(Tổ Quốc) - Các nhà nhập khẩu khí đốt của Nga ở châu Á bối rối sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các quốc gia "không thân thiện" phải trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Đây là một cú sốc mới nhất đối với thị trường năng lượng toàn cầu.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan nằm trong danh sách các quốc gia bị coi là "không thân thiện". Tất cả đều nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các dự án Sakhalin-2 và Yamal LNG ở miền đông nước Nga.
Hôm thứ Tư (23/3), ông Putin nói rằng Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt với khối lượng và giá cả cố định trong hợp đồng nhưng sẽ yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp của Nga. Nhật Bản, nhà nhập khẩu LNG của Nga lớn nhất ở châu Á, ngay sau đó đã bày tỏ việc không biết Nga sẽ thực thi yêu cầu đó như thế nào.
"Hiện tại, chúng tôi đang xem xét tình hình với các bộ liên quan vì chúng tôi không hiểu ý định của Nga là gì và họ sẽ thực hiện điều này như thế nào", Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Shunichi Suzuki nói tại cuộc họp Quốc hội nước này.
Nhật Bản đã nhập khẩu 6,84 triệu tấn LNG từ Nga trong năm 2021,chiếm gần 9% tổng lượng LNG nhập khẩu của nước này, theo dữ liệu của Refinitiv.
JERA, hãng nhập khẩu LNG lớn nhất của Nhật Bản, đã không nhận được bất kỳ thông báo nào từ Sakhalin Energy, liên doanh vận hành Sakhalin-2, về việc thay đổi đơn vị tiền tệ thanh toán từ đô la Mỹ sang rúp Nga, một phát ngôn viên của công ty cho biết. Người phát ngôn nói thêm rằng JERA - nhà sản xuất điện lớn nhất của Nhật Bản, sẽ tiếp tục thu thập thông tin.
JERA là công ty liên doanh giữa Tokyo Electric Power Company Holdings và Chubu Electric Power. JERA, sản xuất điện vừa bằng than, vừa bằng nhiên liệu, mua khoảng 2 triệu tấn LNG mỗi năm từ dự án Sakhalin-2 theo hợp đồng dài hạn, dữ liệu của Tổng công ty Quốc gia Dầu khí và Kim loại Nhật Bản (JOGMEC) cho biết.
Theo người phát ngôn của JERA, Tokyo Gas và Osaka Gas, hai nhà cung cấp khí đốt trong nước lớn nhất của Nhật Bản, cũng đang kiểm tra chi tiết về thông tin Nga yêu cầu thanh toán tiền mua khí bằng đồng rúp.
Tokyo Gas, một trong những khách hàng mua LNG lớn nhất của Nhật Bản, đã từ chối bình luận về bất kỳ chi tiết nào trong hợp đồng dài hạn trị giá 1,1 triệu tấn/năm với Sakhalin Energy, bao gồm cả loại tiền tệ mà công ty có thể sử dụng để thanh toán.
Sakhalin Energy do Gazprom của Nga sở hữu 50% cổ phần, Shell nắm 27,5%, phần còn lại của các công ty thương mại của Nhật Bản Mitsui & Co và Mitsubishi Corp.
Shell ngày 28/2 đã cho biết rằng họ sẽ từ bỏ dự án, và chính phủ Nhật Bản nói rằng việc rút lui của Shell không ảnh hưởng đến nhập khẩu năng lượng của Nhật Bản.
Mitsui và Mitsubishi đang kiểm tra chi tiết về thông báo của Nga, người phát ngôn của hai công ty này cho biết.
Lượng LNG nhập khẩu từ Nga của các nước Châu Á.
Ảnh hưởng tới những khách hàng khác
Hàn Quốc, nhà nhập khẩu LNG Nga lớn thứ ba châu Á, dự kiến có thể vẫn tiếp tục nhập khẩu. Ủy ban Dịch vụ Tài chính của nước này cho biết họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để tạo thuận lợi cho thương mại.
Tập đoàn Khí đốt Hàn Quốc (KOGAS) cho biết họ nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn LNG của Nga, chiếm khoảng 6% lượng nhập khẩu của công ty. Tuy nhiên, KOGAS không giao dịch trực tiếp với Nga vì hợp đồng mua bán của họ là với Sakhalin Energy và các khoản thanh toán cho khí đốt sẽ được chuyển vào một ngân hàng Nhật Bản ở Singapore.
Một quan chức của KOGAS cho biết: "Vì chúng tôi đang thực hiện thanh toán cho ngân hàng Nhật Bản đó nên hiện tại chúng tôi không thấy vấn đề gì, nhưng chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của vấn đề này".
Bộ Kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) cho biết CPC Corp, thuộc sở hữu nhà nước, có một chuyến khí đốt Nga sẽ đến vào cuối tháng này. Bộ này cho biết họ "chưa nhận được thông tin rằng hệ thống thanh toán sẽ được điều chỉnh".
Ngày 23/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong tuần này Nga sẽ yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp. Thông điệp của ông Putin rất rõ ràng: Nếu các vị muốn khí đốt, hãy mua bằng tiền của chúng tôi. Chưa rõ liệu Nga có thể đơn phương thay đổi điều khoản hợp đồng để chuyển từ thanh toán bằng đồng euro sang rúp hay không.
Giá bán buôn khí gas ở một số nước châu Âu đã tăng hơn 30% trong ngày 23/2 vì lo ngại bước đi này sẽ càng làm trầm trọng cơn đói năng lượng ở châu lục.
Việc yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp được coi là cách để ông Putin cố gắng nâng cao giá trị đồng rúp, vốn lao dốc mạnh sau khi Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Ông Putin cho biết chính phủ và ngân hàng trung ương có một tuần để đưa ra giải pháp về việc chuyển hoạt động sang tiền tệ của Nga và Gazprom sẽ được lệnh thực hiện các thay đổi tương ứng đối với các hợp đồng. Gazprom cho biết 58% tổng lượng khí đốt của họ bán cho châu Âu và các nước khác được thanh toán bằng đồng euro. Đồng đô la Mỹ chiếm khoảng 39% và sterling chiếm 3%. Khí đốt từ Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ của châu Âu. Số tiền EU trả để mua khí đốt từ Nga trong năm nay dao động từ 200 – 800 triệu euro mỗi ngày.
Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại của tại Đại học Cornell, cho biết động thái này khó có thể có hiệu quả với Moscow.
Ông Prasad nói: "Các nhà nhập khẩu nước ngoài chắc chắn sẽ vui lòng trả tiền mua hàng xuất khẩu của Nga bằng đồng tiền đang giảm giá trị, mặc dù việc tiếp cận với đồng rúp theo cách không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt có thể rất khó khăn". Theo ông, việc thanh toán bằng đồng rúp sẽ không giúp nhiều cho mục tiêu đảm bảo cho Nga có các ngoại tệ mạnh cần thiết để thúc đẩy giá trị nội tệ trên các thị trường toàn cầu hoặc thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Giá khí đốt Châu Á và Châu Âu tăng vọt do lo ngại về nguồn cung từ Nga.
Tham khảo: Refinitiv
Vũ Ngọc Diệp