(Tổ Quốc) - Theo các sếp nhân sự ở INSEE Việt Nam, Unilever Việt Nam, thì các ‘tân binh’ thị trường nhân sự có 2 đặc điểm nổi bật: khi nào cũng tỏ vẻ tự tin nhưng cũng hết sức mong manh dễ vỡ và không dễ mở lòng; ngoài ra họ còn rất thiếu kiên nhẫn - kế hoạch sự nghiệp ở mỗi công ty chỉ từ 6 tháng đến 2 năm và 2 năm mà không được thăng chức thì sẽ ra đi…
Theo một báo cáo Báo cáo chuyên sâu của Anphabe về xu hướng tìm việc và đi làm của Gen Z mới đây, thì các tân binh của thị trường lao động (tức những bạn sinh từ năm 1990 đến 2010 hay còn gọi là Gen Z) được nhận xét bởi những cụm từ sau: rất tự tin thể hiện quan điểm, sẵn sàng ‘đôi co’ tranh luận với sếp, làm việc hết mình và muốn được nhận lại xứng đáng, ‘cả thèm chóng chán’ và sẵn sàng nghỉ việc nếu hết hứng thú với công việc hoặc công ty….
Tuy nhiên, theo các sếp nhân sự của các công ty đầu ngành, như INSEE Việt Nam và Unilever Việt Nam thì đó chưa phải là chân dung đầy đủ nhất của Gen Z và không phải tất cả những đặc tính của Gen Z đều nên được khuyến khích – có thứ cần phải tiết chế, thì mới tốt cho sự nghiệp của chính họ.
Theo chị Trần Hải Ninh - Giám đốc Nhân sự, INSEE Việt Nam: Việc nói lên ý kiến của mình là tốt nhưng trong nhiều ngữ cảnh thì lại không tốt, do các bạn Gen Z chưa hiểu được gốc rễ của vấn đề hoặc không có được cái nhìn toàn cục.
Tùy văn hóa của công ty, không phải là Gen Z mà tất cả các thế hệ, nếu cảm thấy không đồng quan điểm với sếp thì có thể tranh cãi, nhưng phải lịch sự.
"Tôi không đồng ý với quan điểm Gen Z ‘cả thèm chóng chán’, nhưng đúng là các bạn nghỉ hơi nhanh và hơi nhiều. Các bạn có khuynh hướng sau khi ‘cháy’ hết mình 2 đến 3 năm - chỉ lo làm việc không ăn không chơi, thì các bạn muốn thăng chức. Công ty mà 2 năm thăng chức lên 1 lần thì hơi hiếm và không phải tất cả mọi người đều được thăng chức hết, nên các bạn sẽ có xu hướng đi tìm ‘tình yêu’ nơi khác.
Nhưng tôi mong là các bạn hiểu rằng, ở nơi khác cũng rất khó để thăng chức mỗi 2 năm và tình yêu mới cũng sẽ mau chán, rồi có thể các bạn lại đi tìm nơi khác", chị Trần Hải Ninh cho hay.
Việc Gen Z nhảy việc quá nhiều đang gây đau đầu cho các lãnh đạo nhân sự và doanh nghiệp. Bởi vì phía công ty đã bỏ nhiều công sức để đào tạo – anh chị lãnh đạo cũng phải bỏ nhiều tâm huyết để bày vẽ, nhưng giờ phải đào tạo lại.
Nếu đây là một thực trạng ở thị trường lao động, thì doanh nghiệp buộc phải chấp nhận. Tuy kiêm, kèm theo đó là doanh nghiệp ít mong đợi hơn ở Gen Z, vì khi cất nhắc thì doanh nghiệp sẽ ưu tiên những thế hệ trước - những người gắn bó lâu dài với công ty hơn. Đó cũng là một thiệt thòi cho Gen Z vì cơ hội thăng tiến vuột qua tầm tay do thiếu kiên nhẫn.
Hơn nữa, trong công ty mọi người đều có những cống hiến khác nhau, nếu Gen Z đi sớm về khuya nhưng làm việc không hiệu quả, thì không thể nói là ‘tôi đi sớm về khuya nên tôi phải có những quyền lợi thế này thế kia’. Chắc gì một người ‘đi sớm về khuya’ lại cống hiến cho công ty nhiều hơn người đi về đúng giờ?!
Trần Hải Ninh - Giám đốc Nhân sự, INSEE Việt Nam
Vậy nên, Gen Z phải có cống hiến thiết thực, chịu lắng nghe để học hỏi và hoàn thiện bản thân của mình; cái đó sẽ mang lại lợi ích thực tế cho bản thân các bạn. Còn nếu mình cống hiến mà không biết mình có mang lại giá trị thật cho công ty hay không, thì không nên.
"Ở đây chính là việc thiếu về mặt truyền thông, chia sẻ giữa 2 bên: 1 bên thì âm thầm cống hiến còn bên kia thì cứ bảo ‘em cứ làm đi chuyện gì đến sẽ đến’. Phải có sự đối thoại để làm rõ vấn đề giữa 2 bên", Giám đốc Nhân sự INSEE Việt Nam cho biết.
Bên cạnh đó, chị Trần Hải Ninh cũng nghĩ là các sếp nhân sự nên có một cách nhìn nhẹ nhàng hơn với Gen Z, bởi các bạn cũng rất ‘mong manh dễ vỡ’.
