnh Covid-19 khi đã chuyển biến xấu. Họ cũng không đủ sức chứa lượng lớn người nghi nhiễm bệnh bởi chính các nước tiên tiến tại Châu Âu hiện cũng phải quá tải.
Một nghiên cứu năm 2015 tại Kenya cho thấy quốc gia 50 triệu dân này chỉ có 130 giường bệnh đặc trị và 200 y tá chuyên khoa, trong khi họ mới phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên cách đây vài ngày.
Tồi tệ hơn, Giám đốc Gray cho biết tỷ lệ nhiễm HIV và lao phổi lớn ở Châu Phi khiến Covid-19 nguy hiểm hơn bao giờ hết. Nghiên cứu của Viện hàn lâm khoa học Nam Phi (ASSA) cho thấy những người nhiễm HIV có nguy cơ nhập viện cao gấp 8 lần và nguy cơ tử vong cao gấp 3 lần so với người thường khi nhiễm Covid-19.
AB