Có rất nhiều bạn còn rất trẻ đã có nghị lực lớn. Các bạn là người làm chủ gia đình dù còn rất trẻ, nên các bạn quên yêu thương bản thân mình, các bạn muốn đạt cái này cái kia và phải gồng lên. Qua thời gian dài, họ sẽ kiểu ‘tại sao không ai hỏi han mình’ nhưng ‘nội tâm rất thâm hậu’; phải tỉ tê thật lâu rồi qua mấy cái rào, các bạn mới chịu mở lòng chia sẻ sự khó khăn – cô đơn của mình.
Phần mình, anh Trung Trương - Trưởng phòng Đối tác chiến lược Nhân sự - Unilever Việt Nam, cho rằng: ‘Tự tin thể hiện quan điểm’ là một từ khóa tuyệt vời, mà chúng ta cần phải học tập.
Cách đây 5 năm - lúc bắt đầu làm sếp, anh từng gặp trường hợp bị nhân viên – gần Gen Z, ‘bật’ lại. Trước sự việc đó, anh đã nghĩ là ‘quan điểm của mình đang có vấn đề gì hay không?’, ‘ý kiến của mình đúng chỗ nào và sai chỗ nào?’. Việc nhân sự sẵn sàng bày tỏ quan điểm hay tranh luận với sếp là rất tốt cho sếp, vì nó làm cho góc nhìn của người sếp đa dạng hơn và thích ứng với nhiều thế hệ hơn.
Về vấn đề cống hiến – được ghi nhận, theo anh Trung Trương: Nếu các bạn Gen Z đòi hỏi nhiều mà thể hiện xuất sắc xứng đáng với những đòi hỏi đó, thì rất tốt cho doanh!
Tuy nhiên, nếu mình tốt thì phải biết trình bày với sếp là ‘tôi đang tốt như thế nào’, các bạn Gen Z đừng sợ nói ra sẽ bị ‘quật’ lại. Tóm lại, các bạn phải cho sếp mình biết mình là người như thế nào. Chỉ khi các bạn nói ra thì chúng ta mới bước tới gần mục tiêu sự nghiệp.
Trung Trương - Trưởng phòng Đối tác chiến lược Nhân sự - Unilever Việt Nam
"Ngoài ra, các bạn Gen Z bây giờ tiếp thu rất nhanh - hơn thế hệ của tôi hoặc những gì tôi đã trải nghiệm. Nếu một công ty không thường xuyên cung cấp cho các bạn những bài học mới – kiến thức mới thì các bạn rất dễ chán, mà bạn có rất nhiều cơ hội ngoài kia, thì họ sẽ ra đi tìm cơ hội khác. Mình phải chấp nhận thực tế và làm sao để môi trường làm việc của công ty luôn có cái mới để các bạn đỡ chán.
Hay nói cách khác: mức độ kiên nhẫn của các bạn Gen Z không cao. Hồi xưa, thế hệ 8x đi làm sẽ nghĩ: mình làm 1 công ty ít nhất là 2 năm hoặc 5 năm – ‘xui’ là công ty này tôi đã 10 năm mà chưa dừng lại. Nhưng các bạn Gen Z bây giờ, hình dung bước đường sự nghiệp chỉ trong thời gian rất ngắn: 6 tháng, 1 năm và nhiều nhất 2 năm. Nhiều Gen Z nghĩ: 2 năm là dài như cả một cuộc đời! Rõ ràng các bạn không nhìn xa nên gây đau đầu cho doanh nghiệp", Trung Trương bày tỏ.
Thực dụng và lạnh lùng là thế, nhưng Gen Z cũng có nhiều uẩn ức. Anh Trung Trương cho hay: Team của mình có 2 bạn Gen Z, mặc dù 2 bạn trông khi nào cũng đầy năng lượng và vui vẻ, nhưng thỉnh thoảng có nói với anh ‘em đi khóc đây!’. Các Gen Z lúc nào cũng có một mặt yếu đuối như vậy, do phải đối mặt với quá nhiều thứ!
"Bản thân tôi, ngoài là sếp, tôi cũng mong muốn trở thành bạn hay đồng nghiệp với các nhân viên của mình; là người mà họ có thể ‘đi ăn đi chơi’ cùng. Tôi luôn muốn biến công ty trở thành 1 ngôi nhà thật sự. Tôi có 1 nhóm chat với các bạn Gen Z trong 5 năm nay, dù các bạn không làm công ty nữa thì chúng tôi vẫn nói chuyện vui vẻ, hẹn hò đi chơi với nhau như trước đây.
Ngược lại, các bạn Gen Z cũng cần mở lòng ra và đừng xem các thế hệ khác là khác mình, mà hãy xem các thế hệ khác như đồng nghiệp của mình", anh Trung Trương nhắn nhủ.
Theo các chuyên gia, khi các bạn bước vào công ty, có nhiều người giỏi giang và mong ước giống mình, thì sẽ tạo động lực cho các bạn học hỏi và làm việc vui vẻ. Văn hóa công ty tốt thì sẽ giữ được người – kể cả đó là Gen Z, điều này bao năm vẫn đúng.
Quỳnh Như